Nhiều bộ không muốn rời 'sân sau', vì 'lợi ích nhóm'?

Đại biểu Hoàng Quang Hàm, Phú Thọ
Đại biểu Hoàng Quang Hàm, Phú Thọ
TPO - “Rõ ràng nhiều bộ ngành không muốn rời xa doanh nghiệp vốn được coi như là 'sân sau' của mình. Đây phải chăng là biểu hiện của lợi ích nhóm hay là nguyên nhân dẫn tới nhóm lợi ích, khi một số cơ quan quản lý nhà nước vừa đá bóng vừa thổi còi?”, đại biểu Quốc hội Leo Thị Lịch (Bắc Giang) nêu.

Sáng 28/5, Quốc hội thảo luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN) giai đoạn 2011-2016.

Báo cáo Quốc hội, đoàn giám sát chỉ rõ tình trạng một số cơ quan, đơn vị chưa đáp ứng được yêu cầu và tiến độ cổ phần hóa theo kế hoạch, như Bộ Xây dựng chậm cổ phần hóa TCT Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp Việt Nam, TCT Đầu tư phát triển nhà và đô thị, TCT Sông Đà, TCT Công nghiệp Xi măng Việt Nam; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chậm cổ phần hóa TCT Lương thực miền Nam...

Là đại biểu tham gia giám sát tại địa phương, đại biểu Leo Thị Lịch (Bắc Giang) đồng tình với đoàn giám sát, khi chỉ ra việc chậm thực hiện, thực hiện không quyết liệt, triệt để về việc tách chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước với chức năng quản lý nhà nước của các bộ.

“Rõ ràng nhiều bộ ngành không muốn rời xa DN vốn được coi như là “sân sau” của mình. Đây phải chăng là biểu hiện của lợi ích nhóm hay là nguyên nhân dẫn tới nhóm lợi ích, khi một số cơ quan quản lý nhà nước vừa đá bóng vừa thổi còi, không thực hiện khách quan trong xây dựng chính sách, nhất là chính sách liên quan tới môi trường hoạt động của DN. Từ đó làm giảm hiệu quả quản lý, tạo ra sự ỷ lại, không chịu vươn lên của DNNN, làm méo mó mô trường kinh doanh”, đại biểu Lịch nêu, đồng thời đề nghị cần thực hiện nghiêm theo kiến nghị của đoàn giám sát.

Đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) kiến nghị, việc đầu tư kinh doanh của DNNN cần tập trng vào lĩnh vực then chốt, thiết yếu, và cần có phương thức đánh giá hiệu quả. Nhấn mạnh sự cần thiết chỉ nên đầu tư kinh doanh vào lĩnh vực phù hợp, ông Hàm đề nghị “không nên một bên ra sức thoái vốn, còn một bên lại ra sức mua vào”. Cùng với đó, trong giai đoạn 2020 – 2030 phải xử lý dứt điểm không chỉ với 12 dự án thua lỗ lớn, mà cần rà soát tổng thể, không để kéo dài thua lỗ. Khi tiếp xúc cử tri, ông Hàm cho biết, cử tri rất bức xúc trước tình trạng nhà máy Ethanol Phú Thọ đắp chiếu, rất xót xa, cần quyết liệt hơn xử lý, càng để lâu, hậu quả càng nghiêm trọng.

Đại biểu Nguyễn Minh Sơn (Tiền Giang) thì cho rằng, báo cáo của đoàn giám sát chưa lột tả được bức tranh đầu tư ra nước ngoài. Theo đại biểu, cần đánh giá thực chất hơn, cụ thể hơn về dự án nào lỗ lãi, quốc gia nào đầu tư? Trên cơ sở đó cần cơ cấu lại dự án kém hiệu quả theo hướng bán, chuyển nhượng, không làm ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư dự án quan trọng.

Theo đoàn giám sát, lũy kế tính đến 31/12/2016, DNNN đã đầu tư ra nước ngoài trên 7 tỷ USD, có 25,5% dự án báo lỗ, 29% dự án lỗ lũy kế. Lợi nhuận được chia cho bên Việt Nam năm 2016 là 145 triệu USD, tương đương trung bình 2% tổng vốn đầu tư ra nước ngoài thực hiện. Hiệu quả đầu tư vào công ty con, công ty liên kết còn hạn chế, ảnh hưởng không tốt đến năng lực tài chính và hiệu quả sử dụng vốn tại doanh nghiệp.

MỚI - NÓNG