Nhiều bệnh viện tăng giá dịch vụ y tế

Từ 1/8, nhiều bệnh viện tăng giá dịch vụ y tế. Ảnh: Hồng Vĩnh.
Từ 1/8, nhiều bệnh viện tăng giá dịch vụ y tế. Ảnh: Hồng Vĩnh.
TP - Từ 1/8, các cơ sở khám, chữa bệnh trực thuộc Hà Nội, TPHCM và 28 tỉnh, thành phố khác sẽ điều chỉnh giá dịch vụ y tế theo hướng tăng giá đối với các loại dịch vụ khám, chữa bệnh và hơn 1.900 loại vật tư, thiết bị y tế.

Theo tờ trình của UBND thành phố Hà Nội, việc điều chỉnh giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh chỉ tác động đến các đối tượng chưa tham gia BHYT (chiếm 17,6 % dân số Hà Nội). Đồng thời cơ bản không làm ảnh hưởng nhiều đến trẻ em dưới 6 tuổi, người thuộc hộ nghèo, các đối tượng chính sách xã hội, người thuộc hộ cận nghèo vì các đối tượng này đã được Nhà nước mua hoặc hỗ trợ mua thẻ BHYT.

Tại Hà Nội, việc điều chỉnh giá dịch vụ khám chữa bệnh được áp dụng với các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa thành phố, trung tâm chuyên khoa, bệnh viện đa khoa tuyến huyện, phòng khám đa khoa, nhà hộ sinh, trạm y tế xã/phường/thị trấn; người bệnh chưa tham gia BHYT; người bệnh có thẻ BHYT nhưng đi khám, chữa bệnh hoặc sử dụng các dịch vụ khám, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của quỹ BHYT; các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan. Theo lãnh đạo ngành y tế Hà Nội con số 17,6% người chưa tham gia BHYT không phải là quá cao nên việc tăng giá dịch vụ y tế có thể kiểm soát được.

Ông Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, đợt điều chỉnh giá dịch vụ y tế lần này nhằm hướng tới sự bình đẳng về giá, không phân biệt giá giữa khám, chữa bệnh của người không có thẻ BHYT và người có thẻ BHYT trong cùng một cơ sở khám, chữa bệnh.

Bác sĩ Nguyễn Đình Hưng, Giám đốc Bệnh viện Saint Paul (Hà Nội) cho biết, 2017 là năm đầu tiên bệnh viện thực hiện tự chủ hoàn toàn. Những năm gần đây, nguồn kinh phí từ BHYT chiếm tỷ trọng rất lớn, tới 80% tổng nguồn thu của toàn bệnh viện, do đó việc tăng viện phí áp dụng với những người bệnh không có BHYT đợt này sẽ giúp bệnh viện cải thiện được đáng kể nguồn thu ngoài nguồn BHYT. Tuy nhiên, khi viện phí tăng, để thu hút được bệnh nhân không có BHYT đến khám đòi hỏi bệnh viện cũng phải nỗ lực hơn rất nhiều để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và đáp ứng sự hài lòng của người bệnh.

PGS.TS Trần Đăng Khoa, Giám đốc Bệnh viện Ung bướu Hà Nội chia sẻ, giá dịch vụ y tế được điều chỉnh đợt này mới chỉ tính 4/7 yếu tố cấu thành viện phí, chưa phải mức viện phí tính đúng tính đủ nên chưa tác động quá lớn đến người bệnh. Với nguồn thu tăng thêm từ việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế cũng giúp các cơ sở y tế có điều kiện để tăng chất lượng dịch vụ, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và quản lý khám chữa bệnh thống nhất một danh mục, một giá.

Tại TPHCM các cơ sở khám chữa bệnh là đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư sẽ thực hiện từ ngày 1/8; các cơ sở khám chữa bệnh là đơn vị tự bảo đảm một phần chi thường xuyên hoặc đơn vị do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên sẽ thực hiện từ ngày 1/10.

Trong đợt điều chỉnh tăng viện phí lần này, khoản viện phí tăng nhiều nhất là giá khám bệnh và giá tiền giường. Dự kiến mức viện phí trung bình sẽ điều chỉnh tăng khoảng 30%.

Người chưa có thẻ BHYT chịu tác động

Ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ Y tế) cho biết, với mức thay đổi này, phí khám bệnh hiện nay tại bệnh viện hạng đặc biệt, hạng 1 của thành phố đang là 20.000 đồng sẽ tăng lên 39.000 đồng, bệnh viện hạng 2 từ 15.000 tăng lên 35.000 đồng, bệnh viện hạng 3 từ 10.000 tăng lên 31.000 đồng, bệnh viện hạng 4 từ 7.000 lên 29.000 đồng. Giá tiền giường nội khoa tại bệnh viện hạng 1 từ 80.000 đồng hiện nay sẽ tăng lên đến 199.100 đồng.

Như vậy, giá khám chữa bệnh BHYT và không BHYT tại các cơ sở y tế công lập đều đã cộng tiền lương, đồng nghĩa là tiền lương của bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên y tế chuyển từ ngân sách chi trả qua người bệnh chi trả. Các bệnh viện công lập sẽ không còn nhận ngân sách cấp cho chi thường xuyên, thay vào đó là từ nguồn thu viện phí.

Bộ Y tế nhận định, việc điều chỉnh viện phí vào đầu tháng 8 này của các bệnh viện công sẽ không gây ảnh hưởng nhiều đến đời sống người dân của thành phố vì mức điều chỉnh chỉ tác động nhiều đến người chưa có BHYT. Theo thống kê của Bảo hiểm Xã hội TP.HCM, hiện 80% người dân thành phố đã có BHYT nên sự điều chỉnh giá viện phí lần này sẽ chỉ tác động đến gần 20% dân số còn lại.

Trong tháng 8, sẽ có 30 tỉnh/thành phố điều chỉnh giá dịch vụ y tế. Thực hiện điều chỉnh giá viện phí sẽ phần nào tác động đến ý thức tham gia BHYT của người dân, thúc đẩy người dân mua BHYT, tăng độ bao phủ và tiến tới BHYT toàn dân. Hiện nay, cả nước hiện còn gần 20% chưa tham gia BHYT.

MỚI - NÓNG