Nhiệt huyết của ông Bí thư huyện nghèo

0:00 / 0:00
0:00
Bí thư huyện Lắk Võ Ngọc Tuyên (đeo cà vạt) trò chuyện với các đại biểu, nhà đầu tư
Bí thư huyện Lắk Võ Ngọc Tuyên (đeo cà vạt) trò chuyện với các đại biểu, nhà đầu tư
TP - Sau hơn một năm thi trúng tuyển chức danh Bí thư Huyện ủy Lắk (Đắk Lắk), ông Võ Ngọc Tuyên tiếp tục hiện thực hóa chương trình hành động của mình, kêu gọi được nhiều tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp đầu tư vào địa phương. Ngay trong ngày đầu tiên xúc tiến đầu tư, ít nhất 3 tập đoàn, doanh nghiệp đã cam kết đầu tư dự án, tổng vốn hơn 1.300 tỷ đồng.

“Trên nóng dưới cũng nóng”

Sáng sớm 16/4, hàng trăm doanh nghiệp (DN) từ Trung ương, Hà Nội, TPHCM và nhiều tỉnh thành khác đã có mặt tại thị trấn Liên Sơn, trung tâm huyện Lắk dự Hội nghị Xúc tiến đầu tư. “Chúng tôi sẽ xem nhà đầu tư đến với huyện là công dân trên địa bàn. Thành công của các nhà đầu tư cũng là thành công của huyện”, Bí thư Võ Ngọc Tuyên hồ hởi nói.

Theo ông Tuyên, năm 2020 là năm đầu tiên địa phương này được công nhận Đảng bộ huyện trong sạch, vững mạnh, được Tỉnh ủy Đắk Lắk tặng bằng khen hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; có nhiều chỉ tiêu hoàn thành và vượt, trong đó có chỉ tiêu phát triển đảng viên mới, kinh tế-xã hội không ngừng được đổi mới.

“Dẫu vậy, huyện vẫn còn nghèo. Năm vừa rồi chúng tôi chỉ thu ngân sách được hơn 35 tỷ đồng. Huyện luôn xác định môi trường đầu tư là yếu tố hàng đầu, quyết định đến kết quả thu hút đầu tư vào địa phương”, ông Tuyên nói và cho biết hiện rất nhiều nhà đầu tư quan tâm tìm hiểu và đăng ký đầu tư các dự án lớn.

Ông Nay Y Phú, Chủ tịch UBND huyện Lắk, cho biết sẽ tạo điều kiện tối đa cho các nhà đầu tư bằng các chính sách thiết thực như miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước trong thời gian DN xây dựng dự án; ưu đãi thuế thu nhập DN với thuế suất 10% trong 15 năm đầu, miễn thuế nhập khẩu để tạo tài sản cố định…

Theo Bí thư huyện Lắk, tại hội nghị lần này, huyện đã xác định 19 dự án trọng điểm về nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp, phát triển đô thị, dự án thương mại - dịch vụ và du lịch để mời gọi các nhà đầu tư.

Ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (Bộ KH&ĐT) nói rằng, Lắk là một trong số ít huyện trên phạm vi cả nước tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư, và là huyện nghèo nhất tỉnh Đắk Lắk. “Đây là minh chứng cho thấy câu chuyện “trên nóng dưới lạnh” đã thay đổi thành “trên nóng dưới cũng nóng”, trên tích cực dưới cũng tích cực”, ông Hiếu nói. Theo ông Hiếu, cộng đồng DN rất quan tâm chủ trương, sự minh bạch và cách tiếp cận thông tin dễ dàng, cạnh tranh bình đẳng, tính năng động của chính quyền, trực tiếp là Huyện ủy và UBND huyện. “Hội nghị là bước khởi đầu của các chuỗi hoạt động xúc tiến đầu tư của DN, phải tiếp tục hiện thực hóa trong trong gian tới”, ông nói.

Sau khi tuyển chọn không đậu chức danh Bí thư Huyện ủy Lắk, Phó giám đốc Sở VH-TT&DL Đắk Lắk Nguyễn Văn Hà được điều động, bổ nhiệm chức vụ Phó bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Ea H’leo. Phó chánh Văn phòng UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Thị Thu An dự kiến tới đây được điều động làm Bí thư Huyện ủy Krông Năng. Ông Hà và bà An từng là hai ứng viên tuyển chọn chức danh Bí thư Huyện ủy Lắk do tỉnh Đắk Lắk tổ chức ngày 19/3/2020. Trong cuộc tuyển chọn này, ông Võ Ngọc Tuyên, Phó giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Đắk Lắk khi đó, đạt điểm cao nhất và được Tỉnh ủy Đắk Lắk làm hồ sơ, thủ tục để bổ nhiệm chức danh này.

Cho rằng du lịch là lợi thế lớn của huyện Lắk hiện nay, song ông Hiếu cũng khuyến cáo địa phương cần phát triển du lịch theo hướng bền vững, chứ không chỉ tập trung khai thác lợi ích.

Cần các “đầu bếp” tài ba

Tại hội nghị ngày 16/4, thay mặt lãnh đạo huyện, Chủ tịch UBND Nay Y Phú ký và trao 3 giấy chứng nhận đầu tư cho 3 tập đoàn, DN lớn, tổng giá trị cam kết đầu tư hơn 1.300 tỷ đồng.

Đại diện cho đơn vị đã và đang đầu tư, kinh doanh khu nghỉ dưỡng trên hồ Lắk, bà Bùi Viết Thủy Tiên, Giám đốc Cty TNHH Đường mòn châu Á, đề nghị cơ chế quản lý của chính quyền cần thống nhất từ trên xuống. Bà Tiên cũng kiến nghị huyện cần đầu tư phát triển hạ tầng du lịch, bảo tồn và phát triển các làng nghề truyền thống để thu hút và giữ chân du khách, phát triển nhân lực chất lượng cao. Xu hướng hiện nay không cho phép cưỡi voi, vì thế, chính quyền cần có giải pháp để tăng nguồn thu cho các chủ voi, chẳng hạn có dự án bảo tồn voi, tạo nguồn sinh kế cho các gia đình nuôi voi như cho phép khách tham quan, tìm hiểu về cách nuôi, chăm sóc, huấn luyện voi…, bà nói.

Ông Phạm Thanh Tuấn, Phó tổng thư ký Hiệp hội Du lịch Đắk Lắk, nói rằng, tài nguyên của huyện Lắk được ví như tôm hùm, chỉ cần luộc lên cũng ngon. Tuy nhiên, để phát triển lâu dài, bền vững, huyện Lắk cũng cần các nhà đầu tư như “đầu bếp” tài ba nghiên cứu, chế biến thành các sản phẩm du lịch hấp dẫn, giá trị, ông nói.

Ông Nguyễn Tuấn Hà, Ủy viên Ban Thường vụ tỉnh ủy, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk, cho rằng, để đạt mục tiêu của tỉnh tới năm 2030 đưa huyện Lắk thành khu du lịch trọng điểm, cần phải có sự chung tay, vào cuộc đồng bộ của chính quyền, các sở ngành và cộng đồng DN, người dân.

MỚI - NÓNG