“Mẹ ơi, ngày mai con lên đường vào Nam chống dịch rồi!“
"Con là con của mẹ, nhưng giờ quan trọng hơn hết con đã là người của nhà nước, là người phục vụ nhân dân. Ngay lúc này người dân miền Nam đang cần các con. Mẹ chỉ mong con và các bạn bình an trở về, đồng ý với mẹ điều đó nhé!”, mẹ đáp lại Hùng, lòng đầy nghẹn ngào.
Nhật ký viết vội
"Xuống sân bay, Sài Gòn đón chúng tôi bằng một cơn mưa khá nặng hạt, không khí ảm đạm mất đi sự náo nhiệt vốn có càng làm chúng tôi thương Sài Gòn nhiều hơn. Điều đáng tiếc, sau khi xuống sân bay, tôi cứ tưởng tất cả mọi người sẽ được chào tạm biệt nhau, động viên nhau trước khi bắt tay vào nhiệm vụ nhưng lại chỉ kịp chào nhau từ xa, mỗi người mỗi tổ chia nhau về địa điểm mình phụ trách, mọi thứ luôn khẩn trương ngay từ lúc mới bắt đầu - 23/8.
Thượng sĩ Trần Mạnh Hùng (sinh năm 1998, quê tại Diễn Châu, Nghệ An) hiện là học viên lớp DH50A, chuyên ngành Bác sĩ đa khoa, Học viện Quân Y. |
24/08: Thật sự đây là lần đầu tiên tôi mặc bộ đồ bảo hộ lâu như thế, quần áo bên trong đã ướt toàn bộ, miệng cũng khát khô, bụng đói... nhưng nhìn thành quả đầu tiên mà chúng tôi làm được (cùng 3 tổ đội khác trong một buổi chiều tiến hành lấy mẫu được hơn 500 người) - bao nhiêu mệt mỏi tan biến.
Trần Mạnh Hùng "sốc" khi lần đầu mặc đồ bảo hộ. |
25/08: Hôm nay chúng tôi sẽ lấy mẫu xét nghiệm lại cho toàn bộ bệnh nhân F0 đã được chẩn đoán trước đó của xã Phú Xuân. Nguy cơ lây nhiễm sẽ cao hơn rất nhiều nên chúng tôi tập trung cao độ và khá khắt khe trong việc yêu cầu người dân hợp tác. Đáng mừng, kết quả test nhanh cho thấy hơn 50% bệnh nhân F0 cách ly 14 ngày tại nhà cho kết quả âm tính. Hy vọng trong lần kiểm tra tới, sẽ là 100% kết quả âm tính.
27/08: Trải qua 4 ngày cơ động đến từng ngõ hẻm và địa điểm để lấy mẫu, tổ chúng tôi cùng hơn 10 tổ khác được phân công về huyện Nhà Bè và đã lấy mẫu test nhanh gần hết tại địa bàn. Nhưng có lẽ công việc quan trọng nhất sắp tới của chúng tôi là tư vấn từ xa, đánh giá và điều trị F0 tại nhà - điều này không hề dễ dàng.
Đa phần các trường hợp, chúng tôi phải đến tận nhà để đánh giá và xem xét có chuyển viện hay tiếp tục điều trị tại nhà. Việc di chuyển tìm địa điểm khá khó khăn nhưng chúng tôi luôn sợ bệnh nhân có thể chuyển biến xấu bất cứ lúc nào nên cố gắng di chuyển nhanh nhất có thể. Rất may, những trường hợp chúng tôi thăm khám, chỉ một vài bệnh nhân cao tuổi kèm theo bệnh lý nền có Spo2 giảm thấp nên mới phải chuyển viện, còn phần lớn là tiếp tục cách ly điều trị tại nhà.
Mạnh Hùng cùng đồng đội thăm khám, tư vấn điều trị bệnh nhân F0 tại nhà. |
28/08: Hôm nay có lẽ là một ngày đáng nhớ nhất với chúng cho tới thời điểm hiện tại. Tôi gặp bệnh nhân 80 tuổi, F0 ngày thứ 5, khó thở mức độ nhẹ kèm theo bất lực vận động cánh tay trái do ngã. Trước khi tiến hành cho cụ thở Oxy chúng tôi cần cố định cánh tay của cụ đề phòng chấn thương thứ phát gây tổn thương mạch máu và thần kinh. Quả thực, những gì chúng tôi từng được thầy cô dạy trên ghế nhà trường đã phát huy tối đa ngay lúc này. Giữa lý thuyết và thực tế thật sự rất khác biệt.
Bệnh nhân sau đó đã được chuyển viện để xử trí tình trạng gãy tay. Thu hoạch lớn nhất của chúng tôi vào ngày hôm đó không chỉ là củng cố những gì đã được thầy cô truyền thụ mà hơn hết là tình cảm của gia đình bệnh nhân đối với chúng tôi nói riêng và nhân viên y tế nói chung. Tôi chắc chắn rằng, họ đã có một cái nhìn thực tế, tích cực về những nhân viên đang ngày đêm cống hiến sức lực với hy vọng đem lại sức khoẻ cho nhân dân.
Quả thực mà nói, một tuần công tác tại đây chúng tôi mới hiểu được người dân địa phương đang thực sự cần chúng tôi, cần hệ thống y tế như thế nào. Thả mình vào thực tế, tôi mới hiểu được những khó khăn, hậu quả mà đại dịch COVID-19 gây ra".
“Chống dịch như chống giặc” - là một trong những học viên của Học viện Quân y, Mạnh Hùng lại càng thấm nhuần tinh thần, phương châm ấy và xung phong lên đường chi viện cho miền Nam không chút do dự.
Nhớ lại câu nói: "Con là con của mẹ, nhưng giờ quan trọng hơn hết con đã là người của nhà nước, phục vụ nhân dân. Ngay lúc này người dân miền Nam đang cần những người như các con. Mẹ chỉ mong con và các bạn bình an trở về, đồng ý với mẹ điều đó nhé!”, nam sinh cảm thấy có chút áp lực về sự kỳ vọng của mẹ.
"Không chỉ là con của mẹ, mình còn nguyện làm đầy tớ phục vụ nhân dân. Những trách nhiệm này vô cùng nặng nề. Do đó trong mọi việc, mình luôn phải cẩn thận để bản thân không bị lây nhiễm rồi mới có sức làm nhiệm vụ.
Trần Mạnh Hùng (ngoài cùng bên phải) và đồng đội. |
"Giờ mà anh em mình thành F0 thì chính thức nghỉ cuộc chơi", câu nói của Hùng và đồng đội sau một ngày làm nhiệm vụ. Đây được xem là động lực, khát vọng cống hiến để những người làm nhiệm vụ như Hùng gạt bỏ nỗi sợ khi tiếp xúc với F0.
Tham gia góp sức với đội ngũ tuyến đầu chống dịch, bản thân Thượng sĩ Trần Mạnh Hùng tự rút ra được những bài học đáng quý, anh chia sẻ: "Lý thuyết và thực tế luôn khác nhau, khi còn ngồi trên ghế nhà trường, thầy cô luôn châm chước cho bọn mình. Nhưng khi vào thực tế, mình mới thấy khó khăn trăm bề, kiến thức cứ tưởng là đủ rồi nhưng hoá ra chỉ là hạt cát trong sa mạc, bệnh nhân đa dạng không ai giống ai. Và quan trọng nhất, mình học được cách có trách nhiệm với từng lời nói, cử chỉ khi tiếp xúc với người dân.
Nói một cách y khoa, "lối sống tĩnh tại là một yếu tố nguy cơ của các bệnh tim mạch". Nên mình nghĩ không chỉ bản thân mình mà tất cả mọi người còn trẻ, còn sức lực thì hãy cống hiến sức lực đó để trải nghiệm thật nhiều. Điều đó không chỉ giúp bản thân có nhiều kinh nghiệm sống, kinh nghiệm làm việc mà còn đóng góp rất lớn cho xã hội".