Nhật ký hài hước của bác sĩ nơi tâm dịch

0:00 / 0:00
0:00
Bác sĩ Ngô Đức Hùng đang tập huấn cho đội ngũ y bác sĩ trước khi vào việc tại bệnh viện dã chiến ở Bắc GiangẢnh: Phạm Ngọc Thanh
Bác sĩ Ngô Đức Hùng đang tập huấn cho đội ngũ y bác sĩ trước khi vào việc tại bệnh viện dã chiến ở Bắc GiangẢnh: Phạm Ngọc Thanh
TP - Nhật ký COVID và tác giả - bác sĩ Ngô Đức Hùng được trông đợi tới mức sau 4 tiếng phát hành, 1.500 bản sách (đặt trước) đã hết veo. Chưa bao giờ người ta quan tâm đến sức khỏe như bây giờ nên hai cuốn trước của anh cũng được xếp vào hàng bán chạy. Bác sĩ ra sách không hiếm nhưng hình như chưa có ai viết với phong cách “lầy lội” như Hùng.

Mở cuốn sách, một “lá thư” rơi ra: “… Cuối cùng ngày ấy cũng đến, mình lại được lệnh vác ba-lô lên đường chống dịch, cả nước bước vào làn sóng thứ tư… Hành trình đi tìm tự do chưa biết bao giờ kết thúc, cuộc sống vẫn phải tiếp tục. Mỗi cuộc chiến đều sẽ để lại những tổn thương cho mỗi trái tim con người. Rồi tất cả cũng sẽ qua đi, chỉ có những điều tử tế còn lại…”.

Đó là những dòng viết tay của tác giả, bác sĩ Ngô Đức Hùng trước khi lên đường vào tâm dịch Bắc Giang. Khi đó, sách của anh đã in ấn xong xuôi, chuẩn bị lên kệ. Cuốn nhật ký này vừa khép lại, cuốn khác đã mở ra... Vì cái ngày để bác sĩ được tự do châm một chén trà hay sáng tác một mẫu gấp giấy mới vẫn còn ở phía trước.

Trước khi là tác giả sách bán chạy, Ngô Đức Hùng đã có tiếng như một nghệ nhân gấp origami. Lúc rảnh rỗi, anh pha chế các công thức dầu gội nhuộm từ thảo dược, lành đến độ có thể ăn được (ít ra là anh “quảng cáo” thế) phát triển từ bố anh, một thầy thuốc Đông y. Thời gian rảnh, Hùng đi phượt hoặc làm hiệp sĩ chiến đấu với những người bán hàng “thực dưỡng” và truyền bá lối sống thuận tự nhiên cực đoan một cách hết sức quyết liệt, đồng nghĩa với ngoa ngoắt. Phong cách ấy đã làm nên thương hiệu.

Nhật ký hài hước của bác sĩ nơi tâm dịch ảnh 1

Tác giả Nhật ký COVID được xét nghiệm trước khi tác nghiệp tại Hải Dương, tháng 2

Ảnh: NVCC

Tất nhiên, anh không quên nhiệm vụ đó khi viết cuốn này. Chẳng hạn: “Các thánh thực dưỡng được dịp bám trend khuyên nhân dân yêu thương cả con virus để nó không hại mình. Còn giả như bị nhiễm là do yêu thương chưa đủ rồi. Ấy thế mà cũng khối người tin”.

Mỗi lần đăng đàn Facebook, anh đều thu hút vài ngàn lượt like. Nhiều đoạn trong sách đều đã được thử lửa tại Facebook. Tất nhiên, người ta không chỉ like mà còn chửi nhiệt tình. Hùng từng bị gọi là “dư luận viên y tế”, kinh khủng hơn, “rồi nhân dân sẽ đốt xác mày”. “Gớm, đốt để mà trời ấm lên một tí cũng được”, khổ chủ tự trào. Dĩ nhiên đó là hồi mùa đông (cụ thể đầu tháng 2/2020), chứ giờ trời nóng mà đại dịch cũng đang nóng, “đốt” bác sĩ thế nào được!

Trong cuốn sách mới nhất của anh, người đói thông tin khoa học sẽ tìm thấy vài thứ thú vị như “trong gần 20 ngàn gien người có ít nhất 1% gien chứa di truyền từ một loại virus phiên mã ngược”. Rất có thể việc nó tích hợp gien vào người đã góp phần tạo nên một số ưu điểm sinh học cho chúng ta. Anh giúp hệ thống ngắn gọn các thông tin chuẩn về dịch bệnh từ đầu đến giờ.

Và nhiều lần lên án nạn kỳ thị nở rộ cùng virus: “Không có bệnh nhân số 17 này cũng sẽ có số 17 khác. Nếu nhìn một cách tích cực, bệnh nhân số 17 đã giúp cả hệ thống phòng dịch vốn tập trung kiểm soát con đường lây nhiễm từ biên giới phía Bắc, nhận ra sự lỏng lẻo trong quản lý phòng dịch với làn sóng tràn về từ châu Âu. Nhờ đó mà công tác cách ly người từ nước ngoài hình thành quy trình chặt chẽ hơn”.

Hùng có thể nói là của hiếm của ngành y khi không chỉ có khả năng lập lại trật tự giữa biển thông tin hỗn loạn, anh còn làm cho những thông tin mình đưa ra trở nên hấp dẫn bằng một lối viết đa dạng khôn lường mà tôi gọi là “trữ tình lầy lội”. Tất nhiên phải có những ghi chép về những cảnh đời của cả bệnh nhân và y bác sĩ nơi cách ly nhưng khi người đọc đang xém xúc động thì đã phải bật cười vì cách nhìn, cách diễn đạt của tác giả. Hùng không bao giờ đẩy câu chuyện đến mức nghẹn ngào hay sến dù đủ chất liệu để làm điều đó.

Trong khi toàn dân đang xót xa cho các bác sĩ phải căng mình trong bộ đồ bảo hộ (Hùng gọi là bộ đồ nuôi ong) thì anh miêu tả bản thân và các đồng nghiệp như sau: “Sau một tuần kêu eng éc lăn lộn trong bệnh viện…”, “các bác sĩ ngồi rúm vào một chỗ rì rầm nói chuyện và bắt chấy cho nhau lách chách”… Dĩ nhiên là các bác sĩ không eng éc và cũng không có chấy nhưng tác giả không viết thế thì hẳn không chịu được. Hùng chia sẻ: “Đôi khi những chi tiết đó bị nhiều người gọi là ngoa ngoắt, nhưng với tôi đó là những chuyện nghiêm túc được hài hước hóa để làm dịu đi sự thật trần trụi của cuộc sống”.

Tự nhiên lại có một cây bút hóm kiêm bác sĩ xịn nằm vùng trong tâm dịch viết ra phải nói là quá quý hiếm. Hùng độc quyền những chi tiết không ai có. Chẳng hạn lái xe chuyên chở F1 đến điểm cách ly, ngủ vạ vật, điện thoại gọi bất cứ lúc nào, có lúc đang ị dở cũng phải kéo quần lên đi làm nhiệm vụ... Và quan trọng, Hùng thành tiếng nói đại diện những người trong ngành đang quá vất vả mà nhiều khi vẫn phải chịu nhiều bất công.

Ở giai đoạn đầu của dịch bệnh, nhân viên y tế thường xuyên bị kỳ thị xuất phát từ “nỗi sợ biết đâu nó nhiễm rồi lây cho mình”. Nhà của một bác sĩ cùng khoa với Hùng ở quê bị chăng dây ngoài cửa, đặt biển “khu vực cách ly” nội bất xuất ngoại bất nhập đúng hai tuần dù cả tháng rồi bác sĩ không về quê. Xã còn cắt cử bảo vệ cầm dùi cui ngồi canh cửa sợ gia đình trốn (!). Cùng một câu “Không được để ngành y phải đơn độc trong cuộc chiến này”, Hùng viết ra ắt sẽ trọng lượng hơn.

Thế nhưng, những vất vả đến cùng cực của chính các bác sĩ, Hùng lại giấu nhẹm đi. Anh chỉ nhắc đến sự cần thiết của băng vệ sinh với chị em phụ nữ trong khu cách ly mà bỏ qua chuyện những người làm nhiệm vụ không chỉ mặc đồ nuôi ong mà còn phải đóng bỉm suốt ngày. Anh phân bua: “Tôi luôn nhìn mọi vấn đề theo hướng tích cực, thậm chí hài hước hóa cho các câu chuyện bớt đi nặng nề. Bởi dù cuộc sống vui hay buồn chúng ta vẫn phải bước tiếp. Công việc cũng vậy, thay vì nói đến những điều tiêu cực, chúng ta hãy làm nó vui lên, như thế cuộc sống sẽ màu sắc hơn rất nhiều”.

Tuy nhiên, căn cứ vào độ "lầy lội" của từ ngữ, có thể đoán được áp lực công việc của các bác sĩ (suy theo logic chuyện càng tiêu cực thì kể phải càng vui). Mỗi khi rảnh, tác giả hay ngồi vẩn vơ một mình, quan sát thiên nhiên và tả lại một cách sung sướng. Chẳng hạn, một hôm anh phát hiện ra một loài mới: “Con mờ lờ ve hôm trước láu táu lột xác sớm mùa hơn những đứa khác chắc là bị lạnh chết lăn quay ở góc nào, không nghe thấy rên rỉ nữa. Chỉ còn lại mình ta với ta”. Ở một đoản văn, khác “sợ vãi kít” được giật lên tít. Và đó là nghĩa đen vì nhân vật tiêu chảy cấp định vào viện cấp cứu nhưng nghe thấy dọa bị cách ly (nếu dương tính) bèn ôm quần chạy luôn.

Bệnh viện ngày thường vốn đã lắm chuyện “vui” như đã kể trong cuốn đầu tay của tác giả Để yên cho bác sĩ hiền (đã bán hơn 5 vạn bản) thì những ngày COVID này còn quặn ruột đến thế nào. Tình hình dịch bệnh thế này lại chuẩn bị có Nhật ký COVID phần tiếp đây. Thôi thì đằng nào cũng không tránh khỏi COVID, có “nhật ký” mà đọc giải buồn còn hơn không.

MỚI - NÓNG
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
TPO - Ở bậc THPT, Hà Nội hiện có hơn 100 trường tư thục. Trong đó, Quận Nam Từ Liêm có số lượng nhiều nhất với 12 trường. Mức học phí các trường từ 1,8 triệu đồng/ tháng đến gần 600 triệu đồng/ năm. Tuy nhiên, năm học 2024-2025, chỉ có 9 trường được Sở GD&ĐT Hà Nội giao chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10.