Shinzo Abe, ông ấy đấy!
> Tuần tới, Thủ tướng Nhật Bản thăm Việt Nam
> Sau Mỹ-Hàn, đến lượt Nhật 'thúc' LHQ trừng phạt Triều Tiên
Thủ tướng Nhật Shinzo Abe sẽ gửi đặc sứ trao tận tay thư cho Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen - Ảnh: Reuters. |
Đài NHK của Nhật ngày 14-1 đưa tin Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đã viết một lá thư và chọn Chủ tịch Ủy ban đối ngoại Hạ viện Nhật Bản Katsuyuki Kawai làm đại sứ để chuyển thông điệp của Tokyo đến NATO.
Ông Kawai dự kiến đến Brussels (Bỉ) để đích thân trao lá thư của ông Abe cho Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen vào ngày 16-1.
Báo Yomiuri Shimbun cho biết đây là một phần trong chuyến công du ba nước châu Âu Anh, Pháp, Bỉ của ông Kawai từ ngày 15 đến 20-1.
NATO, đối tác trên toàn cầu
Bức thư mang thông điệp của Thủ tướng Abe muốn thúc đẩy hợp tác với NATO trước sự tăng cường sức mạnh của Trung Quốc.
Thủ tướng Abe nhấn mạnh Bắc Kinh đang thường xuyên xâm phạm vùng biển và không phận thuộc chủ quyền của Tokyo xung quanh quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư và sự lo ngại của Tokyo trước những động thái của CHDCND Triều Tiên.
Thủ tướng Nhật khẳng định Tokyo muốn chia sẻ với NATO những hiểu biết về sự thay đổi của môi trường chiến lược trong khu vực bởi cả Tokyo và NATO có nhiều nguyên tắc chung.
Phản ứng trước tuyên bố này của Nhật, Thời Báo Hoàn Cầu cho rằng nỗ lực của Nhật nhằm liên kết với NATO sẽ thất bại bởi “nhiệm vụ chính của NATO là duy trì hòa bình và bảo vệ nhân quyền ở châu Âu và nhiều thành viên của tổ chức này đang đối mặt với nhiều vấn đề kinh tế”.
Bên cạnh đó, dù cả hai có chung lo ngại về chương trình hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng nhưng hầu hết các thành viên NATO không có mâu thuẫn với Bắc Kinh về chủ quyền biển.
Năm 2007, ông Abe với cương vị thủ tướng trở thành lãnh đạo đầu tiên của Nhật thăm trụ sở NATO, nhưng sự xuất hiện của ông lúc đó không đem lại nhiều kết quả.
Tuy nhiên, trên trang Voice of Russia, Rick Rozoff - chủ trang mạng Stop NATO - nhận định NATO đang trong giai đoạn mở rộng hoạt động trên toàn cầu, đặc biệt là khu vực châu Á - Thái Bình Dương, thể hiện qua chiến lược của Mỹ được mô tả lúc đầu là “xoay trục” và nay là “tái cân bằng”.
Hồi tháng 5-2012, cuộc họp của NATO tại Mỹ đã cho ra đời mô hình đối tác mới với tên gọi “Đối tác trên toàn cầu” gồm tám nước Iraq, Pakistan, Afghanistan, Mông Cổ, Úc, Hàn Quốc, New Zealand và Nhật.
“Chúng ta đang thấy sự thể hiện công khai của NATO trong vai trò của một tổ chức quân sự toàn cầu” - chuyên gia Rozoff nhận định. Do đó nhiều khả năng NATO sẽ tăng cường hợp tác với Nhật.
Một vai trò tích cực hơn
Giới quan sát nhận định Nhật Bản đang muốn tái khẳng định vị trí của mình trên sân khấu chính trị khu vực và thế giới. Trong bức thư gửi NATO, Thủ tướng Nhật Abe cũng nêu rõ Tolyo sẵn lòng “nhận vai trò tích cực hơn trong việc đảm bảo sự ổn định và thịnh vượng của Đông Á”.
Việc Tokyo tăng cường hợp tác với NATO là bước đi tiếp theo sau khi Nhật tuyên bố nâng ngân sách quốc phòng cùng hàng loạt biện pháp cứng rắn để bảo vệ quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Mới đây nhất là ngày 13-1, Lực lượng phòng vệ Nhật cũng tập trận tái chiếm đảo với sự tham gia của 2.000 quân. Đài NHK cho biết thêm hai tàu tuần tra vừa được điều đến tỉnh Okinawa sau khi Lực lượng tuần duyên Nhật đánh giá căng thẳng tại khu vực quần đảo Senkaku/Điếu Ngư sẽ kéo dài do sự hiện diện thường xuyên của tàu và máy bay Trung Quốc.
Bên cạnh các biện pháp quân sự, Tokyo cũng triển khai hàng loạt hoạt động chính trị ngoại giao trong khu vực. Trước chuyến công du ASEAN trong tuần này của Thủ tướng Abe, Nhật cũng nỗ lực cải thiện quan hệ với Hàn Quốc và Mỹ.
Tokyo hồi đầu tháng đã gửi đặc sứ đến Seoul và ngày 18-1 sẽ gửi Ngoại trưởng Fumio Kishida đến Washington. Ông Abe đã khẳng định quan hệ đồng minh với Mỹ là chủ chốt trong chính sách an ninh và ngoại giao của Nhật.
Ngày 13-1 tại Úc, chặng dừng chân tiếp theo vào cuối chuyến công du Đông Nam Á (Philippines, Singapore, Úc và Brunei), Ngoại trưởng Nhật Fumio Kishida và người đồng cấp Úc Bob Carr đã nhất trí tăng cường hợp tác an ninh cùng với Mỹ nhằm duy trì hòa bình và ổn định tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Theo báo Japan Times, ngoại trưởng Úc khẳng định việc hợp tác an ninh giữa Nhật, Úc và đồng minh Mỹ là vô cùng quan trọng.
Tại cuộc gặp, hai ngoại trưởng cũng thảo luận về tình hình an ninh trên biển Đông, các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương.
Theo Tuổi Trẻ