Nhật – Hàn hục hặc, Trung Quốc hưởng lợi

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in. (Ảnh: Reuters)
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in. (Ảnh: Reuters)
TPO - Một cuộc “chiến tranh thương mại” giữa Nhật Bản và Hàn Quốc có thể là tin tốt với Trung Quốc về cả kinh tế và ngoại giao, các nhà quan sát nhận định.

Việc Tokyo hạn chế xuất khẩu một số nguyên liệu quan trọng cho các công ty Hàn Quốc có thể gây tổn thất cho cả hai phía, giúp các nhà sản xuất Trung Quốc giành được lợi thế cạnh tranh. Còn quan hệ xấu đi giữa hai nước đồng minh chủ chốt của Mỹ có thể khiến các nhà ngoại giao Bắc Kinh cười thầm.

Hôm qua, Tokyo tuyên bố sẽ giữ quyết định hạn chế xuất khẩu các nguyên liệu quan trọng đối với ngành công nghệ cao của Hàn Quốc, dù Bộ trưởng Thương mại Nhật Bản Hiroshige Seko nói nước này vẫn “mở cánh cửa đối thoại”. Điều này cho thấy Tokyo chưa bị lay động trước lời đe dọa của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in rằng Seoul đã chuẩn bị để có “hành động đáp trả cần thiết”.

Mâu thuẫn gia tăng này hứa hẹn trở thành một cơn đau đầu không chỉ với các tập đoàn công nghệ lớn của Hàn Quốc như Samsung hay LG, khi họ đang phụ thuộc nặng nề vào các nhà cung cấp Nhật Bản, mà cả với nhiều công ty Nhật Bản khi họ phải tìm kiếm khách hàng mới do chuỗi cung ứng bị gián đoạn.

Các nhà phân tích tin rằng một trong những biện pháp trả đũa của Seoul sẽ là chặn xuất khẩu màn hình OLED sang Nhật Bản, khiến các công ty Nhật gặp khó khăn trong việc sản xuất TV chất lượng cao.

Khi những biện pháp ăn miếng trả miếng sẽ ảnh hưởng đến ngành công nghệ của cả hai nước, giới chuyên gia cho rằng các nhà sản xuất Trung Quốc, đặc biệt là ngành công nghiệp chất bán dẫn non trẻ của nước này, sẽ có cơ hội lấp vào chỗ trống.

Mầm mống của căng thẳng thương mại lần này là mâu thuẫn giữa Seoul và Tokyo về vấn đề di sản thời kỳ Nhật chiếm bán đảo Triều Tiên làm thuộc địa trước khi Thế chiến 2 kết thúc. Cho rằng họ đã bồi thường xong cho Seoul theo một hiệp ước ký năm 1965, Tokyo nổi giận khi một tòa án Hàn Quốc năm ngoái ra phán quyết các công ty Nhật phải bồi thường cho những nạn nhân Hàn Quốc bị cưỡng ép làm việc dưới thời thuộc địa.

Đáp lại, Tokyo tuyên bố sẽ hạn chế 3 nguyên liệu cần cho chế tạo thiết bị bán dẫn, màn hình máy tính và điện thoại thông minh cho Hàn Quốc. Trong khi đó, các công ty Hàn Quốc phụ thuộc nặng nề vào những nguyên liệu này từ Nhật Bản.

Nhưng sự phụ thuộc đó không chỉ một chiều. Ông Ryo Hinata-Yamaguchi, một giáo sư thỉnh giảng tại ĐHQG Pusan, Hàn Quốc, nói rằng mâu thuẫn hiện nay sẽ có hại cho cả hai bên.

“Nhật Bản là nguồn cung cấp hóa chất và công nghệ chế tạo quan trọng cho các ngành công nghiệp Hàn Quốc, trong khi đối với Nhật Bản, Hàn Quốc là một thị trường xuất khẩu quan trọng”, ông Hinata-Yamaguchi nói.

Ông June Park, giảng viên về kinh tế chính trị quốc tế tại ĐH George Mason Hàn Quốc, nói rằng hai ngành công nghiệp công nghệ cao của Hàn Quốc và Nhật Bản “cực kỳ kết nối và bổ sung cho nhau”. Một ví dụ là các công ty Hàn Quốc mua nguyên liệu từ Nhật để sản xuất thiết bị bán dẫn để bán lại cho các công ty Nhật.

“Hai nước sẽ khó tách khỏi nhau với mức độ căng thẳng hiện nay. Nếu căng thẳng tiếp diễn, nó sẽ tạo ra hiệu ứng lan tỏa, ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng chip toàn cầu trong ngành điện tử, từ đó ảnh hưởng đến cả các hãng sản xuất điện thoại thông minh như Apple và Huawei”, ông Park nói.

Trung Quốc hưởng lợi

Giới phân tích cho rằng căng thẳng thương mại Nhật – Hàn hiện này có lợi cho các nhà sản xuất Trung Quốc.

Do chiến tranh thương mại với Mỹ, Trung Quốc đang xúc tiến phát triển ngành công nghiệp vi mạch của riêng họ để giảm phụ thuộc vào nước ngoài.

Trung tâm của kế hoạch này là ngành công nghiệp chất bán dẫn. Theo kế hoạch Made in China 2025, Bắc Kinh đặt mục tiêu sẽ sản xuất 40% thiết bị bán dẫn vào năm 2020 và 70% vào năm 2025, trong khi mức hiện nay là 10%.

Giới phân tích cho rằng mục tiêu này sẽ càng được thúc đẩy nếu căng thẳng giữa Tokyo và Seoul làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, và các công ty Trung Quốc sẽ lấp vào chỗ trống.

“Nếu mâu thuẫn hiện nay khiến thị phần toàn cầu của các công ty Hàn Quốc giảm xuống, chúng ta có thể dự đoán rằng Trung Quốc sẽ chớp cơ hội để leo lên”, ông Park nói.

“Trung Quốc chắc chắn có động lực để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn...Thời gian sẽ cho biết liệu Trung Quốc có phải bên hưởng lợi duy nhất từ quá trình này hay không”, ông Park nói thêm.

Nếu tranh thủ được căng thẳng hiện nay, Trung Quốc có thể trở thành nước tiếp theo lên ngôi trong tiến trình thay đổi vị trí thống trị ngành chất bán dẫn. Trong những năm 1990 và 2000, Nhật Bản đóng vai trò thống trị; từ năm 2010, Hàn Quốc tiếp quản vị trí này.

Lợi về ngoại giao

Ngoài lợi ích về công nghiệp, Trung Quốc còn có thể thu được lợi ích về ngoại giao từ căng thẳng Nhật – Hàn hiện nay.

“Về địa chính trị, quan hệ tiêu cực giữa Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ có lợi cho Trung Quốc, vì Bắc Kinh luôn lo quan hệ gần gũi giữa Seoul và Tokyo có thể phát triển đến mức gần như liên minh”, ông Hinata-Yamaguchi nói.

Trung Quốc từ lâu đã lo rằng quan hệ 3 bên Mỹ - Nhật – Hàn có thể phát triển thành một liên minh toàn cầu nhằm kiềm chế sự mở rộng quân sự của Trung Quốc ở Thái Bình Dương, giống như cách NATO kiểm soát ảnh hưởng của Nga ở châu Âu.

“Cuối cùng, Trung Quốc có thể hưởng lợi bao nhiêu từ xung đột Nhật – Hàn phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của xung đột ấy”, ông Hinata-Yamaguchi nhận định.

Theo theo SCMP
MỚI - NÓNG
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.