Nhật báo Le Monde luôn có trang tin về Việt Nam

Nhật báo Le Monde luôn có trang tin về Việt Nam
TP - “Người Pháp nói chung bị đất nước Việt Nam mê hoặc và bản thân tôi cũng vậy. Đưa thông tin về Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam là truyền thống của chúng tôi”, ông Jean - Marie Colombani, cựu Giám đốc Le Monde đã tâm sự như vậy trong chuyến thăm Hà Nội vừa qua.

>> Gặp Tổng biên tập tuổi 30 của báo Le Monde điện tử

Bị Việt Nam mê hoặc

Nhật báo Le Monde luôn có trang tin về Việt Nam ảnh 1
Ông Jean - Marie Colombani

Ông Colombani cho biết, mặc dù trong suốt thời gian làm ở bộ phận chính trị của tờ báo, ông đã có nhiều bài phân tích sâu sắc về tình hình nước Pháp, chưa bao giờ viết về Việt Nam nhưng ông luôn có cảm tình đối với Việt Nam.

 Theo ông, báo Le Monde luôn dành những quan tâm sâu sắc tới châu Á, trong đó có Việt Nam. Đây là tờ báo duy nhất hiện nay của Pháp có phóng viên thường trú tại châu Á.

“Chúng tôi có hẳn một mảng tin tức dành cho châu Á và đưa tin tức thường xuyên về châu Á và Đông Nam Á. Như bạn biết, rất nhiều người Pháp vốn có quan hệ rất gắn bó với Việt Nam. Đưa tin về châu Á và Việt Nam là truyền thống của chúng tôi. Có thể nói, đây là một trong những tờ báo duy nhất của châu Âu có quan tâm đặc biệt tới Việt Nam”, Jean - Marie Colombani tâm sự.

Trong chuyến thăm Việt Nam lần này, ông Colombani quan tâm tới các thủ tục về nhận con nuôi Việt Nam bởi lẽ nhiều gia đình người Pháp có nhu cầu nhận con nuôi người Việt. Vấn đề này đã được Chính phủ Pháp quan tâm từ lâu. Colombani sẽ đi một số nơi ở Việt Nam để khảo sát tình hình thực tế nhằm thúc đẩy quá trình này trong tương lai.

“Người Pháp nói chung bị đất nước Việt Nam mê hoặc và bản thân tôi cũng không tránh khỏi chuyện bị đất nước các bạn mê hoặc”, Colombani thật thà thú nhận.

Le Monde đã vượt qua khủng hoảng?

Cũng trong chuyến thăm này, ông Colombani đã tham dự cuộc hội thảo “Báo chí trước những thách thức của hiện đại và toàn cầu hóa” mà ở đó, nhật báo Le Monde, tờ báo đã gắn bó với ông hơn 20 năm là một ví dụ cụ thể và sinh động nhất.

Nhật báo tiếng Pháp hàng đầu thế giới này đã sụt giảm độc giả kể từ năm 2001, khi lượng báo bán ra chỉ còn 360.000 bản/ngày, so với 400.000 bản trước đây và đang có xu hướng đi xuống. Sự đi xuống của Le Monde còn là một tai họa đối với báo chí Pháp.

Năm 2003, tờ báo này phải đối diện với nguy cơ khủng hoảng tài chính sau khi cuốn sách Bộ mặt ẩn giấu của Le Monde xuất hiện trên thị trường mà tác giả cuốn sách chính là hai cựu phóng viên của tờ báo.

Họ đã công bố những bí mật được che giấu từ rất lâu: Các nhà lãnh đạo Le Monde đã đút lót và mua chuộc cảnh sát, những khoản quà tặng bất minh cho các vị lãnh đạo cao cấp, sự ủng hộ bất minh cho một số nhà chính trị... Sau gần 60 năm hưng thịnh, tờ nhật báo uy tín nhất nước Pháp (thành lập năm 1944) lúc đó đang phải gánh số nợ khổng lồ lên tới 110 triệu franc.

Ông Colombani cho biết, Le Monde là một trong những tờ báo uy tín mà rất nhiều “đối thủ” muốn hạ gục bằng nhiều cách từ việc moi móc những thông tin nội bộ cho tới việc tấn công, đẹ dọa Ban lãnh đạo Le Monde. Rất may, trong suốt quá trình làm lãnh đạo của Le Monde hơn 16 năm, ông chưa hề bị tấn công. Về cuốn sách trên, ông Colombani tin rằng, với bản lĩnh vững vàng của những người lãnh đạo mới, Le Monde rồi sẽ vượt qua cơn khủng hoảng.

Trước xu thế cạnh tranh của báo chí toàn cầu, nhật báo Le Monde vốn được coi là chuẩn mực của nhật báo tiếng Pháp và nổi danh về các bài phân tích sâu sắc cùng những cột đen đặc chữ, đã phải thay đổi hình thức, tăng số lượng ảnh, tạo nhiều khoảng trống, phát hành thêm phụ trang và chú trọng hơn tới thông tin giải trí và thời trang.

Mặc dù là người luôn theo đuổi tiêu chí ban đầu của Le Monde, một tiêu chí giúp cho nó thành công trong quá khứ là phản ảnh và giám định thông tin, nhưng khi được hỏi về việc định hướng thông tin báo chí hiện nay, ông Colombani thừa nhận: “Vốn là tờ báo chính luận uy tín, nhưng những thông tin đang được nhiều tờ báo khai thác triệt để, Le Monde cũng không thể nằm ngoài cuộc, chẳng hạn như các tin liên quan tới đời tư của Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy”.

Trả lời câu hỏi, liệu Le Monde hiện nay đã vượt qua khủng hoảng, ông Colombani cho biết: “Nhật báo Le Monde hiện vẫn còn đang khó khăn, nhưng ngược lại, Le Monde điện tử hiện nay phát triển rất tốt và đây là xu hướng chung của báo chí thế giới.

Ban lãnh đạo báo điện tử đã bỏ ra 5 năm để đầu tư và họ đã tìm mọi cách để thu hút độc giả đến với Le Monde điện tử. Khi số lượng người truy cập tăng mạnh, lượng quảng cáo đã tăng lên đáng kể. Có thể nói Le Monde điện tử hiện nay không những kinh doanh có lãi mà còn phát triển vượt bậc và trở thành một trong những tờ báo điện tử hàng đầu tại Pháp”.

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.