Shuichi, 30 tuổi, là kỹ sư hệ thống của một công ty công nghệ ở Tokyo, Nhật Bản. Một ngày anh được chẩn đoán mắc một chứng bệnh, không thể đi làm được. Anh thấy đây là vấn đề danh dự nên ngỏ ý với vợ về việc ly hôn. Chị Kiyodo, vợ anh, bảo chị sẽ đi làm, còn anh có thể làm việc nhà và tự chăm sóc bản thân. Ðó là thời điểm năm 2000, việc chồng ở nhà vợ đi làm chưa phổ biến, mặc dù chính quyền Nhật Bản đã ban hành Luật Cơ hội làm việc bình đẳng vào năm 1986 cho phép phụ nữ được phép ra ngoài làm việc, thay vì chỉ ở nhà nội trợ, chăm sóc con cái.
Khoảng năm 2001, khi Kiyodko trở thành người trụ cột gia đình, có nhiều cơ hội mở ra cho phụ nữ, nhưng có gì đó chưa ổn.
Bởi lẽ theo quan niệm ở Nhật, một người đàn ông trưởng thành mà không mặc complete và tất bật tới công sở thì được cho là không bình thường. Người Nhật thường gọi người đàn ông có vợ và thất nghiệp là himo (có nghĩa là sợi dây), hàm ý chỉ người ăn bám.
Thời kỳ đầu tiên trở thành “ông nội trợ” đối với Shuichi thật không dễ dàng. Trong khi vợ anh làm thiết kế đồ họa, cơ hội thăng tiến tốt, lương cao, còn anh chỉ quanh quẩn ở nhà chợ búa, cơm nước. Cả một thời gian dài, khi nào thấy khỏe, anh đều “complete cà vạt” chỉnh tề … đi chợ.
Hai năm sau, lương của vợ tăng cao, anh quyết định ở hẳn nhà. Anh bảo: “Tôi nhận thấy rằng, chúng tôi có thể cùng tăng thu nhập của gia đình nếu tôi hỗ trợ cô ấy việc nhà, thay vì chờ đợi chữa bệnh hoặc cứ bắt mình phải đi làm”.
Ðể đánh dấu bước ngoặt này, Shuichi đã nhuộm tóc vàng để tuyên bố anh là người đàn ông nội trợ. Bởi lẽ, trong con mắt của công chúng Nhật, người đàn ông nhuộm tóc không bao giờ có cơ hội tìm được việc làm hoặc được phép làm việc tại công sở.
Kể từ đầu thập niên 2000, tỉ lệ sinh giảm, dân số già hóa nhanh, chính phủ Nhật đã phải cử các bộ trưởng ra nước ngoài học hỏi kinh nghiệm thu hút nhân lực lao động nữ mà tỉ lệ sinh không bị suy giảm. Mặc dù có nhiều sự khuyến khích, đến năm 2006, thời gian nam giới chăm sóc con cái chỉ 1 giờ/ tuần, trong khi đó phụ nữ là 30-40 giờ/tuần.
Từ năm 2008, chính phủ Nhật đã bắt đầu dự án Ikumen (Iku là viết tắt của từ “Ikuji” trong tiếng Nhật là “chăm sóc con cái”, và từ “men” có nghĩa là người trong tiếng Anh) nhằm tạo ra một môi trường làm việc thân thiện với các ông bố và gây quỹ văn hóa khuyến khích đàn ông tham gia nhiều vào việc chăm sóc con cái.
Các pano quảng cáo xuất hiện nhiều tại các đường phố đông người và nhà ga điện ngầm, trong đó có hình ảnh Siêu nhân, trong bộ phim nổi tiếng của Mỹ mặc bộ quần áo có dòng chữ Ikumen ở giữa ngực. Hình ảnh các ông bố chăm sóc con cái xuất hiện nhiều hơn trong phim ảnh, tạp chí. Năm nào dự án Ikumen cũng mời các ngôi sao tham gia. Các ông bố đã bắt đầu rời công sở sớm hơn (6 giờ chiều, thay vì 11 giờ đêm) để có thời gian nhiều hơn cho con cái và số lượng các ông chồng nội trợ ngày càng nhiều lên.