“Mỹ vẫn là cường quốc số 1 thế giới, nhưng các đối thủ (của Nhật Bản) đang nổi lên và chúng tôi nhận thấy tầm quan trọng của việc cạnh tranh chiến lược với cả Trung Quốc lẫn Nga khi họ đang thách thức trật tự khu vực”, phác thảo quốc phòng giai đoạn 10 năm tới được chính phủ của thủ tướng Shinzo Abe thông qua hôm qua viết, theo tường thuật của Reuters.
Theo văn bản này, Mỹ, tiếp đến là Trung Quốc, Triều Tiên và Nga là những nước tác động lớn nhất đến tư tưởng quân sự của Nhật Bản.
Trung Quốc đang triển khai nhiều tàu chiến, máy bay tới vùng nước gần Nhật Bản trong khi Triều Tiên chưa hoàn toàn thực thi việc hủy bỏ các chương trình hạt nhân và tên lửa.
Tại Bắc Kinh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói Nhật Bản vẫn “ca bài ca xưa cũ” và đưa ra những nhận xét “thiếu suy nghĩ” về các hoạt động quốc phòng thông thường của Trung Quốc.
“Trung Quốc bày tỏ sự rất không hài lòng và phản đối động thái này của Nhật Bản”, bà Hoa nói.
Theo một kế hoạch mua sắm cho quốc phòng trong 5 năm tới vừa được thông qua, Nhật Bản sẽ mua 45 tiêm kích tàng hình F-35, trị giá 4 tỷ USD, thêm vào số 42 chiếc đã đặt mua trước đó.
Trong số các máy bay mới này có 18 chiếc là biến thể F-35B có năng lực cất, hạ cánh thẳng đứng, có thể được triển khai trên các đảo dọc duyên hải Hoa Đông. Chuỗi đảo này chạy ngang qua Đài Loan.
Theo văn bản của phía Nhật Bản, hai tàu khu trục chở trực thăng cỡ lớn của hải quân Nhật, tàu Izumo và Kaga (đều thuộc lớp tàu Izumo), sẽ được chỉnh sửa để có thể làm bãi đáp cho máy bay F-35B.
Các tàu lớp Izumo dài 248m, sẽ cần nâng cấp sàn để chịu được luồng hơi nóng từ động cơ tiêm kích F-35. Người ta có thể trang bị thêm cho các tàu này đường dốc để hỗ trợ máy bay cất cánh với quãng chạy đà ngắn, hai quan chức quốc phòng Nhật Bản nói với Reuters.
Việc mua sắm vũ khí mới có thể xem là một mũi tên bắn trúng nhiều đích. Ngoài việc giúp nâng cao năng lực phòng thủ của quân đội, hợp đồng mua sắm các máy bay F-35 lần này đã giúp Nhật Bản né một cuộc chiến thương mại với Mỹ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump, người từng đe dọa áp thuế cao đối với ô tô nhập khẩu từ Nhật Bản, đã cám ơn ông Abe với hợp đồng mua F-35 khi hai ông gặp nhau tại Argentina hồi đầu tháng.
Danh sách vũ khí Mỹ mà Nhật Bản lên kế hoạch mua lần này còn có hai hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis phiên bản trên mặt đất để đề phòng tên lửa Triều Tiên, bốn máy bay tiếp dầu Boeing KC-46 Pegasus (phiên bản quân sự phát triển từ loại máy bay Boeing 767), 9 máy bay cảnh báo sớm E-2 Hawkeye.
Tổng ngân sách cho đợt mua sắm kéo dài 5 năm này là 224,7 tỷ USD, cao hơn kế hoạch 5 năm trước đó 6,4%.
Nhật chỉ chi 1%GDP cho quốc phòng, nhưng quy mô nền kinh tế của Tokyo lớn nên chỉ chừng đó cũng đủ đưa Nhật vào hàng các quốc gia có quân đội lớn nhất thế giới.
“Ngân sách đang tăng lên và đã có sự tăng tốc trong việc triển khai năng lực với ý muốn càng nhanh càng tốt”, Robert Morrissey, trưởng chi nhánh Nhật Bản của hãng sản xuất vũ khí Raytheon (Mỹ) nhận định.
Ngoài máy bay, hệ thống radar phòng thủ, quân đội Nhật còn mua các tên lửa đánh chặn tầm xa Raytheon SM-3 có năng lực tiêu diệt tên lửa của đối phương từ khoảng cách rất xa.
Hồi tháng 8, sách trắng quốc phòng Nhật Bản chỉ thẳng về phía Trung Quốc và nói đó là lý do Tokyo lo ngại. “Việc hiện đại hóa quân đội nhanh chóng của Trung Quốc, nâng cao năng lực tác chiến và đơn phương leo thang hoạt động tại các khu vực gần Nhật Bản đang tạo ra mối lo ngại an ninh trong khu vực và cộng đồng quốc tế, trong đó có Nhật Bản”, sách trắng quốc phòng viết, theo CNN.