> Nhật Bản tưởng niệm một năm sau 'thảm họa kép'
Thành phố Miyako bị sóng thần nhấn chìm và một năm sau đó. Ảnh: Getty Images. |
Khi cả xứ sở hoa anh đào nhìn lại quá khứ đau thương cũng như nỗ lực tái thiết dự kiến mất vài chục năm, nhiều nhà phân tích cho rằng công việc khởi đầu không nhanh như mong đợi, dù chính phủ đã quyết định chi 246 tỷ USD trong 10 năm.
Nhiều chính quyền địa phương vẫn đang thảo luận hoặc phê duyệt các kế hoạch tái thiết. Việc tái thiết thị xã, làng mạc với đầy đủ nhà ở, cửa hàng, trường học… trên những vùng đất cao hơn trước khiến việc quy hoạch gặp nhiều khó khăn.
Các cuộc tranh luận dai dẳng giữa chính quyền trung ương và địa phương, vấn đề thông tin liên lạc, sự khác biệt về tư tưởng giữa quan chức tỉnh và người nắm ngân sách ở thủ đô cũng khiến tiến trình tái thiết chậm lại.
Một năm trước, thành phố cảng Ishonomaki nổi tiếng với nghề cá và lúa bị sóng thần cao hơn 10m, tràn sâu vào nội địa 4km, tàn phá 80% nhà ở, làm hơn 50% diện tích thành phố ngập trong nước, bùn, rác…
“Một năm sau trận động đất, sóng thần, một số nơi như Ishonomaki trông vẫn như bị chiến tranh tàn phá. Giai đoạn dọn dẹp cho tái thiết đã hoàn thành, nhưng những mảnh vụn được vun đống cao như núi rác ở ngoại ô. Điều này không khuyến khích người dân ở lại hoặc thúc đẩy thương mại địa phương”, nhà bình luận Nhật Bản Koichi Ishikawa nói.
Nhiều người dân Ishonomaki vẫn phải sống trong nhà tạm, dù chính quyền địa phương đã cố gắng thu hút các doanh nghiệp mới tới làm ăn, bằng cách giảm thuế, trợ giá…
Sóng thần khiến gần 7.000 người phải sơ tán, sống trong nhà tạm thiếu hệ thống sưởi mà người dân và báo chí địa phương gọi là “hang thỏ”.
Ông Tadateru Konoe, Chủ tịch Hội Chữ Thập đỏ Nhật Bản, nói rằng, các luồng ý kiến khác nhau giữa chính phủ, chính quyền và người dân địa phương khiến việc triển khai nhiều dự án tái thiết quan trọng bị chậm trễ.
Tuy nhiên, quá trình tái thiết không đơn giản là thay nhà cũ bằng nhà mới, mà là xây dựng lại cả một thành phố tốt hơn trước ở mọi khía cạnh, ông Konoe nói.
Theo các chuyên gia, ngoài thực tế các cấp quản lý tranh cãi kéo dài, việc thiếu hụt lao động lành nghề cũng cản trở quá trình tái thiết. Tính đến tháng 3-2012, số công nhân lành nghề (rất cần cho các dự án tái thiết) giảm 1,6 triệu xuống còn gần 5 triệu, theo số liệu mới nhất từ Bộ Lao động Nhật Bản.
“Kinh tế Nhật Bản đang dựa vào các dự án tái thiết để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm nay thêm 1%. Đây sẽ là liều thuốc đại bổ cho đất nước vẫn quay cuồng với đồng Yên mạnh và không thể thoát khỏi xiềng xích của nhiều thập kỷ giảm phát”, nhà phân tích Laurent Sinclair nói.
Theo ông Sinclair, gần một nửa trong quỹ tái thiết trị giá 246 tỷ USD của Thủ tướng Yoshihiko Noda chưa được phân bổ cho các dự án cụ thể, nên dự án càng bị trì hoãn, tác động tích cực của chúng đối với kinh tế Nhật Bản càng giảm.
“Ơ một số khía cạnh, Nhật Bản đang đối mặt thảm họa kép khác. Các dự án công trình công cộng trì trệ sẽ giảm tác dụng tức thời và hữu ích đối với nền kinh tế.
Việc thiếu lao động lành nghề khiến giá thành các dự án này tăng cao, lại khiến chúng khó khởi động. Đã đến lúc chi tiêu, chi tiền nhiều và nhanh”, ông Sinclair nói.
Lãnh đạo hứa đẩy nhanh tái thiết
Trong lễ tưởng niệm chiều 11-3 tại Nhà hát Quốc gia ở trung tâm Tokyo, với khoảng 1.200 người tham dự, Nhật hoàng Akihito kêu gọi người Nhật Bản cải thiện điều kiện sống ở các vùng bị động đất, sóng thần tàn phá.
Trong khi đó, Thủ tướng Yoshihiko Noda hứa tiếp tục nỗ lực hết sức để đẩy nhanh tiến độ tái thiết. “Chúng ta sẽ làm hết sức mình để xây dựng lại Fukushima và quê hương tươi đẹp”, ông Noda nói.
Thủ tướng Nhật Bản cảm ơn cộng đồng quốc tế đã ủng hộ, giúp đỡ. Ông nói ông quyết tâm hồi sinh Nhật Bản thông qua việc tái xây dựng các vùng bị thảm họa kép tàn phá.
Lễ tưởng niệm cũng được tổ chức ở 3 tỉnh Iwate, Miyagi và Fukushima (nơi có nhà máy điện hạt nhân Fukushima bị rò rỉ phóng xạ dưới tác động của trận động đất, sóng thần 11-3-2011).
Các hoạt động tưởng niệm nạn nhân thảm họa kép, ủng hộ Nhật Bản cũng diễn ra ở nhiều nước như Thái Lan, Bangladesh, Anh, Úc…
Thái An
Theo Xinhua, NHK, AP