Nhật Bản có ngân hàng cánh tay giả cho trẻ em

Cánh tay giả áp dụng công nghệ Myoelectric, sử dụng các tín hiệu điện được phát ra từ các mô cơ để điều khiển sự chuyển động của tay giả. Ảnh: Hữu Quang
Cánh tay giả áp dụng công nghệ Myoelectric, sử dụng các tín hiệu điện được phát ra từ các mô cơ để điều khiển sự chuyển động của tay giả. Ảnh: Hữu Quang
TPO - Ngân hàng cánh tay giả dành riêng cho trẻ em khuyết tật vừa được Bệnh viên Trung tâm Phục hồi chức năng Hyogo tại thành phố Kobethành lập vào tháng 5/2014, tạo điều kiện cho các em có cơ hội tập luyện với cánh tay giả trước khi có thể sở hữu dụng cụ này.

Đây là dự án do Bệnh viện Trung tâm Phục hồi chức năng Hyogo phối hợp với một số tổ chức thực hiện. Ngân hàng cánh tay giả do Trung tâm phục hồi chức năng Robot của bệnh viện điều hành.

Ông Takaaki Chin, Giám đốc Trung tâm Phục hồi chức năng Robot cho biết, chi phí cho mỗi cánh tay giả khá cao, khoảng hơn 1,5 triệu Yên (tương đương 14,6 ngàn USD) bởi dụng cụ này áp dụng công nghệ Myoelectric, sử dụng các tín hiệu điện được phát ra từ các mô cơ để điều khiển sự chuyển động của tay giả.

Công nghệ này khiến người sử dụng có thể điều khiển hoặc kiểm soát được các đầu ngón tay giả. Sản phẩm cánh tay giả này đã được giới thiệu tại Tuần lễ Robot diễn ra tại Tokyo, Nhật Bản vào trung tuần tháng 10/2014.

Với chi phí cao như vậy thì việc trẻ em khuyết tật có thể sở hữu một cánh tay giả là không hề đơn giản. Do đó, “Ngân hàng ra đời tạo cơ hội cho các em có cơ hội mượn dụng cụ này về tập luyện hoặc sử dụng với trước khi các em có đủ khả năng mua một cánh tay giả cho mình. Chúng tôi tin tưởng dự án này sẽ thành công” - Ông Takaaki Chin nhấn mạnh.

Thực tế, có nhiều trẻ em khuyết tật đang tập luyện ở các cơ sở phục hồi chức năng nhưng các em đang phải đối mặt với một thực trạng là thiếu dụng cụ, bởi thời gian tập luyện của trẻ em thường cần ít nhất 3 năm trong khi người lớn chỉ cần từ 2-6 tháng.

Nhật Bản có ngân hàng cánh tay giả cho trẻ em ảnh 1

Giới thiệu sản phẩm cánh tay giả tại Robot Week 2014. Ảnh: Hữu Quang

Do phải sử dụng bộ phận giả trong một thời gian dài nên kích thước của cánh tay giả sẽ phải thay đổi theo sự phát triển của trẻ.  Việc này đỏi hỏi các cơ sở đào tạo phải có một nguồn thiết bị phong phú kích cỡ và có giá trị sử dụng trong thời gian dài. Song, không phải cơ sở nào cũng đáp ứng được những yêu cầu trên do có sự không đồng đều giữa số lượng, độ tuổi của những người khuyết tật ở đây.

Không chỉ vậy, việc trang trải chi phí tại các cơ sở phục hồi chức năng cũng là thách thức đối với trẻ khuyết tật bởi không phải gia đình nào cũng có điều kiện tài chính để cho các em theo đuổi thời gian luyện tập trong nhiều năm. Trong khi đó, các khoản trợ cấp dành cho trẻ khuyết tật tay lại không được áp dụng đối với cánh tay giả tại các cơ sở này. Do vậy ,các em có hoàn cảnh kinh tế khó khăn sẽ có ít cơ hội luyện tập hơn.

Từ những thực tế trên, ngân hàng cánh tay giả được ra đời bằng sự đóng góp, hỗ trợ từ nhiều nguồn, mang đến cho trẻ khuyết tật tay cơ hội mượn dụng cụ này để luyện tập, làm quen với tay giả một cách thuần thục trước khi có thể sở hữu một cánh tay giả để sinh hoạt trong cuộc sống.

Ngân hàng được dự kiến sẽ cung cấp cánh tay giả cho các bệnh viện trên khắp Nhật. Bệnh viện đại học Tokyo là đơn vị được cung cấp đầu tiên.

MỚI - NÓNG