Nhấp nhổm đời xe ba bánh

Nhấp nhổm đời xe ba bánh
TP - Mặc dù lệnh tạm ngưng “khai tử” xe ba bánh tự chế được bàn hành vào đêm cuối cùng của năm 2007 nhưng không ít người ở TPHCM kiếm sống bằng phương tiện này đang nhấp nhổm lo âu...

Ở vựa ve chai (thu mua phế liệu) số 114, đường Nguyễn Văn Linh (Q.7, TPHCM) có một chiếc ba gác máy và mấy chiếc xe ba bánh nằm chỏng chơ. Trên thân xe còn ghi rõ dòng chữ màu xanh “Chở hàng” thật to và số điện thoại của chủ nhân.

Thấy có người hỏi đến chiếc xe ba gác, cô chủ vựa còn rất trẻ lắc đầu bảo: “Không phải xe chở thuê đâu, xe người ta bán để lấy sắt vụn đó”.

Bà Lê Thị Soi đang cân từng nhúm ve chai thu gom được cạnh đó, ngưng tay chen vào: “Chiếc xe này của em trai tôi là Lê Văn Bảy, nó mới bán hôm qua”.

Bà Soi kể: Mấy năm trước, Bảy dắt díu vợ con từ Nam Định vào TPHCM và mua chiếc xe này với giá 7 triệu đồng, rồi sinh sống bằng nghề chở thuê mướn ở khu vực Thủ Đức. Cho đến hôm qua, nó đành phải kêu người bán đi.

Ở Thủ Đức không có ai thèm mua, nhờ có người mai mối nó đem đến tận quận 7 mới bán được giá 500.000 đồng. Mấy cậu thanh niên mình trần, bu lại chiếc xe săm soi. Một cậu ngồi lên yên và khởi động, chiếc xe nổ bành bạch.

Bà Soi nuối tiếc: “Nhìn chiếc xe của thằng em trai còn rất tốt mà phải bán để làm ve chai, tôi rớt nước mắt”. Bà Soi còn cho biết, ngày 6/1 tới đây Bảy sẽ dẫn vợ con trở về quê sinh sống bằng mấy sào ruộng. “Mấy năm đi miền Nam làm ăn, nay lại thất nghiệp trở về, tội nghiệp nó quá…”- Bà Soi sụt sùi.

Một người đàn ông trung niên ở vựa ve chai số 114 còn cho biết có rất nhiều người đã bán xe ba gác với lý do tương tự. Tại một số vựa ve chai khác trên địa bàn quận 7 cũng có nhiều chiếc xe ba bánh nằm chỏng chơ.

Một người đàn ông chủ vựa phế liệu trên đường Lê Văn Lương bảo: “Mấy hôm rồi, một số người cũng đến chào bán xe ba gác nhưng tui không “nghiền” lắm vì lời lãi chẳng bao nhiêu lại mất công tháo dỡ, nếu không tháo thì cồng kềnh chiếm nhiều diện tích”.

Anh Nguyễn Văn Hùng (41 tuổi) từ miền Trung vào TPHCM làm nghề đạp xích lô chở cửa sắt từ nhiều năm nay ở khu vực gần bến xe miền Đông (Q.Bình Thạnh). Nhà Hùng ở trong một con hẻm nhỏ trên đường Phan Đăng Lưu. Mỗi ngày, sau khi làm về Hùng phải gửi xe trong một căn nhà cho công nhân thuê ngoài đầu hẻm.

Hùng cho biết, gần đây nhiều “đồng nghiệp” của anh cũng đã bán xe cho “lò mổ” và người nào cũng lo lắng, buồn rầu. Vì rằng, theo Hùng, việc bán xe cũng đồng nghĩa với việc phải “làm lại từ đầu” nhưng không biết bắt đầu từ đâu.

Luẩn quẩn lối ra

Mặc dù ngày Tết dương lịch 2008 mọi người nghỉ ngơi nhưng hai anh Nguyễn Thành Công (50 tuổi) và Trương Từ Thiện (32 tuổi) ở xóm nghèo Bờ Xáng, phường Tân Phú, Q.7 vẫn tranh thủ chạy mấy chuyến xe chở xà bần để kiếm tiền nuôi gia đình.

Thiện bảo: “Ba năm trước, tui và anh Công chung nhau mua chiếc xa ba gác này với giá 7 triệu đồng. Ai mướn gì chở nấy, khi thì chở xà bần, vật liệu xây dựng; lúc thì dọn nhà, thậm chí dọn rác...”.

Thiện cho biết mỗi ngày, trừ chi phí còn được từ 80 đến 100 nghìn đồng/người. Đây là nguồn thu chính của cả gia đình. Không riêng anh Thiện, anh Công, rất nhiều người trong xóm nghèo này cũng đều trông chờ vào nguồn thu duy nhất từ chiếc xe ba gác.

“Còn nước còn tát, chạy được ngày nào hay ngày đó, đến khi nào không còn được chạy nữa thì đành chịu”- Thiện lo lắng nói.

Theo anh Công, xóm Bờ Xáng đường sá hẹp, lại ngoằn ngoèo nên chỉ có xe ba gác mới vào được để chở đồ đạc. Nếu không có ba gác, người dân xóm này chỉ có nước “è cổ” khi cần vận chuyển hàng hóa.

Anh Thiện tâm sự, mong muốn lớn nhất của những người làm nghề ba gác, xích lô như anh lúc này là được chuyển đổi nghề hoặc có vốn để đầu tư mua xe tải nhỏ.

Theo tính toán của anh Thiện, loại xe tải nhẹ trọng tải 500 kg đã qua sử dụng hiện giờ cũng sáu đến bảy chục triệu đồng. “Kiếm đâu ra số tiền lớn này nếu nhà nước không hỗ trợ?”- anh Thiện tự vấn. 

Chị Nguyễn Thị Bình, chủ vựa vật liệu xây dựng Út Năm trên đường Nguyễn Thị Thập không kém phần lo lắng: “Nhà có mỗi một chiếc ba gác máy để chở hàng cho khách. Tôi cũng muốn vay vốn ngân hàng để mua xe tải nhỏ vận chuyển hàng nhưng lại không có hộ khẩu nên ngân hàng không giải quyết nên chẳng biết làm thế nào. Không xe thì không biết làm ăn thế nào?”.      

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.