>> Mặt cầu Thăng Long vừa làm đã hỏng: Do nhân tai
Chiều 28-9, người phát ngôn Bộ GTVT Nguyễn Văn Công cho biết, vật liệu nhập ngoại đã về tới Việt Nam từ tối 26-9, nhưng do 2 ngày qua trời mưa nên không thể thi công. Việc mua vật liệu lần này là để vá những vết nứt trên cầu.
“Trước đó, Bộ GTVT đã họp chỉ đạo quyết tâm khắc phục sự cố nhưng thời tiết những ngày qua không chiều lòng người. Trong trường hợp trời vẫn mưa, đơn vị thi công đành phải dùng nhựa đường vá tạm. Xong Đại lễ lại tiếp tục vá bằng vật liệu nhập ngoại”, ông nói.
Bên lề Hội thảo quốc tế về Triển khai quản lý kết cấu hạ tầng đường bộ tại Việt Nam, ông Hirotaka Kawano, chuyên gia của JICA, nói: “Tôi không phải là chuyên gia kỹ thuật trong Dự án sửa chữa mặt cầu Thăng Long và không được đọc trực tiếp báo cáo khảo sát nguyên nhân gây nứt mặt cầu. Tuy nhiên, bằng kinh nghiệm, tôi nhận thấy rõ ràng quá trình thi công nâng cấp có lỗi kỹ thuật thì mới gây ra nứt và hư hỏng trên diện rộng dù vừa thông xe chưa được bao lâu”.
Theo ông Kawano, mỗi nước phải xây dựng hệ thống duy tu, bảo trì đường bộ phù hợp với điều kiện tự nhiên, đặc biệt như Việt Nam vì có điều kiện khí hậu đặc thù. “Tại Việt Nam, việc xây dựng mới đường bộ đang được ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên, việc duy tu, bảo dưỡng cần được thực hiện trên cơ sở có kế hoạch rõ ràng. Nếu làm hợp lý, những sự cố hư hỏng như cầu Thăng Long hiện nay khó xảy ra”, ông nói.
Mặt cầu Thăng Long ngày càng xuất hiện nhiều vết nứt, vết lõm lớn. Điều đáng nói là, vá xong chỗ này, chỗ khác lại bị hỏng. Một số chuyên gia đánh giá, nếu không cẩn thận thì tiền vá tốn hơn tiền làm mới.