Nhập khẩu tăng đột biến trong tháng 8

Nhập khẩu tăng đột biến trong tháng 8
Trạng thái hứng khởi của xuất khẩu trong tháng 7 đã không còn ở tháng 8 này. Nhập siêu trở lại rất nhanh cùng với nhập khẩu tăng đột biến. Cùng với vàng và dầu thô tiếp tục ở thế bất lợi, tháng 8 gần như là sự đảo ngược của tháng 7.

Nhập khẩu tăng đột biến trong tháng 8

Trạng thái hứng khởi của xuất khẩu trong tháng 7 đã không còn ở tháng 8 này. Nhập siêu trở lại rất nhanh cùng với nhập khẩu tăng đột biến. Cùng với vàng và dầu thô tiếp tục ở thế bất lợi, tháng 8 gần như là sự đảo ngược của tháng 7.

Nhập khẩu tăng đột biến trong tháng 8 ảnh 1
Ảnh: minh họa - Internet

Theo số liệu ước tính của Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất khẩu tháng 8/2011 đã lùi về mức 8,3 tỷ USD, giảm mạnh tới hơn 1 tỷ USD so với tháng kỷ lục đạt được trước đó. Ngược lại, kim ngạch nhập khẩu bất ngờ tăng thêm khoảng 900 triệu USD để chạm mốc 9,1 tỷ USD, một mức cao mới từ trước đến nay.

Trạng thái ngoại thương đi cùng sự đổi ngôi của xuất nhập khẩu cũng nhanh chóng đảo chiều. Từ mức xuất siêu 1,1 tỷ USD trong tháng trước, đến tháng này Việt Nam trở lại nhập siêu khoảng 800 triệu USD.

Nhìn vào xu hướng ngoại thương các năm trước, kim ngạch xuất nhập khẩu thường chỉ tăng cao nhất vào khoảng quý 4. Nhưng năm nay, với những cú ngoặt gãy góc ở các con số kim ngạch kỷ lục vừa nêu, dường như câu chuyện đã khác.

Nhìn rộng hơn, trong khi nền kinh tế toàn cầu liên tục phát đi dấu hiệu bất ổn với tiêu thụ hàng hóa giảm mạnh và lạm phát tăng cao thì ngoại thương Việt Nam dường như chịu tác động không nhiều lắm, thể hiện trên con số kim ngạch liên tục đạt những đỉnh cao mới.

Nhưng điều này có nguyên nhân của nó. Nhìn vào cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, các nhóm vẫn giữ được mức tăng là nông sản, kim loại, khoáng sản, hàng tiêu dùng thiết yếu giá rẻ và sản phẩm gia công. Đây đều là những nhóm hàng không chịu tác động lớn từ khủng hoảng, thậm chí có cơ hội tăng giá do khả năng đầu cơ giá trị.

Phía nhập khẩu, Việt Nam nhập về chủ yếu là nguyên, nhiên liệu đầu vào sản xuất, trang thiết bị, phương tiện và linh kiện gia công…, là những mặt hàng không thể không nhập.

Với đà tăng giá của nhiều nhóm sản phẩm xuất và nhập khẩu kéo dài nhiều tháng qua, Việt Nam dường như đang bị cuốn theo mặt bằng giá thế giới.

Ước tính, trong khoảng 15,4 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu tăng thêm so với cùng kỳ trong 8 tháng đầu năm nay, riêng yếu tố giá đóng góp khoảng 4,45 tỷ USD. Với nhập khẩu, các con số tương ứng là 14,1 tỷ USD và 5,83 tỷ USD (không tính ôtô và xe máy).

Như vậy, phải chăng Việt Nam đang chịu thiệt hơn khi xuất khẩu không được lợi về giá bằng khoản phải chi thêm do tăng giá nhập khẩu?

Trở lại với diễn biến kim ngạch tháng này, đóng góp gần như toàn bộ vào thay đổi chóng mặt của kim ngạch xuất nhập khẩu hai tháng gần đây, các nhân tố vàng và dầu thô cũng đảo ngược trạng thái từ tăng sang giảm, đặc biệt là vàng.

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, kim ngạch nhóm đá quý, kim loại quý và sản phẩm chỉ còn đạt khoảng 200 triệu USD trong tháng 8, bằng khoảng 18% tháng trước. Nhưng, điểm đáng chú ý là so với số liệu của hải quan, gần như toàn bộ kim ngạch thể hiện trong nửa đầu tháng, khi mà giá vàng thế giới còn chưa đạt đỉnh.

Thông tin từ Tổng cục Thống kê cho biết thêm, trong tháng này, phía đầu nhập khẩu cũng cho con số ước tính khoảng 200 triệu USD. Nhưng, khác biệt là hơn một nửa con số kể trên được thể hiện trong giai đoạn cuối tháng, khi giá vàng liên tục khuynh đảo các kỷ lục giá mới.

Chưa thể xác định Việt Nam chịu ảnh hưởng thế nào trong giai đoạn giá vàng biến động lớn vừa qua. Tính đến thời điểm này, ước tính Việt Nam đã xuất khẩu khoảng 2,52 tỷ USD kim ngạch nhóm đá quý, kim loại quý và sản phẩm, chủ yếu ở giai đoạn giá thấp; nhập khẩu khoảng 650 triệu USD.

Với dầu thô, kim ngạch xuất khẩu tháng này cũng đã giảm so với tháng trước. Theo Tổng cục Thống kê, ước tính trong tháng 8 Việt Nam xuất khẩu khoảng 900 nghìn tấn dầu thô, đem về 750 triệu USD, giảm nhẹ về lượng nhưng giá trị đã hụt đi gần 100 triệu USD.

So sánh với mức giá bình quân trong 7 tháng đầu năm, riêng với lượng dầu thô xuất khẩu trong tháng 8/2011, Việt Nam “thiệt” khoảng 44 triệu USD do giá giảm.

Ở một diễn biến liên quan khác, giá xăng dầu nhập khẩu bình quân 8 tháng năm 2011 đã tăng khoảng 46,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Chốt lại ở tháng này, tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt trên 60,8 tỷ USD, tăng 33,7% so với cùng kỳ; nhập khẩu tương ứng là trên 67 tỷ USD và tăng 25,4%.

Như vậy, Việt Nam đã nhập siêu tổng cộng khoảng 6,2 tỷ USD trong 8 tháng năm 2011, bằng 10,2% tổng kim ngạch xuất khẩu cùng thời kỳ.

Theo Anh Quân
Vneconomy

Theo Tổng hợp
MỚI - NÓNG
Rực rỡ sắc màu văn hóa, dân tộc Lai Châu
Rực rỡ sắc màu văn hóa, dân tộc Lai Châu
TPO - Âm nhạc, dân ca, dân vũ, trang phục dân tộc trong chương trình giao lưu nghệ thuật chào mừng giải Vô địch Quốc gia Marathon và cự ly dài báo Tiền Phong lần thứ 64 - năm 2023 (Tiền Phong Marathon 2023) giới thiệu những nét đặc sắc nhất của văn hóa đa sắc tộc của Lai Châu, diễn ra tối 25/3 tại Quảng trường Nhân dân (TP. Lai Châu).
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang: Không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang: Không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế
TPO - Theo Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, với chủ đề “Bình Thuận - Hội tụ xanh”, chúng ta khẳng định không chỉ phát triển du lịch đơn thuần, mà xa hơn là phát triển du lịch “xanh”, du lịch bền vững. Đồng thời, khẳng định chủ trương nhất quán của Đảng là phát triển kinh tế phải hài hòa với thiên nhiên.
Đường chạy Marathon Tiền Phong đã sẵn sàng
Đường chạy Marathon Tiền Phong đã sẵn sàng
TPO - Chiều 25/3, lãnh đạo UBND tỉnh Lai Châu và Ban tổ chức giải Vô địch Quốc gia Marathon và cự ly dài báo Tiền Phong (Tiền Phong Marathon) đã đi kiểm tra lại các cung đường chạy nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối trước khi giải khai mạc vào sáng 26/3.