Diễn đàn: Về chủ trương nhập 2 kỳ thi làm 1 và thi trắc nghiệm

Nhập 2 kỳ thi làm 1 và thi trắc nghiệm: Mắc vào khó gỡ

Nhập 2 kỳ thi làm 1 và thi trắc nghiệm: Mắc vào khó gỡ
TP - Gộp thi kết thúc Trung học và thi tuyển vào Đại học, là một đề án có thể gây ra những hậu quả rất tai hại, mắc vào đó thì sau này rất khó gỡ.

1/ Trước hết, tôi xin dẫn kinh nghiệm ở Pháp. Bằng Tú tài (baccalauréat) ra đời năm 1808, có đặc điểm sau đây:

Theo luật, nó vừa là bằng kết thúc Trung học (định nghĩa thứ nhất), đồng thời là “bằng cấp đầu tiên của đại học”, (“premier grade universitaire”, định nghĩa thứ nhì). Bằng Tú tài Pháp là kết quả của một sự “gộp thi”, một thứ bằng “hai trong một”.

Tuy sự thi cử được tổ chức nghiêm chỉnh (nói tóm tắt là: Thi viết toàn vùng, có rọc phách để giữ tính nặc danh, nếu cần thì thi kiểm thêm qua vấn đáp; mỗi trung tâm thi tú tài phải đặt dưới sự chủ tọa của một giáo sư đại học), hậu quả tai hại là ở một khâu khác.

Vì cái định nghĩa thứ nhì kể trên, nên từ thuở nó được khai sinh đến nay, nay đã ngót 200 năm, người có bằng tú tài Pháp đương nhiên được ghi tên vào học Université (đại học) mà không phải thi tuyển gì hết.

Ở thế kỉ 19 và đầu thế kỉ 20, sự hiểu biết mang tính phổ biến, có lý do để bằng tú tài tồn tại như thế. Nhưng từ nửa sau thế kỉ 20, tình hình đã khác đi nhiều, nên bằng tú tài Pháp kiểu “hai trong một” như vậy, không còn phù hợp nữa.

Và vì thế mà “kẹt”: Các Universités không được phép tuyển sinh, nghĩa là không lọc được “đầu vào”. Với một số lượng sinh viên rất lớn, với trình độ không đồng đều, không ngân sách nào có thể chịu đựng nổi.

Lý do là có một số lớn sinh viên ghi tên học mà rồi học không nổi; tỉ số thi đỗ lên lớp rất thấp. Số sinh viên phải rời trường sau mấy năm lưu ban, không được phép học tiếp mà không có một mảnh bằng nào trong tay, là một con số khổng lồ.

Do đó sự lãng phí thật khủng khiếp về thời gian, về nhân lực, về ngân quĩ. Trải qua nhiều thăng trầm, dù đã có những cải cách theo thời gian (môn học, số ban, cách tổ chức thi) số thí sinh từ vài chục thuở ban đầu nay đã tăng lên gấp bội: Hơn 620.000, và tỉ số đỗ là khoảng 83%, năm 2007 này.

Nhưng 2 định nghĩa kể trên vẫn tồn tại, chính quyền tả hay hữu từ mấy chục năm rồi, muốn sửa mà không sửa được, do sức phản kháng của vài công đoàn và hội phụ huynh, và một phần dư luận.

Cũng may cho nền giáo dục đại học của Pháp, đó là sự hiện diện của một số cơ sở giáo dục bên ngoài các Universités : đó là những cơ sở mà Pháp gọi là những “Grandes Ecoles” – (“Trường lớn”, tóm tắt là những trường kỹ sư, những trường thương mại quản lý, chủ yếu là những trường cao cấp dạy nghề trong một ngành… ) – do lý do lịch sử để lại từ thế kỉ 19 hay xa hơn nữa, đã được mở bên ngoài các Universités.

Nhờ được mở bên ngoài các Universités mà các cơ sở này không bị “kẹt” vào cái định nghĩa thứ hai của cái bằng tú tài kể trên.

Do đó, các “Grandes Ecoles” tuyển sinh theo kiểu thi tuyển ở mức tú tài +2. “Đầu vào” nghiêm chỉnh, nên không lãng phí, và có phương tiện học hành đầy đủ hơn. Nhưng đây chỉ dành cho một thiểu số sinh viên; những sinh viên này, ra trường ở mức tú tài +5, thường “được giá”, thí dụ như đối với các doanh nghiệp.

Các Universités thực sự chỉ “bảnh bao” ở cấp đào tạo tiến sĩ vì trừ một số trường hợp đặc biệt, đa số “Grandes Ecoles” không đảm nhiệm cấp này. Vì ở ta, một số người không phân biệt được Universités và Grandes Ecoles – ở ta tất cả đều gọi là “đại học” – nên có những đánh giá lẫn lộn.

Tốt hơn hết cho nước ta, là không nên “gộp thi”. Cái phi lý thứ nhất là gộp hai mục tiêu khác nhau: kiểm tra kết thúc THPT là kiểm tra sự hiểu biết về các môn “phổ thông” (hình như ở ta hiện nay là 6 môn); tuyển học đại học là để bắt đầu học chuyên ngành (cần tuyển theo khả năng của học sinh trong một số ít môn thôi). Cái phi lý thứ nhì là đại học “tự quản” mang nghĩa gì nếu không được chọn sinh viên của mình?

Vậy nên phân biệt giữa sự công nhận trình độ kết thúc THPT – (thí dụ qua những kết quả khảo sát liên tục nhưng nghiêm túc trong từng năm học, rồi cho bằng chứng nhận, nhưng chớ dùng bằng tốt nghiệp THPT làm “hộ chiếu” để ghi tên học đại học, sẽ sa lầy, vì đó là cách làm khuynh gia bại sản) – và việc thi tuyển vào đại học dưới một hình thức nào đó – (hoặc là mỗi đại học tự tuyển sinh riêng, hoặc tuyển theo một nhóm trường nào đó, theo một hình thức nào đó, miễn là đừng tuyển sinh đại học theo tiền bạc kiểu học phí cao, vì cách đó vừa trái đạo lý, vừa không có hiệu quả, trong khi con đường chấn hưng và phát triển vững bền phải là con đường của trí tuệ).

2/ Kiểu “thi trắc nghiệm”, theo tôi, không mang tính thuyết phục bởi vì nó mang tính “thách đố”, kiểu những trò chơi thường thấy trên các đài TV, nhiều hơn là sự kiểm tra về sự hiểu biết và tính suy luận. Áp dụng trong trường học, nó chỉ có thể là một hình thức kiểm tra “thô”, thí dụ như để liên tục kiểm nhanh xem học sinh có học bài không.

Ai đã có kinh nghiệm giảng dạy hẳn biết rằng (thí dụ như về các môn như Toán, Lý, Hóa, Kỹ thuật...), giải bài theo phương pháp suy luận đúng nhưng đưa đáp số sai, thì là lỗi nhỏ; đưa đáp số đúng mà không giải thích được đáp số đó từ đâu mà ra (cóp ? đoán mò? suy luận sai nhưng ngẫu nhiên đúng?) thì coi như lời đáp là vô giá trị.

Ở Pháp, kiểu trả lời QCM (Questionnaires à choix multiples: câu hỏi có nhiều lựa chọn giải đáp) không được coi là “thi” (thường chỉ được áp dụng kiểm tra phụ, đỡ gánh nặng cho nhà giáo chấm bài, vv.).

Nghe nói ở Mỹ, có thi trắc nghiệm phổ biến hơn, nhưng họ kiểm tra liên tục và luôn luôn có kèm lẫn cả những kiểm tra về khả năng suy luận của học sinh. Ta đang đề cao việc tránh học vẹt, biểu dương việc tập cho học sinh biết suy luận, tư duy, biết tự học; nếu dùng “thi trắc nghiệm” để đánh giá, thì hoàn toàn là ngược lại với tinh thần nói trên.

Cách “thi trắc nghiệm” này chỉ có lợi thế trong khung cảnh kinh doanh giáo dục, hấp dẫn vì mang vẻ “tối tân” về kỹ thuật, bớt sử dụng nhân lực có trí tuệ nên rốt cục rẻ về mặt đầu tư.

Bùi Trọng Liễu
(Nguyên Giáo sư đại học Paris, Pháp)

MỚI - NÓNG