Nina Pham, bệnh nhân Ebola người Mỹ gốc Việt. Ảnh: Telegraph
Người thân của nữ y tá này vừa công bố một bức ảnh chụp Nina cùng với con chó cưng của mình.
Cơ quan chức năng cho biết con chó sẽ bị cách ly để theo dõi, nhưng không tiêu hủy như đã từng xảy ra tại Tây Ban Nha, khi chú cún cưng của một y tá nhiễm bệnh bị buộc phải tiêu hủy, gây ra tranh cãi lớn.
Nina Pham là con gái của một người Việt Nam nhập cư vào Mỹ. Cô được bạn bè miêu tả là một y tá tận tâm sau khi bước vào nghề năm 2010. Trước đó Nina Pham học tại đại học Công giáo Texas.
Phạm là thành viên trong đội điều trị bệnh nhân Thomas Eric Duncan, một công dân Liberia đã mang virus Ebola vào Mỹ và tử vong tại một bệnh viện ở thành phố Dallas hồi tuần trước.
Các nhà điều tra dịch bệnh đang rà soát xem bằng cách nào nữ y tá gốc Việt trên lại nhiễm bệnh, cho dù luôn mặc trang phục bảo hộ trong quá trình tiếp xúc với người bệnh.
Y tá này được tin là chỉ tiếp xúc với “một và chỉ một” người duy nhất trong quá trình này, khi Phạm “có nguy cơ, nhưng ít xảy ra” đã nhiễm virus, tiến sỹ Thomas Frieden, giám đốc Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ xác nhận.
Người này hiện đang được theo dõi nhưng không có dấu hiệu gì của virus, ông Frieden nói
Bạn bè của Nina Phạm khẳng định với tờ Dallas Morning News rằng, nữ y tá này là một tín đồ Công giáo nhiệt thành và luôn hết mình giúp đỡ những người khác.
“Gia đình họ rất tận tụy và luôn nỗ lực giúp đỡ mọi người”, Tom Ha, một người biết đến gia đình của Nina Pham thông qua nhà thờ cho biết. “Tôi biết, với một tấm lòng rộng lượng mà chị ấy có, chị ấy sẽ luôn làm nhiều hơn những gì mình được mong đợi để giúp đỡ bất kỳ ai đang cần được giúp”.
Có khoảng 70 nhân viên y tế tại bệnh viện nơi Nina Pham làm việc có liên quan tới quá trình chăm sóc Thomas Eric Duncan. Với số lượng lớn như trên, có khả năng nhiều người khác có khản năng đã tiếp xúc với virus Ebola trong thời gian bệnh nhân Duncan được điều trị tại phòng cách ly.