Nhân viên y tế bệnh viện công: Gian nan giữ lửa nghề

0:00 / 0:00
0:00
TP - Gần đây, không ít nhân viên y tế, đặc biệt là ở tuyến cơ sở trong tâm trạng băn khoăn, lo lắng vì lương thấp, áp lực sau các đợt dịch COVID-19, một số người đã chuyển sang khối tư nhân.

1 ca trực đêm thù lao… 18.000 đồng

L.T.V.Phương, SN 1995, vừa nghỉ việc ở bệnh viện công để chuyển sang một bệnh viện tư trên địa bàn Hà Nội được hai tháng. Chị Phương chia sẻ, ở bệnh viện công, chị chỉ là nhân viên hợp đồng, mức lương “bèo bọt.

“Quan trọng là có sự phân biệt khá rõ giữa nhân viên hợp đồng với nhân viên chính thức. Lịch trực cũng dày đặc, không có thời gian dành cho gia đình. Trong khi đó thù lao một ca trực đêm chỉ có 18.000 đồng”, chị Phương nói.

Theo chị Phương, các nhân viên y tế giống chị ở bệnh viện từng công tác, phần lớn đều có thêm “nghề tay trái” để kiếm sống, như người buôn bán thêm hải sản, người buôn đồ đã qua sử dụng, người bán đồ ăn, làm thêm tiêm truyền dịch vụ bên ngoài…

Nhân viên y tế bệnh viện công: Gian nan giữ lửa nghề ảnh 1

Nhân viên y tế cơ sở ở Hà Nội trong những ngày cao điểm dịch COVID-19. Ảnh: Trường Phong

Chị Phương kể, trong thời gian đại dịch COVID-19, áp lực đó càng tăng lên gấp bội. “Nhà không được về. Làm nhiệm vụ phòng chống dịch thời gian không kể ngày đêm, nhưng đến nay vẫn chưa nhận được hỗ trợ”, chị Phương nói thêm. Theo chị Phương vấn đề “vào biên chế” ở bệnh viện công vẫn là nỗi ám ảnh của các nhân viên y tế bao năm qua.

Hà Nội đang có dự kiến chi hơn 248 tỷ đồng để hỗ trợ, động viên công chức, viên chức, người lao động ngành y tế. Dự thảo Nghị quyết quy định mức hỗ trợ, động viên một lần cho công chức, viên chức, người lao động ngành y tế Thủ đô đang trong quá trình lấy ý kiến.

Đối tượng được áp dụng, theo đề xuất là người lao động trong các cơ quan, đơn vị về y tế, gồm: công chức, viên chức, người lao động ngành y tế Thủ đô (làm việc tại các cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Y tế Hà Nội, phòng Y tế thuộc UBND các quận, huyện, thị xã). Theo dự kiến, mức hỗ trợ cao nhất là 10 triệu đồng/người, thấp nhất là 5 triệu đồng/người. Kinh phí hỗ trợ, từ nguồn chi thường xuyên ngân sách cấp thành phố

Anh Đ.Đ.Nam (SN 1995) một thành viên của nhóm Tâm sự ngành Y chia sẻ, những áp lực ở bệnh viện công, với lịch trực dày đặc và mức thu nhập thấp, khó đáp ứng nhu cầu cơ bản của cuộc sống là nguyên nhân chính thôi thúc anh bỏ việc tại một bệnh viện lớn ở TPHCM để về Hà Nội làm việc tại cơ sở y tế tư nhân về vô sinh hiếm muộn.

Tại môi trường mới, anh có cơ hội học hỏi, tham gia nhiều mô hình y tế mới để có thể hỗ trợ thêm nhiều người bệnh khác cũng như tăng thu nhập cho bản thân mà vẫn làm các công việc đúng với chuyên môn của mình.

“Vừa thực hiện được nguyện vọng phát triển năng lực, vừa có điều kiện về tài chính để lo toan cho cuộc sống”, anh Nam chia sẻ.

Gia đình có điều kiện, nên sau khi nghỉ việc ở một bệnh viện công, anh N.H.Hiếu (SN 1984) đã mở một phòng khám nhỏ tại nhà riêng ở Hoài Đức (Hà Nội). Việc “bỏ viện” vừa giúp anh tăng thêm thu nhập để lo cho gia đình, vừa có thời gian gần gũi với ông bà và chăm sóc hai con nhỏ đang tuổi mầm non và thực hiện được ước mơ “mang viện về làng” của mình.

“Thời điểm mình ở bệnh viện công, lãnh đạo cũng ưu ái nhiều. Nhưng mình thấy sự khác biệt giữa mô hình y tế công và y tế tư nhân, nên quyết ra làm ngoài. Với mức thu nhập hiện tại, sẽ rất khó để y tế công thu hút nhân tài vào hệ thống”, anh Hiếu nói.

Giải pháp… động viên

Trao đổi với PV Tiền Phong, đại diện lãnh đạo một số phường, trạm y tế phường trên địa bàn thành phố Hà Nội cho biết, trải qua thời gian dài phòng, chống dịch bệnh COVID-19, nhiều nhân viên y tế cấp cơ sở rất tâm tư vì công việc vất vả mà chưa được hỗ trợ, quan tâm đúng mức.

“Chúng tôi phải tiếp tục động viên anh em cố gắng. Hiện nay, phường đang triển khai tiêm vắc xin COVID-19, phòng chống một số dịch bệnh khác nữa nên công việc của anh em nhân viên y tế phường vẫn rất nhiều và bận, anh em cũng suy nghĩ nhiều”, đại diện lãnh đạo một phường trên địa bàn quận Hoàng Mai chia sẻ.

Một số địa phương cho biết, thời gian qua, cũng nhiều nhân viên y tế cấp cơ sở có tâm lý muốn nghỉ việc, đại diện chính quyền, lực lượng chức năng phải động viên, khuyến khích để họ tiếp tục cố gắng, thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, đảm bảo an toàn phòng, chống dịch bệnh và các công việc, nhiệm vụ thường xuyên.

MỚI - NÓNG