Những chiếc ghế tiện lợi xuất hiện nhiều tại sân bay các nước (trong ảnh là sân bay Toulouse - Pháp) nhưng chưa có mặt tại Việt Nam (Ảnh: Sỹ Lực)
Ngày 6/11, trong cuộc họp sơ kết 4 tháng thực hiện chỉ thị của Bộ GTVT về chấn chỉnh dịch vụ hàng không, Cục trưởng Hàng không Lại Xuân Thanh cho biết: Tỷ lệ chậm hủy chuyến trước khi thực hiện ở mức hơn 20% đến nay còn 14,7%. Riêng Vietnam Airlines (VNA, hãng chiếm hơn 60% thị phần) có tỷ lệ chậm hủy chuyến 10,8%. Theo ông Thanh, tỷ lệ này của VNA tốt hơn cả tỷ lệ chậm hủy chuyến của các hãng tiên tiến trên thế giới (thường ở mức 15%).
Tổng GĐ VNA Phạm Ngọc Minh cho biết, đây là điều đáng mừng nhưng một mặt nào đó thể hiện hiệu suất sử dụng máy bay của hãng “đang có vấn đề”. Tuy nhiên, ông Minh cũng nói: “Trong khi, chúng tôi vẫn sẽ nỗ lực để giảm chậm hủy chuyến; nhưng vẫn duy trì chế độ để máy bay dự phòng”.
Trước đây, sử dụng máy bay dự phòng là phương án cuối khi xảy ra chậm chuyến, nhưng hiện VNA áp dụng quy trình: Khi bộ phận kỹ thuật chưa thể quyết định được giờ máy bay cất cánh, hãng sẽ quyết định luôn dùng máy bay dự phòng bởi “chậm thời gian ngắn, khách không bức xúc bằng việc chưa biết khi nào bay”.
Về dịch vụ tại sân bay, lãnh đạo các cảng hàng không thông báo đã thực hiện các biện pháp như cải tiến dịch vụ vệ sinh bằng việc thuê các doanh nghiệp ngoài, chấn chính hoạt động taxi...
Thậm chí, ông Vũ Thế Phiệt, GĐ Cảng Hàng không Nội Bài còn đưa ra những thí dụ cụ thể như thay giấy vệ sinh to gấp đôi trước đây (để giảm tình trạng thiếu), cắt cử người dọn nhà vệ sinh 24/24, cử người chuyên trách đi cạo kẹo cao su dưới nền; nhân viên an ninh sân bay từ chỗ đứng nghiêm nay đã biết “nhúc nhíc” chào và đưa giấy tờ tùy thân cho khách bằng 2 tay.
Tuy nhiên, Cục trưởng Hàng không Việt Nam cũng nêu ra nhiều bất cập tại sân bay như công tác vệ sinh chưa đảm bảo, internet còn yếu, tình trạng taxi gian dối.... So với các nước, sân bay Việt Nam còn nhiều điểm cần khắc phục như ghế tại Cảng hàng không Nội Bài bằng i-nox, gây khó cho khách vào mùa đông, chưa có loại ghế nửa nằm nửa ngồi cho khách đợi những chuyến bay dài...
Tổng GĐ VNA tiết lộ các khảo sát của quốc tế cho thấy, dịch vụ tại sân bay Tân Sơn Nhất và Nội Bài bị xếp thứ 18, 19 trong tổng số 20 sân bay đầu mối thuộc liên minh hàng không Sky Team (Liên minh hàng không quốc tế mà VNA tham gia).
Kết luận tại cuộc họp, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng cho rằng, những thay đổi vừa qua chứng tỏ, dịch vụ hàng không yếu kém không phải do hạ tầng yếu kém mà do thiếu tinh thần trách nhiệm và chế tài xử lý trách nhiệm.
Để giải quyết vấn đề này, Bộ trưởng GTVT giao lãnh đạo các cảng hàng không làm tư lệnh chỉ đạo và chịu trách nhiệm cao nhất tại sân bay. Ông Thăng yêu cầu cơ quan chuyên môn soạn thảo thông tư phân định rõ chức năng nhiệm vụ từng bộ phận và xử lý trách nhiệm, trong đó tập trung vào biện pháp xử phạt bằng tiền. “Khi hãng hàng không bị cảng hàng không làm chậm hủy chuyến, nổ máy lâu mới cất cánh được, cứ quy ra tiền xăng để phạt” – Bộ trưởng Thăng nói.
Bộ trưởng GTVT cũng yêu cầu chuẩn bị nội dung, chủ động làm việc với Bộ Công an, Bộ Tài chính để nâng cao tính phối hợp giữa lực lượng Hải quan và công an cửa khẩu tại sân bay.
“Hiện nay, ngành hàng không đang ách tắc, quá tải cả ở sân bay và trên trời nhưng còn ách tắc nữa là ách tắc con người, trước hết là cấp lãnh đạo” – Bộ trưởng Đinh La Thăng.