Việc cải thiện quan hệ song phương là lợi ích chung của Philippines và Trung Quốc. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa rằng, Philippines sẽ thỏa hiệp về chủ quyền lãnh thổ của họ. Hai bên sẽ phải làm việc cật lực để đạt được một giải pháp đôi bên cùng có lợi. Trung Quốc là nước phải thay đổi thái độ hung hăng, bề trên của mình.
Trong khi đó, Philippines có thể đưa ra các giải pháp giữ thể diện cho Trung Quốc để nước này thay đổi thái độ cũng như cách hành xử trên biển Đông. Các nước ASEAN và Mỹ khuyến khích thảo luận, đàm phán giữa Philippines và Trung Quốc. Washington sẽ hỗ trợ riêng để Manila mạnh tay thương lượng với Bắc Kinh. Các thành viên ASEAN sẽ thở phào khi căng thẳng chính trị giữa Philippines và Trung Quốc giảm bớt.
Tổng thống Duterte gần đây tuyên bố, Philippines sẽ dừng tuần tra trên biển Đông cùng với Mỹ để tránh chọc tức Trung Quốc. Tổng thống Philippines nói ông đang cân nhắc mua vũ khí, khí tài của Trung Quốc và Nga. Trung Quốc coi nhiệm kỳ của Tổng thống Duterte là một cơ hội lớn để xâm nhập kinh tế, chính trị Philippines, làm xói mòn liên minh Mỹ-Philippines và củng cố quyền kiểm soát ở quần đảo Trường Sa. Có nguy cơ quan hệ Mỹ-Philippines sẽ lung lay cho đến khi Mỹ có tổng thống mới.
Lâu nay, cả Mỹ và ASEAN kêu gọi thực hiện đầy đủ, hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông và sớm hoàn tất Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông. ASEAN luôn khẳng định cam kết giải quyết các tranh chấp chủ quyền biển, đảo bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực, không đe dọa sử dụng vũ lực, hoàn toàn tôn trọng các tiến trình ngoại giao và pháp lý. ASEAN cũng nhất trí về một lập trường thống nhất bằng cách kêu gọi các bên không quân sự hóa và tự kiềm chế việc đưa người tới các đảo, bãi cạn không người ở để sinh sống.
Để duy trì vai trò trung tâm của ASEAN trong các vấn đề khu vực, khối này cần làm việc chặt chẽ hơn với các đối tác đối thoại để nâng cao hiệu quả của các tổ chức đa phương liên quan ASEAN như Diễn đàn Khu vực ASEAN, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng, Diễn đàn Biển ASEAN mở rộng, Cấp cao Đông Á… Ngoài ra, trong các hội nghị cấp cao ASEAN+1, ASEAN cần thảo luận với các đối tác đối thoại về cách thức họ tiếp tục đóng góp vào việc duy trì cân bằng quyền lực ở biển Đông để đảm bảo rằng, Đông Nam Á tiếp tục là một khu vực ổn định và an toàn.