Nhận thức quyền công dân thiêng liêng vẫn là vấn đề thời sự

Nhận thức quyền công dân thiêng liêng vẫn là vấn đề thời sự
TP - Loạt bài “Từ bài thơ gây chấn động…” của tác giả Xuân Khải,  gợi chúng ta nhớ lại một thời kỳ đáng ghi nhớ với những con người “tiên phong” đã góp phần quan trọng làm nên “Đổi Mới”.
Nhận thức quyền công dân thiêng liêng vẫn là vấn đề thời sự ảnh 1
Chị Phạm Thị Xuân Khải

Mặt khác, câu chuyện “cũ” này  cũng gợi chúng ta nghĩ đến những vấn đề khác không kém phần hệ trọng. Xin thử nêu một vấn đề: Vì sao bài thơ giản dị, nêu những “tiêu cực” ai cũng thấy, ai cũng biết mà lập tức được hàng ngàn độc giả hưởng ứng?

Câu trả lời cũng rất giản dị: Vì người dân chưa ý thức được quyền dân chủ, quyền tự do ngôn luận đã được Hiến pháp - bộ luật tối cao của đất nước - quy định, hoặc là vì sợ hãi một thế lực nào đó nên không dám bày tỏ chính kiến, nguyện vọng của mình; cũng có thể người dân đã nêu ý kiến, nhưng các tòa báo sợ “mang vạ” nên không dám đăng?

Điều này, không phải là không có cơ sở, vì một bài thơ gửi đến vị lãnh đạo có quyền uy nhất nhì thời đó, được “chuẩn y” mà Ban Bí thư Trung ương Đoàn và Ban biên tập báo vẫn còn “chịu sự phê phán, sức ép của nhiều Bí thư Tỉnh ủy, một số lãnh đạo Đảng và Nhà nước” (Hồi ức của đồng chí Vũ Mão, Tiền Phong ngày 14/3) thì các toà báo ngại đăng những ý kiến trung thực, nhìn thẳng vào sự thật cũng là điều dễ hiểu.

Từ đó, việc thực thi quyền công dân một cách bình thường lại phải có tinh thần dũng cảm mới làm được! Cũng cần phải nói rõ, ngoài ông Lê Đức Thọ là người đã trực tiếp chuyển bài thơ cho báo đăng để “công khai dũng khí đó cho bạn đọc cả nước biết” (Tiền Phong ngày 14/3), Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng đều hoan nghênh việc làm của nữ sinh viên Xuân Khải.

Như thế cũng có nghĩa là các vị lãnh đạo cao cấp nhất của Đảng và Nhà nước đều tôn trọng quyền tự do ngôn luận của công dân, tôn trọng tự do báo chí, chống lại thái độ bưng bít sự thật.

Điều này chứng tỏ là thế lực bảo thủ cùng những người muốn tỏ ra “lập trường” - loại nhân vật “bảo hoàng hơn vua” - vì muốn bám giữ cái “ghế” với đặc quyền đặc lợi của mình, đã ngăn cản xu thế đổi mới, làm sai lệch chủ trương tốt đẹp của lãnh đạo, khiến nhân dân và cả các tòa báo đều phải e sợ khi nói ra những sự thật, dù là sự thật đau lòng.

Các tình huống nêu trên đều chứng tỏ còn nhiều bất cập trong việc nhận thức và thực hiện những quyền công dân thiêng liêng - quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí - mà nhân dân ta đã đổ biết bao xương máu mới giành được và đã được long trọng ghi nhận trong bản Hiến pháp đầu tiên của đất nước ta do Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp chỉ đạo xây dựng nên cũng như trong Hiến pháp hiện hành.

Chuyện qua đã hai chục năm nhưng chưa hẳn đã là “chuyện xưa”. Bằng chứng là những bài viết của nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt và ông Nguyễn Trung đăng trên các báo gần đây, cũng chỉ nêu lên “những điều mọi người nhìn thấy hàng ngày nhưng chưa ai mạnh dạn nói ra” (Báo Tiền Phong ngày 14/3) tương tự như bài thơ “gây chấn động”  20 năm trước và rồi cũng được hàng ngàn người hưởng ứng.

Cũng có nghĩa là quần chúng nhân dân có rất nhiều người đã thấy những vấn đề hệ trọng đối với vận mệnh của đất nước, nhưng e ngại không dám nói ra, hoặc đã nói ra nhưng báo chí không đăng!

Hy vọng là với tinh thần “đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới” như chủ đề của Đại hội X đã đặt ra, những cơ chế và hành vi dẫn đến “dân chủ trong xã hội còn bị vi phạm” (trích “Dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội X) sẽ bị loại trừ để việc công dân bày tỏ nguyện vọng, nói rõ sự thật trở thành điều bình thường, dễ dàng, chứ không phải “vận nội công, ngoại công”, đem tinh thần dũng cảm và nhờ có sự trợ lực của ông Lê Đức Thọ thì bài thơ của Xuân Khải mới được mọi người biết đến. Và trong tình hình hiện nay, càng cần lắm những con người “tiên phong” để tiếp tục “Đổi Mới”.

MỚI - NÓNG
Ga Hà Nội sẽ thành ga đường sắt đô thị nội đô
Ga Hà Nội sẽ thành ga đường sắt đô thị nội đô
TPO - Sở GTVT Hà Nội vừa báo cáo thành phố việc rà soát và đưa ra định hướng xây dựng các dự án đường sắt đô thị, đường sắt quốc gia trên địa bàn. Theo đó, từ nay đến năm 2035, các tuyến đường sắt quốc gia sẽ di dời ra ga đầu mối Ngọc Hồi, ga Hà Nội sẽ trở thành ga đường sắt nội đô.