Nhân nhượng với Samsung?

Một ca làm việc tại một dây chuyền sản xuất của Samsung.
Một ca làm việc tại một dây chuyền sản xuất của Samsung.
TP - Qua thanh tra phát hiện Samsung Việt Nam có vi phạm Luật Lao động Việt Nam. Tuy nhiên, doanh nghiệp này chỉ bị nhắc nhở.

Mong thông cảm

Ông Nguyễn Tiến Tùng, Chánh Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH cho biết, sau khi thanh tra Samsung Bắc Ninh và Thái Nguyên, cả 2 nhà máy này đều có tình trạng vi phạm về thời gian làm việc. Cụ thể, Samsung chia thời gian làm việc thành 2 ca, ca ngày từ 8 giờ đến 20 giờ, ca đêm từ 20 giờ đến 8 giờ sáng hôm sau. Người làm việc 4 ngày liên tục sẽ được nghỉ 2 ngày. theo Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH, quy định này trái với Bộ luật Lao động năm 2012.

Khi luật quy định giờ làm việc theo tuần không quá 10 giờ/ngày, nhưng mỗi ca làm việc hằng ngày tại Samsung kéo dài tới 10 giờ 30 phút/ngày (mỗi ca có 1 giờ 30 phút nghỉ). Đồng thời, giờ làm thêm không quá 30 giờ/tháng, 200 giờ/năm (trường hợp đặc biệt không quá 300 giờ/năm), điều này cũng bị Samsung vi phạm. “Chúng tôi đã yêu cầu Samsung thực hiện đúng quy định luật hiện hành”, ông Tùng nói.

Tuy vậy, theo ông Tùng, với các sai phạm trên, đoàn thanh tra chưa xử phạt, chỉ nhắc nhở và yêu cầu Samsung khắc phục. “Không chỉ với Samsung, các doanh nghiệp khác có vi phạm tương tự chúng tôi cũng chưa xử phạt gì”, ông Tùng nói.

Chánh Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH lý giải thêm, doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu phụ thuộc nhiều vào đơn hàng. Do đó, có thời điểm người lao động phải tăng ca nhiều để kịp đơn hàng, nên không thể cứng nhắc gây khó khăn cho doanh nghiệp. Ngoài ra, thanh tra không xử phạt Samsung vì hiện quy định giờ làm thêm, tăng ca của Việt Nam đang được nghiên cứu sửa đổi.

Nói về các sai phạm trên, ông Bang Hyun Woo - Phó Tổng Giám đốc Samsung Việt Nam cho rằng, với các công ty sản xuất, thời gian cao điểm phải tăng ca vượt quy định của luật để đáp ứng đơn hàng. “Samsung không thể tránh khỏi việc bị vượt quá thời gian làm thêm cho phép”, ông Bang nói. Theo vị này, công nhân cũng thích làm tăng ca như vậy vì lương cao.

Về quy định ca đêm chỉ được kéo dài từ 22 giờ tới 6 giờ sáng hôm sau, nhưng Samsung lại áp dụng từ 22 giờ tới 8 giờ sáng hôm sau, ông Bang lập luận, luật quy định không phải cứng để tất cả bắt buộc làm theo.

Theo lãnh đạo Samsung Việt Nam, việc chia ca kéo dài 12 tiếng chỉ xảy ra với những công nhân ở các dây chuyền sử dụng kết hợp máy móc. Qua đó, đảm bảo máy hoạt động liên tục và tối ưu hóa năng suất, hiệu quả. Dù khẳng định việc Samsung chia ca làm việc không trái luật, nhưng vẫn bị Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH kết luận chưa thực hiện đúng, ông Bang cho rằng: “Có thể cơ quan thanh tra muốn công ty ghi rõ hơn trong nội quy lao động. Chúng tôi cảm ơn ý kiến của Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH về giờ làm thêm và đề xuất xử lý nhưng mong Chính phủ Việt Nam thông cảm cho Samsung, mong đưa ra quy định không quá khắt khe cho vấn đề này”.

Luật pháp phải được thượng tôn

Trao đổi với Tiền Phong, ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng ban Quan hệ Lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho rằng, với quy định của pháp luật, mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân đều phải nghiêm chỉnh chấp hành. “Quy định làm thêm giờ đã rõ ràng và mục tiêu của pháp luật là để bảo vệ người lao động. Nhưng một số doanh nghiệp lấy lý do này kia để vi phạm đều không chấp nhận được. Luật là luật. Còn nếu thấy quy định chưa phù hợp có thể kiến nghị sửa đổi, nhưng khi chưa sửa vẫn phải theo quy định hiện hành. Nếu doanh nghiệp nào vi phạm phải xử lý nghiêm, pháp luật không thể nói từ thông cảm”, ông Quảng nói.

Ông Quảng cũng cho rằng, để đưa ra quy định về giờ làm thêm cần nghiên cứu rất nhiều yếu tố, như tác động tới cuộc sống, sức khỏe người lao động. Không phải nói tăng là tăng để đáp ứng theo yêu cầu của doanh nghiệp. Nếu cường độ làm việc vượt khả năng của người lao động sẽ dễ xảy ra tai nạn, ảnh hưởng tới sức khỏe lâu dài của người lao động, nên quyền lợi người lao động phải được bảo vệ. 

Để bảo vệ người lao động, ông Quảng cho biết, tổ chức công đoàn sẽ yêu cầu các cơ quan quản lý nhà nước tăng cường thanh kiểm tra, xử phạt nghiêm các doanh nghiệp vi phạm luật và xâm phạm lợi ích người lao động.

TS Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động - Xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) cũng cho rằng, với đất nước pháp quyền, pháp luật phải được thượng tôn. Nếu ai vi phạm pháp luật đều phải bị xử lý nghiêm, không có trường hợp ngoại lệ. “Khi đã đầu tư vào Việt Nam phải chấp hành pháp luật Việt Nam. Luật đã quy định rõ, nên anh không thể lấy lý do để làm khác, mà phải sắp xếp sản xuất cho hợp lý, phù hợp quy định, không phải mặc nhiên được vi phạm”, bà Hương nói.

Theo Dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi, được Bộ LĐ-TB&XH đưa ra lấy ý kiến trước đó, bộ này đề xuất sửa đổi lại quy định giờ làm thêm theo hướng mềm hơn. Cụ thể, giờ làm việc tiêu chuẩn không quá 8 giờ/ngày, hoặc 48 giờ/tuần. Giờ làm thêm và giờ làm việc tiêu chuẩn không quá 12 giờ/ngày, tổng số giờ làm thêm 1 năm không quá 400 giờ.

MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.