Nhan nhản dự án BĐS huy động vốn trái phép

Tranh chấp kiện tụng giữa khách hàng mua nhà và chủ đầu tư liên tiếp xảy ra gần đây. Đáng báo động từ các vụ tranh chấp này là nhiều chủ đầu tư huy động vốn trái pháp luật.

Nhan nhản dự án BĐS huy động vốn trái phép

Tranh chấp kiện tụng giữa khách hàng mua nhà và chủ đầu tư liên tiếp xảy ra gần đây. Đáng báo động từ các vụ tranh chấp này là nhiều chủ đầu tư huy động vốn trái pháp luật.

Dự án chung cư phục vụ dãn dân phố cổ tại KĐT Việt Hưng do Cty Hồng Hà làm chủ đầu tư, đến nay vẫn chỉ là một bãi đất trống cỏ mọc um tùm. Ảnh: Kỳ Anh
 

Đóng hàng tỉ đồng để mua nhà, rồi dài cổ chờ đợi hết năm này qua năm khác nhưng vẫn không được nhận nhà trong khi dự án bất động sản vẫn nằm im lìm, cỏ hoang mọc lút đầu người chính là nguyên nhân của hàng chục vụ tranh chấp kiện tụng giữa khách hàng và chủ đầu tư.

Chưa được giao đất vẫn huy động vốn

Theo quy hoạch của TP.Hà Nội, khu đất tại khu đô thị mới Việt Hưng được sử dụng vào mục đích xây dựng chung cư phục vụ công tác dãn dân phố cổ. Đây là khu đất được TCty HUD giao lại cho TP.Hà Nội và TP giao cho UBND quận Hoàn Kiếm làm chủ đầu tư.

Do thiếu vốn, UBND quận Hoàn Kiếm đã có quyết định giao CTCP VLXD XNK Hồng Hà (Cty Hồng Hà) thu xếp nguồn vốn để triển khai xây dựng. Trong khi UBND TP.Hà Nội chưa phê duyệt quy hoạch chi tiết, chưa ký hợp đồng chính thức, thì Cty này đã tiến hành huy động vốn của khách hàng với số tiền ước tính lên tới vài trăm tỉ đồng.

Sau hai năm nộp tiền cho chủ đầu tư mà vẫn không thấy dự án triển khai, hàng trăm người mua nhà đã tập trung tại trụ sở của Cty Hồng Hà để yêu cầu chủ đầu tư giải thích về việc tiền của họ đang ở đâu và đòi lại tiền góp vốn.

Đáng lo ngại là từ vài tuần nay, lãnh đạo Cty Hồng Hà – những người đã từng ký hợp đồng, thu tiền của khách hàng gần như không thấy có mặt ở cơ quan và cũng không có mặt ở nơi cư trú. Hiện những người mua nhà đã gửi đơn tố cáo lên cơ quan chức năng đề nghị can thiệp bảo vệ quyền lợi.

Theo quan sát của PV Lao Động, đây chỉ là một vụ việc nổi cộm gần đây nhất, trong khi trên địa bàn Hà Nội, có thể dễ dàng liệt kê hàng chục vụ có dấu hiệu lừa đảo như vậy. Gây nhức nhối cho nhà đầu tư không kém gì vụ việc của Cty Hồng Hà là dự án 409 Lĩnh Nam bán qua thứ cấp là Cty Hạ Long. Hàng trăm tỉ đồng nộp vào dự án qua Cty này của các nhà đầu tư cũng đối diện với nguy cơ mất trắng.

Dự án chung cư AZ Vân Canh của AZ Land huy động vốn của khách hàng từ gần 3 năm nay nhưng đến nay vẫn án binh bất động.
 

Dự án Chung cư 409 Lĩnh Nam do CTCP BĐS Megastar làm chủ đầu tư. Hợp đồng góp vốn được triển khai từ năm 2009 và đến cuối năm 2010 chính thức thi công, trong đó toàn bộ tòa 25 tầng do Cty Hạ Long làm thứ cấp phân phối độc quyền với giá gốc 12 triệu đồng/m2. Khách hàng mua căn hộ tòa nhà này sẽ ký hợp đồng với Hạ Long, nộp ngay 30% giá trị căn hộ dưới dạng hợp đồng góp vốn...

Tuy nhiên, hiện tại dự án 409 Lĩnh Nam vẫn còn là một bãi công trường hoang, không có dấu hiệu thi công. Phần nhà 25 tầng đã đào móng, ép cọc sắt nhưng đã ngừng thi công từ lâu khiến dự án biến thành ao tù nuôi muỗi.

Khi khách hàng tìm đến trụ sở của Cty Hạ Long tại 38 Nguyễn Thị Định thì nhận được thông báo “Cty mới chuyển văn phòng” nhưng lại không thông báo địa điểm mới (!). Chủ đầu tư chối bỏ trách nhiệm, nhà phân phối trốn tránh, khách hàng buốt ruột nhìn tiền tỉ không biết đến bao giờ mới được thu hồi.

Tương tự là thực trạng của các dự án chung cư AZ Vân Canh của AZ Land huy động vốn của khách hàng từ gần 3 năm nay nhưng đến nay vẫn án binh bất động; dự án La Fontana – chủ đầu tư là CTCP đầu tư Gia Tuệ tại cầu vượt Phú Đô, Từ Liêm huy động vốn từ năm 2010, cam kết hoàn thành vào cuối 2012 nhưng hiện tại vị trí xây dựng dự án vẫn là bãi đất hoang, cỏ mọc um tùm...

Thiệt hại luôn thuộc về khách hàng!

Theo đơn tố cáo Cty Hồng Hà của những khách hàng mua nhà theo dự án dãn dân phố cổ thì hành vi bán nhà của Cty này là vi phạm pháp luật. Thực tế là, sau khi phát hiện việc huy động vốn trái pháp luật của Cty Hồng Hà, tháng 9.2010, UBND quận Hoàn Kiếm đã có công văn yêu cầu Cty này phải chấm dứt ngay việc huy động vốn mua bán nhà, Cty Hồng Hà cũng đã cam kết không rao bán nữa. Tuy nhiên, Cty này vẫn tiếp tục huy động vốn của hàng trăm khách hàng.

Bản thân ông Hoàng Công Khôi, Bí thư quận Hoàn Kiếm cũng thừa nhận, những văn bản làm việc hay quyết định của UBND quận Hoàn Kiếm đối với Cty Hồng Hà chỉ dừng ở việc cho phép Cty này vào nghiên cứu, chuẩn bị vốn, chứ không phải ký kết hợp tác đầu tư.

“Theo quy trình DN nào được chọn tham gia dự án, khi vào chính thức sẽ phải được thành phố thẩm định về năng lực, đặc biệt năng lực tài chính. Vì vậy, Cty Hồng Hà rao bán, đã huy động vốn là làm sai so với Nghị định 71”, ông Khôi khẳng định. Điều đáng tiếc đây là những phát ngôn chính thức chỉ khi vụ việc này bị phanh phui, lúc nhà đầu tư biết được thì đã quá muộn.

Theo một chuyên gia lâu năm trong lĩnh vực BĐS, trong khi chưa có một quy định chuẩn về các hợp đồng góp vốn, hợp đồng mua bán thì hiện các thua thiệt luôn thuộc về khách hàng và chủ đầu tư, trong trường hợp cố tình làm sai cũng không có điều khoản gì bắt lỗi được họ. Hiện trong các hợp đồng góp vốn đang giao dịch trên thị trường, bao giờ cũng có điều khoản, nếu người mua nhà không thực hiện đúng tiến độ đóng tiền, thì bên đầu tư dự án có quyền phá bỏ hợp đồng mà không có nghĩa vụ phải trả lại khoản vốn đã góp, tuy nhiên lại không có điều khoản nếu chủ đầu tư không bàn giao nhà đúng tiến độ thì phải có trách nhiệm thế nào với khách hàng.

Thêm một điều đáng tiếc nữa là cho đến nay dư luận vẫn không hiểu vì sao cơ quan quản lý nhà nước về thị trường BĐS vẫn chưa có biện pháp hữu hiệu nào để xử lý những hành vi huy động vốn trái pháp luật này? Bởi chỉ có cơ quan quản lý nhà nước, cùng với các quy định và các chế tài được quy định trong Luật Nhà ở và BĐS mới có thể buộc được chủ đầu tư thực hiện nghĩa vụ của mình với khách hàng mà họ đã huy động vốn.

Điểm mặt các dự án có dấu hiệu sai luật

 

Chung cư 52 Lĩnh Nam (mô hình), Chủ đầu tư CTCP Lilama Hà Nội đã thu của khách hàng đến 95% tiền nhưng vẫn chưa bàn giao nhà. Dự án La Fontana, Chủ đầu tư là CTCP Đầu tư Gia Tuệ, được xây dựng tại cầu vượt Phú Đô, Từ Liêm, HN, cam kết hoàn thành vào cuối 2012, nhưng hiện tại, vị trí xây dựng dự án vẫn là bãi đất hoang.

Hanoi Time Towers (mô hình), Chủ đầu tư là PVCR, CTCP Đầu tư và Xây lắp Dầu khí Sài Gòn và CTCP Tập đoàn Việt Long, được xây dựng tại KĐT Văn Phú, Hà Đông, HN, khởi công tháng 10.2010 nhưng đến nay công trình chưa xong phần hầm. Chung cư 34 Cầu Diễn, Chủ đầu tư là Cty Quân Thư, cam kết cuối 2012 bàn giao nhà, nhưng đến nay dự án vẫn án binh bất động. Dự án Tricon Towers, Chủ đầu tư CTCP Đầu tư Minh Việt, cam kết giao nhà cuối năm 2011 nhưng đến nay mới chỉ xong phần móng.

Theo Song Minh
Lao Động

Theo Đăng lại