Nhân lên những giá trị sau chiến dịch

 Lớp học phòng chống xâm hại tình dục tuổi vị thành niên của sinh viên ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng) Ảnh: NVCC
Lớp học phòng chống xâm hại tình dục tuổi vị thành niên của sinh viên ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng) Ảnh: NVCC
TP - Bằng kiến thức và kỹ năng được học trên giảng đường, những thầy cô giáo tương lai của ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng) đã tổ chức các lớp học kỹ năng cho các em nhỏ ở vùng quê nghèo Duy Phước (huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam). Khi chiến dịch Mùa hè xanh kết thúc, các em sẽ là lực lượng nòng cốt, tiếp tục lan tỏa giá trị từ lớp học tại địa phương. 

Giúp trẻ tự bảo vệ mình

Tại hội trường thôn Mỹ Phước (xã Duy Phước), Ngày hội truyền thông kết thúc lớp Tập huấn phòng chống xâm hại tình dục tuổi vị thành niên thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân và các em nhỏ.

Những vở kịch tham gia Ngày hội với nội dung tuyên tuyền phòng chống xâm hại tình dục do chính những học sinh cấp 2, cấp 3 tham gia lớp tập huấn lên ý tưởng. Không chỉ mang lại nhiều tiếng cười bởi sự ngộ nghĩnh, thú vị trong diễn xuất, mỗi vở kịch là một bài học về các kỹ năng phòng ngừa khi gặp tình huống có nguy cơ bị xâm hại, quản lý cảm xúc hay tìm kiếm sự giúp đỡ khi gặp nguy hiểm...

Lớp tập huấn phòng chống xâm hại tình dục tuổi vị thành niên được các bạn sinh viên tình nguyện chiến dịch Mùa hè xanh của trường ĐH Sư phạm duy trì tại xã Duy Phước đã được 2 năm. Năm đầu tiên, chiến dịch tổ chức các lớp học ở 8 thôn trên địa bàn xã, đối tượng tham gia là các em học sinh tiểu học. “Các lớp tập huấn năm trước rất thành công, có những lớp có hơn 100 em tham gia.

Năm nay, chiến dịch Mùa hè xanh của trường tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn nhưng đối tượng là các đoàn viên năng nổ ở địa phương. Mong muốn của Đoàn trường và Đoàn xã là tập huấn để các em trở thành lực lượng nòng cốt duy trì các nhóm tuyên truyền, tiếp tục tổ chức các hoạt động ở địa phương, lan tỏa các kiến thức và kỹ năng của lớp tập huấn trong cộng đồng sau khi chiến dịch Mùa hè xanh kết thúc”, cô Lê Thị Lâm, giảng viên khoa Tâm lý giáo dục - ĐH Sư phạm Đà Nẵng - phụ trách lớp tập huấn, cho biết.

 Lớp tập huấn năm nay kéo dài 10 ngày, tập huấn cho khoảng 30 bạn đoàn viên ở địa phương đang theo học tại các trường THPT và THCS trên địa bàn. Các em được cung cấp kiến thức về xâm hại tình dục và cách phòng ngừa, hướng dẫn những kỹ năng cần thiết để xử lý khi có nguy cơ bị xâm hại, giúp đỡ khi có bạn bị xâm hại, đồng thời được đào tạo những kỹ năng để tuyên truyền, truyền thông trong cộng đồng.

“Vì đối tượng học sinh nên các lớp tập huấn đều kết hợp nhiều hình thức như trò chơi, văn nghệ, thảo luận nhóm, thuyết trình. Chúng tôi cũng mong muốn thông qua các hoạt động tập thể để nâng cao sự tự tin cho các em, bởi trong việc phòng ngừa quấy rối và xâm hại tình dục tuổi vị thành niên thì việc các em tự tin, có đủ tâm thế để phản ứng lại rất quan trọng”, cô Lâm chia sẻ.

Tập phân loại rác, làm phân hữu cơ

Hì hụi cắt thái, đong đếm các thành phần để ủ phân từ những loại rác thải hữu cơ mang từ nhà đến, em Dương Nguyễn Khánh Giang (học sinh trường THPT Hồ Nghinh, xã Duy Phước) thích thú với trải nghiệm mới mẻ này. Cùng các bạn xếp gọn các loại rác thừa từ rau củ, vỏ trái cây vào thùng, Giang hào hứng khoe: “Chỉ độ mười ngày nữa là tụi em có phân để đem bón cho cây trong vườn, các anh chị sinh viên nói vậy”. Giang cùng khoảng 90 bạn học sinh khác là học viên của lớp tập huấn phân loại và xử lý rác thải tại nguồn trong chiến dịch Mùa hè xanh của ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng) tổ chức.

Nhân lên những giá trị sau chiến dịch ảnh 1 Các chiến sĩ Mùa hè xanh tuyên truyền về kỹ năng phân loại rác tại nguồn cho bà con tiểu thương ở chợ Duy Phước (xã Duy Phước, huyện Duy Xuyên) Ảnh: NVCC

Tại lớp tập huấn, các em được hướng dẫn phân loại rác tại nguồn, xử lý rác hữu cơ để làm phân hữu cơ ứng dụng cho nông nghiệp, sử dụng các loại rác tái chế làm đồ trang trí, đồ chơi, các vật dụng gia đình...

“Duy Xuyên là vùng nông thôn, nguồn rác hữu cơ rất lớn, chưa kể các phế phẩm nông nghiệp. Bình thường, người dân sẽ bỏ rác lẫn lộn hết vào túi rác rồi vứt đi, điều này gây lãng phí nguồn rác tái chế và rác hữu cơ. Bởi vậy, chúng tôi mong muốn qua các lớp tập huấn sẽ thay đổi nhận thức trong cộng đồng từ chính thế hệ trẻ.

Các em sẽ là những tuyên truyền viên tích cực đến gia đình, bạn bè và những người xung quanh góp phần thay đổi thói quen vứt rác, hạn chế các loại rác thải nhựa”, cô Ngô Thị Hoàng Vân, giảng viên khoa Sinh - Môi trường, Phó Bí thư Đoàn trường ĐH Sư phạm, phụ trách lớp tập huấn, cho biết.

 “Với đặc thù của trường, chúng tôi mong muốn Mùa hè xanh không chỉ là cơ hội để các bạn sinh viên trải nghiệm, đóng góp cho cộng đồng mà còn là cơ hội để các em được áp dụng những kiến thức, kỹ năng trên giảng đường vào thực tiễn”, anh Trần Trung Phương, Bí thư Đoàn trường ĐH Sư phạm nhấn mạnh. 

“Vào năm học mới, Đoàn xã sẽ làm việc với trường, chi đoàn trường và các liên đội để tổ chức các buổi ngoại khóa về phòng chống xâm hại và phân loại rác tại nguồn do chính các học viên đã tham gia các lớp tập huấn tổ chức. Chúng tôi cũng sẽ tham mưu với chính quyền để phát huy mô hình phân loại và xử lý rác tại nguồn, hạn chế rác thải nhựa trong cộng đồng”, anh Trần Thanh Giác, Bí thư Đoàn xã Duy Phước.

MỚI - NÓNG