Trung tâm Xử lý Tin giả Việt Nam (VAFC) mới đây phát hiện trên mạng xã hội lan truyền thông tin “Vừa rồi đồng nghiệp của tôi nhận được một cuộc gọi hỏi rằng anh ấy đã được tiêm phòng chưa. Nếu anh ta đã được tiêm phòng, hãy nhấn phím 1; nếu anh ta chưa được tiêm phòng, nhấn phím 2. Kết quả là anh ta nhấn phím 1, điện thoại bị chặn và thông tin ngân hàng trực tuyến và thẻ thanh toán swk thường xuyên sử dụng của anh ta đều được chuyển...”.
Qua kiểm tra, xác minh từ cơ quan chức năng, VAFC khẳng định nội dung thông tin trên là giả mạo. VAFC khuyến cáo người dân và cộng đồng mạng không chia sẻ tin giả nêu trên. Vụ việc đang được chuyển cơ quan chức năng xem xét, xử lí nghiêm theo quy định pháp luật.
Mới đây, ngày 14/10, Công an huyện Bình Lục (tỉnh Hà Nam) phối hợp với Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh Hà Nam, Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông xử phạt trường hợp đăng tải thông tin sai sự thật trên mạng xã hội Facebook liên quan đến tiêm vắc xin phòng COVID-19.
Cơ quan công an phát hiện N.V.L (SN 1975), trú tại xã Đồn Xá, huyện Bình Lục đăng tải các thông tin sai sự thật liên quan đến tiêm vắc xin trên địa bàn xã lên mạng xã hội Facebook. Tại buổi làm việc với cơ quan chức năng, L đã thừa nhận việc đăng nội dung trên là hoàn toàn sai sự thật và tự giác gỡ bỏ thông tin, cam kết không tái phạm. Căn cứ Nghị định số 15/2020/NĐ-CP của Chính phủ, Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 5 triệu đồng đối với L.
Thông tin “Nguồn nước Thánh Thiên sẽ cứu chữa rất nhiều bệnh… đặc biệt là COVID-19” kèm theo hình ảnh hai chai nước ghi dòng chữ “nguồn Thánh Thiên” đăng tải trên trang Facebook cá nhân gây hoang mang dư luận. Khi Công an tỉnh Lâm Đồng điều tra, bà N.T.T (sinh năm 1969, huyện Bảo Lâm, Lâm Đồng) thừa nhận đăng tin sai sự thật và bị cơ quan chức năng xử phạt 5 triệu đồng.
Ngày 15/10, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Nam cho biết, đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với một cá nhân tại huyện Tiên Phước vì có hành vi cung cấp nội dung thông tin sai sự thật trên mạng xã hội, gây bức xúc dư luận.
Cụ thể, ngày 18/6, ông Đinh Hữu Thoại (48 tuổi, trú tại thị trấn Tiên Kỳ, huyện Tiên Phước) sử dụng tài khoản Facebook có tên “Đinh Hữu Thoại” (có tích xanh) cung cấp thông tin sai sự thật về quỹ vắc xin COVID-19. Ngoài ra ông này còn đăng ảnh chụp bài viết trên trang thông tin về dịch bệnh COVID-19 của Bộ Y tế có nội dung phát biểu của Thủ tướng về quỹ vắc xin COVID-19. Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh đã xử phạt 7,5 triệu đồng và yêu cầu ông Thoại gỡ bỏ thông tin sai sự thật trên tài khoản Facebook của mình.
Cơ quan chức năng khuyến cáo, để nắm các thông tin chính trị, kinh tế-xã hội, tình hình dịch COVID -19, người dân cần tham khảo trang thông tin của các ban, bộ, ngành và cơ quan chức năng, thu thập, tiếp nhận thông tin ở các tờ báo chính thống, có uy tín.
Một số cách nhận diện tin giả
Tin giả về COVID-19 được tán phát chủ yếu thông qua mạng xã hội (Facebook, YouTube, Tiktok…). Những tin giả đó không chỉ có mục đích thu hút lượt xem, lượt thích của cộng đồng mạng, làm ra lợi nhuận mà nghiêm trọng hơn là tin giả được tạo ra với mục đích xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, quyền và lợi ích của tổ chức, cá nhân. Nhiều tin giả nhằm khủng bố tinh thần và tạo dư luận xã hội tiêu cực.
Nhằm giúp người dân không bị kẻ xấu lợi dụng, Bộ Công an cung cấp một số cách nhận diện tin giả. Một là, tăng cường sự đề phòng, tính cảnh giác của bản thân khi tiếp xúc với thông tin được lan truyền trên không gian mạng. Luôn có quan điểm tham khảo khi sử dụng thông tin trên không gian mạng, nhất là thông tin được chia sẻ bởi mạng xã hội, chủ thể không rõ nguồn gốc, không xác thực.
Hai là, nếu là những thông tin đáng chú ý, thuộc lĩnh vực cần quan tâm thì cần chú ý tiêu đề bài viết. Tin giả thường có tiêu đề hấp dẫn, giật gân, viết in hoa kèm dấu ký tự mang tính chất khẳng định, thường có vẻ khó xảy ra trong thực tế nhưng được viết dưới dạng khẳng định để thu hút sự chú ý của người đọc. Đồng thời, kiểm tra đường dẫn liên kết. Đường dẫn URL chứa tin giả thường giả mạo gần giống các trang tin chính thống.
Ví dụ: Đuôi tên miền .org dành cho các tổ chức phi chính phủ hoặc phi lợi nhuận nhưng không vì thế mà mất cảnh giác, bởi những trang này có thể đăng tải thông tin chủ quan vì mục đích riêng của tổ chức đó, chứ không hoàn toàn cung cấp thông tin khách quan cho người đọc. Kiểm tra kỹ mục “Liên hệ” hoặc “Giới thiệu” trên trang tin để tìm kiếm thông tin về cá nhân hoặc tổ chức đứng sau, xác định mức độ tin tưởng thông qua các thông tin được đề cập như: Chức danh, chức vụ, học hàm, học vị, mức độ phản hồi của người dùng, tính xác thực của địa chỉ.
Ba là, tin giả thường không được chú trọng về cấu trúc ngữ pháp, thể thức văn bản, dễ có lỗi chính tả và ngữ pháp, không thống nhất. Hình ảnh sử dụng trong bài viết đa phần là ảnh trên mạng hoặc được chỉnh sửa cho phù hợp với nội dung nguồn tin. Cần kiểm tra xem ảnh có tồn tại trên không gian mạng thông qua tính năng “Search Google for image”.
Về mốc thời gian sử dụng trong bài viết, tin giả được biên soạn và định dạng mốc thời gian không trùng với thực tế, do đó, cần xem kỹ các mốc thời gian, sự kiện có trong nội dung tin và thời gian đăng tải. Về các luận cứ, luận chứng trong bài viết, thông thường các tin giả được tạo ra được dựa trên một câu chuyện, tình tiết có thực nhưng được làm giả ở những nội dung quan trọng nhất.