Nhận diện “thủ phạm” làm giảm giá dầu

Nhận diện “thủ phạm” làm giảm giá dầu
Giá dầu thế giới đang liên tục diễn biến theo chiều đi xuống, đóng cửa ở mức 54,95 USD/thùng trong phiên giao dịch ngày 17/11 tại thị trường New York. So với mức đỉnh 147,27 USD/thùng ngày 11/7, giá dầu hiện đã giảm 63%.
Nhận diện “thủ phạm” làm giảm giá dầu ảnh 1
Người biểu tình mang biểu ngữ "WB là thủ phạm giá dầu tăng" bên ngoài Sở Giao dịch Chứng khoán Indonesia, ngày 19/6/2008, giữa lúc giá dầu thế giới đã vượt qua ngưỡng 100 USD/thùng - Ảnh: Reuters.

Nhiều người vẫn cho rằng, sự giảm tốc của kinh tế thế giới là lý do khiến giá dầu đi xuống nhanh tới mức này. Nhưng trên thực tế, câu chuyện có lẽ không phải là như vậy.

Vụ phá sản của một công ty bán khống dầu

Vào ngày 11/7, khi giá dầu đạt đỉnh cao lịch sử 147,27 USD/thùng, SemGroup, một công ty phân phối xăng dầu lớn có trụ sở ở Tulsa, bang Oklahoma của Mỹ, chỉ cần cầm cự thêm khoảng một tuần nữa là kiếm được 5 tỷ USD tiền lời nhờ chiến thuật bán khống. Tuy nhiên, chỉ vài ngày sau đó, SemGroup đã phá sản.

Câu chuyện của SemGroup có thể được tóm tắt như sau:

Vào cuối tháng 6 và đầu tháng 7, các nhà đầu cơ dầu lửa kỳ hạn ở Mỹ và London vẫn tranh nhau mua vào vì không tin rằng giá dầu sắp đạt đỉnh. Ở thời điểm đó, thậm chí có nhiều dự báo cho rằng giá dầu sẽ đạt 200 USD/thùng trong năm nay.

Tuy nhiên, SemGroup dự báo, giá dầu sắp đạt đỉnh. Do đó, họ đã thực hiện chiến thuật bán khống với khối lượng lớn.

Chiến thuật này có thể lý giải như sau: SemGroup đặt lệnh bán ra hàng triệu thùng dầu giao kỳ hạn mà công ty này không hề có trong tay. Sau đó, nếu giá dầu giảm thật, SemGroup sẽ mua dầu vào với mức giá rẻ hơn đó để giao hàng, đồng thời bỏ túi phần chênh lệch giữa mức giá thấp này với mức giá cao mà họ bán khống dầu trước đó.

Sau khi SemGroup đặt lệnh bán khống, giá dầu vẫn tăng. 3 ngày sau khi giá dầu đạt đỉnh và vẫn có khả năng sẽ lập thêm kỷ lục mới, Sở Giao dịch Hàng hoá New York (NYMEX) yêu cầu SemGroup phải nộp thêm tiền ký quỹ bù vào phần thua lỗ để giữ hợp đồng.

Không thể huy động được vốn, chỉ một ngày sau đó, SemGroup phải bán lại toàn bộ hợp đồng bán khống dầu của mình cho bộ phận ngân hàng đầu tư của Barclays. Thua lỗ 2,4 tỷ USD trong vụ này, SemGroup rơi vào cảnh phá sản.

Ngay sau khi SemGroup phải bán lại hợp đồng, giá dầu bắt đầu “rơi tự do” do các nhà giao dịch dầu lửa ở khắp nơi, bao gồm các quỹ đầu cơ, các ngân hàng và các quỹ lương hưu, bán tháo các hợp đồng kỳ hạn. Trường hợp của SemGroup cho thấy, tính toán sai thời điểm trong việc bán ra sẽ gây thảm hoạ.

Với số tiền thua lỗ kể trên, có lẽ SemGroup đã bán khống ít nhất 100 triệu thùng dầu thô, gấp 5 lần lượng dầu thô sẵn có trên thị trường Mỹ ở bất kỳ thời điểm nào. Nếu SemGroup mua lại lượng dầu mà họ đã bán khống trên thị trường mở để trả cho NYMEX, giá dầu có lẽ đã tiếp tục tăng với tốc độ tên lửa, khiến cơn sốt dầu còn tăng nhiệt thêm nữa. Nhưng thật may cho người tiêu dùng là Barclays đã mua lại hợp đồng bán khống của SemGroup.

Với sự “ra đi” của SemGroup và những vụ bán khống quy mô lớn tương tự cũng không còn được thực hiện ở các công ty khác, thị trường dầu mất hẳn một nguồn lực đẩy tăng giá. Tuy nhiên, sự mất giá của dầu còn bắt nguồn từ nhiều lý do khác.

“Thủ phạm” USD

Như trên đã nói, giá dầu hiện đã giảm tới 63% so với kỷ lục hồi tháng 7. Nhưng rõ ràng, nhu cầu dầu của thế giới không giảm nhiều đến thế.

Thực tế cho thấy, giá dầu không chỉ phụ thuộc vào nhu cầu. Giá dầu là sản phẩm của một sự pha trộn phức tạp và liên tục biến động giữa hoạt động của giới đầu cơ, sản lượng dầu, thời tiết, chính sách của các chính phủ, kinh tế toàn cầu, thậm chí cả quãng đường mà người Mỹ lái xe trong một khoảng thời gian nào đó…

Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu hiện nay cũng là một “đòn chết người” đối với giá dầu.

Trong giai đoạn đầu của khủng hoảng, đồng USD suy yếu so với Euro, nhưng khi khủng hoảng vượt ngoài tầm kiểm soát trên phạm vi toàn cầu, thị trường lại chuyển sang “ưu ái” đồng tiền này. Do dầu được giao dịch bằng đồng USD, khi tỷ giá USD tăng, giá dầu phải giảm xuống và ngược lại.

Tuy nhiên, cho tới nay, đồng Euro mới chỉ mất giá 20% so với USD, nhưng giá dầu lại mất giá tới 63%. Như vậy có nghĩa là, đồng USD cũng phải là “thủ phạm” của toàn bộ sự trượt dốc của giá dầu thô, mà mới chỉ là một phần của câu chuyện.

“Thủ phạm” chứng khoán

Thị trường chứng khoán toàn cầu đã chao đảo mạnh khi những thông tin về các vụ giải cứu các tổ chức tài chính và ngân hàng xuất hiện nhan nhản trên các phương tiện truyền thông.

Khi giá dầu bắt đầu giảm, các nhà đầu cơ phải nộp thêm tiền ký quỹ cho sở giao dịch để giữ hợp đồng. Nhưng đúng lúc này, tất cả các danh mục đầu tư của giới đầu tư cùng đồng loạt co lại vì mọi các thị trường cùng đi xuống. Do đó, các nhà đầu cơ dầu lửa giá lên buộc lòng phải phải bán ra hợp đồng.

Mặt khác, do để đầu tư vào thị trường hàng hoá, trong đó có dầu, giới đầu tư đều vay nợ nhiều và chỉ thực sở hữu một phần giá trị khối lượng dầu mà họ mua, nên khi thua lỗ, các nhà đầu cơ phải xoay sở mọi cách để trả nợ. Giá dầu càng giảm, giới đầu cơ càng phải bán ra mạnh để bù đắp những thua lỗ này hoặc để cắt lỗ, vì cùng lúc, các danh mục đầu tư khác của họ cũng trượt dốc theo.

Khi sự sụt giảm trên tất cả các thị trường vượt quá tầm kiểm soát, nhà đầu tư nào cũng muốn làm một việc duy nhất: thanh lý tất cả các hợp đồng. Thua lỗ trên thị trường chứng khoán thậm chí còn buộc cả những nhà đầu tư có danh mục đa dạng và muốn giữ các hợp đồng hàng hoá đầu cơ giá lên để đề phòng lạm phát cũng phải bán ra những hợp đồng này.

Có nhà quan sát ví von, cuộc khủng hoảng tài chính là mồi lửa, còn những nỗ lực bán ra để bù lỗ là nguồn xăng tiếp cho mồi lửa này. Một phản ứng dây chuyền đã xảy ra khi giới đầu tư trên thị trường dầu chứng kiến tiền của họ biến mất trong danh mục đầu tư “vàng đen” và tất cả các danh mục khác.

Vấn đề cung - cầu?

Với sự xuất hiện của khủng hoảng tín dụng, các ngân hàng thắt chặt cho vay, khiến những nhà đầu tư lớn quan tâm tới  việc giữ các hợp đồng đầu cơ giá lên cũng không thể huy động được vốn để nộp tiền ký quỹ.

Thậm chí cả các ngân hàng đầu tư cũng thực hiện bán ra các hợp đồng dầu lửa kỳ hạn để thoát nợ. Sự đổ vỡ của các tổ chức tài chính lớn cũng đóng góp trực tiếp vào sự trượt dốc của giá dầu.

Trong những năm gần đây, nhiều quỹ giao dịch hàng hoá của một số ngân hàng lớn như quỹ Phibro của Citigroup đã “gặt hái” lớn từ hoạt động đầu tư trên thị trường hàng hoá. Điều này cho thấy, các ngân hàng chính là những tổ chức đầu cơ dầu giá lên và có thể chính họ đã góp phần tạo ra giá dầu cao.

Tuy nhiên, với sự đổ vỡ của những ngân hàng này, cùng với việc giá dầu vốn đã giảm, các ngân hàng buộc phải thanh lý các hợp đồng này, khiến giá dầu càng giảm sâu hơn.

Mặt khác, trước đây, giá dầu có thể đã tăng vì nỗi lo ngại lạm phát và nhu cầu dầu gia tăng của thế giới, thì nay, giá dầu giảm cũng vì nỗi sợ hãi về sự hãm phanh đột ngột của kinh tế toàn cầu. Tựu chung, cơ chế của sự sụt giảm giá dầu này vẫn là hoạt động bán tháo ồ ạt của  giới đầu cơ.

Ai đó có thể đặt câu hỏi: Vậy vấn đề cung cầu đóng vai trò gì đối với sự sụt giảm của giá dầu? Câu trả lời cho câu hỏi này có thể chỉ có ở trong những cuốn sách giáo khoa về kinh tế.

Có lẽ cuộc khủng hoảng tín dụng sẽ phần nào làm giảm nhu cầu dầu của thế giới ở một mức độ nào đó, nhưng không đủ sức để khiến giá dầu giảm quá nửa như vậy. Đúng là suy thoái đang gõ cửa kinh tế thế giới, và thực tế này có thể khiến giá dầu còn giảm sâu hơn, nhưng nỗi lo ngại này không phải là toàn  bộ câu chuyện phía sau sự sụt giảm của giá dầu.

Tới đây, cần ghi chú thêm rằng, không phải vì kinh tế thế giới thịnh vượng mà giá dầu tăng gấp đôi trong vòng một năm, để đạt mức đỉnh 147,27 USD/thùng ngày 11/7 vừa qua.

Theo Kiều Oanh
Vneconomy/Time

MỚI - NÓNG