Nhận diện tạp chí dỏm thế nào?

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Hội đồng Giáo sư Nhà nước vừa có văn bản khuyến cáo các Hội đồng Giáo sư cơ sở, Hội đồng Giáo sư ngành/liên ngành về xem xét về mặt chuyên môn, học thuật, tính liêm chính khoa học trong các công trình khoa học của ứng viên. Vậy làm thế nào để nhận biết được các tạp chí kém chất lượng, tạp chí lừa đảo, tạp chí săn mồi?

TS Dương Tú, ĐH Purdue, Mỹ là người có nhiều kinh nghiệm trong việc “nhận diện” chất lượng các tạp chí khoa học trên thế giới hiện nay đã đưa ra một số gợi ý quan trọng có thể giúp Hội đồng Giáo sư (GS) các cấp có cái nhìn toàn diện hơn.

Nhận diện tạp chí dỏm thế nào? ảnh 1

Ảnh: Minh họa

Theo TS Dương Tú, tạp chí kém chất lượng có thể được hiểu là: tạp chí chính thống, của nhà xuất bản đáng tin cậy, có quy trình bình duyệt nghiêm túc, nhưng chất lượng các bài báo thấp; tạp chí săn mồi truyền thống (tạp chí của nhà xuất bản không đáng tin cậy, không có bình duyệt hoặc chỉ bình duyệt qua loa, ai gửi gì cũng nhận đăng để thu phí đăng bài); tạp chí mạo danh (tạp chí giả mạo danh tính và những thông tin nhận diện khác của các tạp chí chính thống nhằm lừa đảo, thu tiền đăng bài từ các nhà nghiên cứu).

Với mỗi loại tạp chí, cách nhận diện và độ khó trong nhận diện không giống nhau.

Theo TS Dương Tú, nhận diện tạp chí giả mạo, lừa đảo, săn mồi, kém chất lượng là một kỹ năng.

Giống như bất kỳ kỹ năng nào khác, kỹ năng nhận diện tạp chí giả mạo, săn mồi chỉ có được thông qua đào tạo, thực hành, rèn luyện và tích lũy kinh nghiệm thực tế. Mặc dù các tạp chí lừa đảo, săn mồi luôn thay đổi theo hướng ngày càng trở nên tinh vi, khó phân biệt với các tạp chí uy tín hơn, những người được đào tạo, thường xuyên thực hành không gặp quá nhiều khó khăn trong việc nhận diện, phân biệt giữa tạp chí thật và tạp chí rởm.

Trước đây, để kiểm tra một tạp chí có thuộc loại săn mồi hay không, nhiều người thường tìm đến danh sách tạp chí săn mồi của Jeffrey Beall, một chuyên gia từng làm việc lâu năm tại thư viện ĐH Colorado Denver (Mỹ), hiện đã nghỉ hưu. Tuy nhiên, danh sách này bị phê phán là không hoàn toàn minh bạch và bất thiên vị, cũng đã không còn được Jeffrey Beall cập nhật từ năm 2017.

Thay thế danh sách của Beall là Danh mục Tạp chí Săn mồi của Cabells (Cabells Predatory Reports), hiện là cơ sở dữ liệu lớn nhất thế giới về các tạp chí săn mồi và lừa đảo, bao gồm hơn 15 ngàn tạp chí.

Tuy nhiên, danh mục này lại không cho phép truy cập tự do mà cá nhân, đơn vị nào muốn truy cập phải mua bản quyền dữ liệu. Mới đây, Retraction Watch, trang thông tin quen thuộc với giới nghiên cứu, vừa ra mắt danh mục cảnh báo tạp chí mạo danh mang tên Retraction Watch Hijacked Journal Checker mà báo Tiền Phong đã giới thiệu.

Danh mục cảnh báo của Retraction Watch bao gồm nhiều tạp chí mạo danh quen thuộc (như TURCOMAT, Psychology and Education, Turkish Journal of Physiotherapy and Rehabilitation, Multicultural Education, Linguistica Antverpiensia) mà không ít ứng viên GS, PGS và tác giả Việt Nam đăng bài. Ngoài ra, còn một số nguồn đáng tin cậy hướng dẫn cách nhận diện tạp chí săn mồi, tiêu biểu là trang web Think. Check. Submit.

7 loại tạp chí

Tháng 3 vừa qua, InterAcademy Partnership (IAP), mạng lưới liên minh hơn 140 viện hàn lâm khoa học, kỹ thuật và y học hàng đầu thế giới , đã công bố báo cáo kết quả khảo sát lớn nhất thế giới về xuất bản săn mồi với nhiều thông tin giá trị.

Đây là thành quả từ dự án nghiên cứu kéo dài 2 năm của Liên minh các Viện Hàn lâm toàn cầu nhằm mục đích tăng cường hiểu biết về hoạt động xuất bản săn mồi, xác định nguyên nhân gốc rễ và đề xuất giải pháp phòng chống vấn nạn tạp chí và hội thảo săn mồi. Trong báo cáo này, thay vì phân loại các tạp chí một cách giản đơn thành hai nhóm thật và rởm, IAP đề xuất một phổ tạp chí đa dạng hơn, bao gồm 7 loại tạp chí dựa trên nhiều đặc điểm nhận diện.

Cụ thể, loại thứ nhất là tạp chí lừa đảo (fraudulent journals): điển hình là các tạp chí mạo danh, giả mạo tên, mã ISSN và những thông tin nhận diện khác của các tạp chí chính thống nhằm đánh lừa các nhà nghiên cứu để thu tiền đăng bài. Danh mục cảnh báo của Retraction Watch mà báo Tiền Phong đã giới thiệu hiện bao gồm hơn 150 tạp chí mạo danh loại này và thường xuyên được cập nhật. TS Dương Tú cho hay trường hợp tai tiếng nhất là nhà xuất bản OMICS, từng bị tòa án liên bang Mỹ phạt hơn 50 triệu USD vì tội lừa đảo hàng ngàn tác giả đăng bài trên các tạp chí và tham dự các hội thảo của OMICS.

Thứ hai là tạp chí gian dối (deceptive journals): một số đặc điểm nhận diện điển hình bao gồm cung cấp thông tin sai lệch hoặc gây nhầm lẫn về phí đăng bài, nói dối rằng tạp chí được đánh chỉ mục trong các cơ sở dữ liệu đáng tin cậy, ngụy tạo chỉ số ảnh hưởng và danh sách thành viên ban biên tập, không minh bạch về địa chỉ nhà xuất bản và chủ sở hữu tạp chí.

Thứ ba là tạp chí chất lượng thấp đến mức không thể chấp nhận (unacceptable low-quality journal): đây là loại tạp chí đặt mục tiêu kiếm tiền lên trên sứ mệnh phục vụ khoa học. Một số tiêu chí nhận diện: quy trình bình duyệt qua loa; không tiến hành điều tra khi nhận được tố cáo gian lận, lừa đảo trong các bài báo mà tạp chí công bố; thiếu thông tin liên lạc chi tiết của ban biên tập; các bài báo công bố không được đánh chỉ mục trong các cơ sở dữ liệu đáng tin cậy.

Tiếp theo là tạp chí chất lượng thấp (low-quality journals): loại tạp chí này tuy chưa đến mức lừa đảo, gian dối nhưng gây quan ngại với những biểu hiện như mời chào, nài nỉ các tác giả đăng bài bừa bãi, dai dẳng; trang web tạp chí có những tuyên bố mâu thuẫn hoặc chất lượng thấp (thiếu thông tin, các liên kết không hoạt động, định dạng tồi tệ, nhiều lỗi chính tả và ngữ pháp, nhiều quảng cáo…); thiếu thông tin minh bạch về chính sách xuất bản.

Tiếp đến là tạp chí chất lượng thấp nhưng có thiện chí và triển vọng (well-intentioned, promising low-quality journals): loại tạp chí này có một số dấu hiệu của tạp chí chất lượng thấp nhưng nỗ lực thay đổi để nâng cao chất lượng. Các tạp chí này không phải lựa chọn tốt nhất để đăng bài, và các tác giả cần thận trọng khi gửi bài.

Thứ 6 là tạp chí chất lượng đáng nghi vấn (questionable quality journals): loại tạp chí hứa hẹn bình duyệt và đăng bài nhanh nhằm cạnh tranh, thu hút các tác giả gửi bài. Theo IAP, việc cạnh tranh về tốc độ đăng bài có thể khiến quá trình bình duyệt và biên tập các bài báo trở nên qua loa, ít quan tâm đến chất lượng và công bố những bài báo không đạt chuẩn.

Cuối cùng là tạp chí chất lượng: các đặc điểm nhận diện nổi bật gồm quy trình bình duyệt kỹ lưỡng; ban biên tập gồm nhiều nhà khoa học uy tín; có hệ thống chặt chẽ để đảm bảo liêm chính nghiên cứu; minh bạch về phí xuất bản; đôi khi có sai sót trong hoạt động nhưng kịp thời sửa chữa khi nhận được góp ý, phê bình.

MỚI - NÓNG
Lốc xoáy làm lật thuyền, hai người mất tích
Lốc xoáy làm lật thuyền, hai người mất tích
TPO - Vào tối 17/4, trên địa bàn huyện Sìn Hồ (Lai Châu), do ảnh hưởng của mưa lớn kèm gió lốc lật thuyền, hai người mất tích. Mưa lớn kèm gió lốc cũng gây thiệt hại hơn 1 tỷ đồng đến tài sản của Nhà nước và nhân dân.