Nhận diện chân tướng Thời Báo Hoàn Cầu

Nhận diện chân tướng Thời Báo Hoàn Cầu
Chân tướng của Thời Báo Hoàn Cầu đang bị các chuyên gia nước ngoài và một số học giả Trung Quốc vạch trần, như một công cụ kinh doanh chủ nghĩa dân tộc của người dân Trung Quốc...

Thời Báo Hoàn Cầu được thành lập ngày 1-3-1993, có hai sản phẩm là báo giấy và điện tử bằng tiếng Trung (huanqiu.com) và tiếng Anh (Global Times) với nội dung tương tự nhau. Đây là tờ báo đứng thứ ba ở Trung Quốc với 2,4 triệu người đọc báo in mỗi ngày và 10 triệu lượt độc giả đọc báo mạng.

Trụ sở của Thời Báo Hoàn Cầu nằm trong tổng hành dinh của Nhân Dân Nhật Báo. Tổng biên tập tờ báo Hồ Tích Tiến từng học về đối ngoại quốc phòng ở Nam Kinh và có bằng thạc sĩ văn học Nga của Đại học Bắc Kinh. Từng là phóng viên chiến trường và chuyên viết xã luận.

Thời Báo Hoàn Cầu là ai?

Ngay từ năm 2011, tạp chí Foreign Policy của Mỹ số tháng 10-2011 đã dẫn lời nhà bình luận Michael An Thế, người Mỹ gốc Trung Quốc, cho rằng “Thời Báo Hoàn Cầu lấy chủ nghĩa dân tộc làm mốc định vị trên thị trường để thu lợi nhuận”.

An Thế còn so sánh Thời Báo Hoàn Cầu không khác gì các báo lá cải của trùm truyền thông Mỹ Rupert Murdoch và về cơ bản giống Đài truyền hình Fox News của Mỹ trong chuyện bảo vệ các quan điểm bảo thủ và thành kiến chính trị.

Chuyên gia về báo chí Trung Quốc Jeremy Goldkorn - người sáng lập trang báo mạng Danwei.org ở Mỹ, trang mạng chuyên điểm tin về Trung Quốc - phân tích phong cách gây hấn trong các bài xã luận của Thời Báo Hoàn Cầu là sản phẩm của hai xu hướng: Thứ nhất là cổ xúy cho chủ nghĩa dân tộc.

Thứ hai là do tính chất cấp bách phải tìm kiếm lợi nhuận từ số báo phát hành và quảng cáo vì chính phủ đã cắt giảm ngân sách bao cấp cho báo chí. Ông Hồ Tích Tiến đã tận dụng triệt để hai xu hướng này.

Không chỉ giới học giả Hoa kiều, một số học giả Trung Quốc cũng đang dần nhận ra bản chất của Thời Báo Hoàn Cầu. Học giả Lý Lệnh Hoa, cựu thành viên Trung tâm Tin tức hải dương Trung Quốc, trong một bài viết đăng trên blog cá nhân ngày 16-8 với nhan đề “Không thể lấy đường chín đoạn để bàn chuyện Nam Hải (tức biển Đông)”, ông đã phản bác một bài viết trên tờ Thời Báo Hoàn Cầu cho rằng “những khu vực thuộc đường chín đoạn là của Trung Quốc, hải quân Trung Quốc phụ trách”.

Ông Lý Lệnh Hoa chỉ trích bài viết đã thể hiện thái độ vô trách nhiệm, lý luận vô lối và gây hại nghiêm trọng cho việc giải quyết vấn đề trên biển Đông. Các bài viết dạng này chẳng giải quyết được gì mà chỉ “làm loạn đất nước thêm”.

Báo Asia Sentinel của Hong Kong từng đăng bài viết so sánh Thời Báo Hoàn Cầu như “cái máy ủi về chính sách đối ngoại của Trung Quốc”. Báo phân tích ngoài mục đích lợi nhuận, Thời Báo Hoàn Cầu còn đóng vai trò như van xả an toàn, cho phép những dồn nén của chủ nghĩa dân tộc cực đoan có nơi để giải tỏa.

Tạp chí Nhân Vật của Trung Quốc từng dẫn lời trưởng ban xã luận của Thời Báo Hoàn Cầu Vương Văn thừa nhận: “Thời Báo Hoàn Cầu bán chạy nhờ thúc đẩy và cổ xúy chủ nghĩa dân tộc”.

Thời Báo Hoàn Cầu viết như thế nào?

Chỉ trong vòng không đầy hai tháng, từ tháng 6 đến tháng 7-2012, người Trung Quốc đã bị nhồi nhét bình quân hơn 10 bài báo về vấn đề tranh chấp biển đảo giữa Trung Quốc với các nước xung quanh theo một góc nhìn hiếu chiến, xuyên tạc của Thời Báo Hoàn Cầu.

Từ tháng 4 đến nay, Trung Quốc liên tục có những hành động khiêu khích trên biển Đông. Căng thẳng leo thang khởi sự từ sự kiện tàu Trung Quốc và tàu Philippines đối đầu ở bãi cạn Scarborough. Thời gian này, Thời Báo Hoàn Cầu liên tục đăng tải phỏng vấn, bài xã luận để chứng minh “Trung Quốc chỉ là kẻ bị hại và bị ức hiếp”.

Bằng giọng điệu “tôi là người vô tội, các người đừng chèn ép tôi nữa”, Thời Báo Hoàn Cầu đã xuyên tạc sự thật, kích động chủ nghĩa dân tộc của người dân Trung Quốc, hướng dư luận đến một quan điểm sai lệch là “người bị hại”.

Trong bài phỏng vấn về tình hình biển Đông đăng ngày 28-6, Thời Báo Hoàn Cầu lại dẫn lời cựu thiếu tướng hải quân Trung Quốc Trịnh Minh cáo buộc Philippines “vì tham tài nguyên biển mà đâm đầu vào tranh chấp với Trung Quốc ở biển Đông”. Liên tục những ngày sau đó, báo này hết đe nẹt Philippines rồi kể khổ với công chúng rằng “lãnh thổ cố hữu và lịch sử” của mình đã bị Philippines xâm chiếm.

Cũng trong vấn đề biển Đông, Trung Quốc đã có hàng loạt hành động gây hấn, khiêu khích như thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa”, đưa quân đến đồn trú ở đây, xua tàu cá cùng tàu hải giám, tàu ngư chính xuống biển Đông, gọi thầu trong thềm lục địa Việt Nam...

Thế nhưng, Thời Báo Hoàn Cầu đã viết gì? Ngày 3-7-2012, báo này đăng bài của Chu Mã Liệt với giọng điệu xuyên tạc và bịa đặt cho rằng “Việt Nam xâm chiếm lãnh thổ Nam Hải của Trung Quốc nhiều nhất, tới 29 đảo và bãi đá”. Bên dưới là hàng loạt tít phụ như “Đánh người, bắt thuyền, cướp của, lấy cá”, “Lợi dụng cháy nhà hôi của”...

Trong khi Trung Quốc gây hấn, lấn chiếm trên biển Đông thì Thời Báo Hoàn Cầu luôn rêu rao Trung Quốc là bị hại, một nước mạnh bị một nước yếu đe dọa! Bài báo đưa tin tàu cá Trung Quốc thường xuyên bị các tàu chiến Việt Nam truy đuổi, phun vòi rồng, bắn chỉ thiên xua đuổi. Song, hình ảnh vệ tinh từ Nhật Bản hay thậm chí do Trung Quốc cung cấp thì ngược lại!

Trong những bài báo khác, Thời Báo Hoàn Cầu còn đưa ra thống kê lượng dầu mỏ đang có ở vùng biển quần đảo Trường Sa và lu loa lên rằng các nước trong khu vực đang “hút dầu của Trung Quốc” để ngụy biện cho việc Trung Quốc kêu mời thầu chín lô dầu khí trong thềm lục địa Việt Nam ngày 13-6. Để rồi bằng giọng điệu hiếu chiến, báo này đã kêu gọi quyết chiến ở biển Đông vì cho rằng “hiện nay Trung Quốc có tiền, có súng, có thị trường và tình hình tất sẽ phát triển theo hướng khó tránh khỏi xung đột”.

Cứ như thế, tờ báo này luôn chơi trò tung hứng với những luận điệu kích động chủ nghĩa dân tộc trong nước bằng cách xuyên tạc sự thật.

Theo Mỹ Loan
Tuổi Trẻ

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.