Nhận diện các thế hệ máy bay chiến đấu trong tương lai thế nào?

0:00 / 0:00
0:00
Được tích hợp nhiều công nghệ thông minh, tàng hình, siêu thanh - đây là một số yêu cầu chính đối với máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm.

Khi tạo ra máy bay chiến đấu Su-57, Cục thiết kế Sukhoi phải áp dụng hàng chục, thậm chí hàng trăm giải pháp kỹ thuật tiên tiến nhất. Kết quả của quá trình này là thế hệ máy bay chiến đấu này có thể mô phỏng và có những điều chỉnh phù hợp với phi công; khó bị phát hiện bởi sóng vô tuyến, hồng ngoại, quang học và âm thanh. Nó có 70% kết cấu được làm từ vật liệu tổng hợp composite và trang bị tiên tiến hỗ trợ phi công kháng áp và hoạt động trong môi trường phức tạp cao.

Tất cả những công nghệ và giải pháp mới trên không chỉ quyết định hình thức của cỗ máy mới, mà còn hình thành các tiêu chí của thế hệ máy bay quân sự thứ 5. Chúng sẽ trở thành cơ sở cho sự phát triển của dòng máy bay mới trong tương lai.

Điều gì nên được coi là tiêu chí để đánh giá máy bay chiến đấu được phân loại thuộc thế hệ thứ 4, thứ 5 hoặc thậm chí thứ 6?

Su-57 theo truyền thống được gọi là máy bay chiến đấu thế hệ mới. Nhưng điều gì nên được coi là tiêu chí để đánh giá máy bay chiến đấu được phân loại thuộc thế hệ thứ 4, thứ 5 hoặc thậm chí thứ 6? Mikhail Strelets, Phó tổng công trình sư Hàng không quân sự của Tập đoàn Chế tạo hàng không hợp nhất LB Nga, Giám đốc Cục thiết kế Sukhoi, Nhà thiết kế chính của Su-57 cho biết: “Tất nhiên, việc phân chia thành các thế hệ như vậy chưa có quy chuẩn thống nhất. Mỗi quốc gia có những tiêu chí riêng phân loại thế hệ của máy bay quân sự. Nhưng có thể chỉ ra những đặc điểm chung giúp phân biệt máy bay thuộc thế hệ này hay thế hệ khác”.

Nếu chúng ta nói về máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5, thì đặc điểm nổi bật của chúng là khả năng bay hành trình siêu âm không cần đốt tăng lực. Đặc điểm quan trọng thứ hai là các yêu cầu về khả năng bộc lộ thấp trước radar, hồng ngoại, quang học và âm thanh thấp hơn so với các dòng máy bay thế hệ trước.

Ông Mikhail Strelets cho biết: “Ngoài ra, máy bay thế hệ thứ 5 phải tuân theo các yêu cầu liên quan đến tổ hợp thiết bị trên máy bay. Nó được xây dựng trên nguyên tắc kiến trúc mở và cho phép bạn thực hiện nguyên tắc mô đun hóa trong việc xây dựng hệ thống điện tử hàng không. Ngoài ra, máy bay thế hệ mới cũng phải có khả năng tự động hóa cao và trợ lý thông minh hỗ trợ phi công. Hệ thống cảm biến trên không đa kênh cung cấp cho phi công nhận thức tình huống chiến đấu nhanh nhạy và chính xác. Thực tế, máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 là một thành phần trong hệ thống tác chiến lấy mạng làm trung tâm và hệ thống quản lý lực lượng tác chiến hợp nhất.

Nhận diện các thế hệ máy bay chiến đấu trong tương lai thế nào? ảnh 1
Nhiều thông tin về quá trình phát triển máy bay chiến đấu thế hệ 5 tiên tiến Su-57 của Nga đã được hé lộ.

Mỗi máy bay chiến đấu đều có đặc điểm riêng

Tuy nhiên, khi tạo ra một chiếc máy bay mới, cũng có những yêu cầu cụ thể. Ông Mikhail Strelets cho biết: “Điều đầu tiên phân biệt Su-57 với tất cả các dòng máy bay thế hệ thứ 5 trên thế giới là tính đa năng. Máy bay chiến đấu của chúng tôi được thiết kế để giải quyết cả nhiệm vụ của máy bay chiến đấu giành ưu thế trên không và khả năng tấn công không đối đất đặc trưng của máy bay cường kích”.

Ví dụ, nếu chúng ta so sánh Su-57 với F-22 Raptor, thì máy bay của Mỹ đầu tiên chỉ được thiết kế với nhiệm vụ giành ưu thế trên không. Dải nhiệm vụ này chiếm khoảng 90% tùy chọn trang bị trên máy bay. Trong khi đó, một máy bay chiến đấu thế thứ 5 khác của Mỹ là F-35 Lightning II lại được tạo ra như một máy bay tiêm kích chiến thuật với trọng tâm là các nhiệm vụ tấn công mặt đất. Tất nhiên, cả 2 dòng máy bay đều có thể thực hiện lẫn nhiệm vụ của nhau ở mức độ hạn chế.

Để so sánh với Su-57, khả năng đa nhiệm được phân bổ đồng đều hơn. Máy bay có khả năng giải quyết các nhiệm vụ tiêm kích và tấn công tương đương nhau.

Sự khác biệt thứ hai nằm ở việc máy bay F-22 thiên về nhiệm vụ tác chiến không đối không ngoài tầm nhìn. Do đó, các yêu cầu về khả năng tàng hình và các khoang chứa vũ khí trong thân máy bay trở thành ưu tiên hàng đầu.

Còn đối với Su-57, thiết kế đáp ứng cho máy bay chiến đấu tốt ở cả trong tầm nhìn và ngoài tầm nhìn. “Chúng tôi đã cố gắng tối ưu thiết kế để máy bay có khả năng tàng hình tạo lợi thế trong không chiến tầm xa, nhưng đồng thời có hệ thống khí động học giúp máy bay linh hoạt trong không chiến quần vòng. Kết quả là một máy bay thế hệ thứ năm, nhưng lại có khả năng nhanh nhẹ và linh động trên không như dòng máy bay thế hệ thứ tư tốt nhất”, ông Mikhail Strelets nói.

Thiết kế với những đặc điểm tối ưu cho tàng hình

Chính vẻ ngoài của Su-57 đã phân biệt hoàn toàn chiếc máy bay này với các dòng máy bay thế hệ thứ 4. Nó được phát triển có tính đến các yêu cầu về giảm bộc lộ tín hiệu và khó bị nhận biết hay còn gọi cách khác là công nghệ tàng hình. Ông Mikhail Strelets giải thích: “Không giống như các máy bay thế hệ cũ, khung thân của máy bay Su-57 ban đầu được thiết kế để đáp ứng các yêu cầu tàng hình. Do đó, nó có hình dạng đặc trưng với các cạnh dốc, các cạnh song song...”.

Ngoài ra, để đảm bảo khả năng tàng hình của Su-57, vũ khí hàng không được đặt trong các khoang kín bên trong thân máy bay. Điều này cũng đòi hỏi một cách tiếp cận đặc biệt đối với thiết kế của máy bay chiến đấu. Giám đốc Tập đoàn Sukhoi nhấn mạnh: “Một trong những công nghệ quan trọng phải được thực hiện là tạo ra thân máy bay với những khoang rộng để chứa vũ khí với tối đa tải trọng. Đây là một điều khá độc đáo. Điều này chưa bao giờ xuất hiện trên các máy bay cùng thế hệ của nước ngoài”.

Thiết kế khí động học của Su-57 cũng rất độc đáo và chưa từng được sử dụng trên bất kỳ máy bay nào trước đây. Ví dụ, phần cánh trước được tích hợp vào thân máy bay. Ông Mikhail Strelets giải thích: “Hệ thống cánh tích hợp này giúp máy bay bay ổn định và giữ kiểm soát tốt ở các góc tấn lớn. Đồng thời, nó được hòa nhập hệ thống khí động chung của máy bay để tối ưu tốt nhất các đặc tính khí động học của phương tiện”.

Kim loại/vật liệu tổng hợp

Cần đặc biệt đề cập đến các vật liệu được sử dụng trong thiết kế của Su-57. Máy bay vẫn sử dụng các hợp kim truyền thống, nhưng đã có thêm nhiều thay đổi đáng chú ý. Ví dụ, khung thân máy bay Su-57 có ít bộ phận hơn 4 lần so với máy bay Su-27. Điều này đạt được trước hết là nhờ thiết kế tối ưu và hệ thống gia công chính xác cao. Các cấu kiện nhỏ cấu thành nên tấm lớn bằng ốc vít được lược bớt. Ông Andrey Filatov, Trưởng phòng Nghiên cứu Vật liệu và Công nghệ, Tập đoàn Sukhoi cho biết: “Điều này giúp đơn giản hóa đáng kể thiết kế. Theo các chuyên gia sản xuất, việc lắp ráp máy bay đã trở nên dễ dàng hơn nhiều vì các bộ phận lớn phù hợp với quá trình gia công tổng đoạn. Nếu chúng ta nói về bộ khung của Su-57, thì khoảng 70% diện tích được tạo thành từ vật liệu composite. Chính vật liệu tổng hợp đã cho phép tạo ra các kết cấu lớn liền mạch, đồng thời giảm số lượng ốc vít và số lượng các cấu kiện nhỏ như trên máy bay thế hệ cũ. Tuy nhiên, vật liệu mới cũng cần phương án lắp ráp mới và hệ thống máy móc bổ sung”.

Mối quan hệ chặt chẽ giữa Phòng thiết kế Sukhoi và các nhà sản xuất composite, được phát triển trong các dự án trước đó, đã góp phần vào việc giới thiệu rộng rãi vật liệu composite. “Ví dụ, chúng tôi từng hợp tác tốt với NPP Technologiya ở Obninsk”, ông Andrey Filatov nhớ lại. “Đối với Su-57, họ phải làm chủ việc sản xuất nhiều thành phần sử dụng vật liệu mới”.

Mặt khác, theo Andrey Filatov, khi sử dụng vật liệu composite, các nhà thiết kế của có cơ hội kiểm soát các đặc tính của các bộ phận bằng cách thay đổi các đặc tính của vật liệu composite. “Điểm đặc biệt là bạn có thể đặt tất cả vật liệu theo một hướng hoặc bạn có thể sửa tấm vật liệu thành góc vuông hay 45 độ”, Andrey Filatov giải thích: “Sự kết hợp của thành phần vật liệu này quyết định các thuộc tính cuối cùng của bộ phận. Tuy nhiên, vật liệu composite chỉ có một nhược điểm đáng kể là giá thành đắt hơn vật liệu kim loại”.

Trước khi đưa các bộ phận làm bằng vật liệu composite vào sản xuất hàng loạt, một số lượng lớn các mẫu có kích cỡ thật của chúng đã được thử nghiệm. Chỉ khi chúng đạt chất lượng tốt nhất, đơn vị gia công mới thực hiện sản xuất quy mô lớn.

Nhận diện các thế hệ máy bay chiến đấu trong tương lai thế nào? ảnh 2
Gia công tổng đoạn và giảm các chi tiết nhỏ là một trong những điểm đặc biệt của máy bay chiến đấu Su-57.

Khả năng tàng hình luôn được ưu tiên

Trong quá trình lắp ráp vỏ của máy bay Su-57, sự chính xác cần được đề cao vì một nguyên nhân quan trọng. Ông Mikhail Strelets giải thích: “Chất lượng của bề mặt ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng tàng hình của máy bay”.

Theo giám đốc của Cục thiết kế Sukhoi, những điều này bao gồm việc sử dụng các vật liệu hấp thụ và phản xạ vô tuyến đặc biệt. Vật liệu che chắn cũng được sử dụng, đặc biệt là các khoang chứa cảm biến và radar. “Ví dụ, tất cả các thiết bị trên khoang máy bay đều được thiết kế để đáp ứng các yêu cầu về hạn chế bộc lộ tín hiệu radar”-Mikhail Strelets chỉ định: “Để giảm khả năng hiển thị tín hiệu hồng ngoại, một số biện pháp cũng đã được thực hiện. Ví dụ, việc che chắn khí thải động cơ được cung cấp bằng cách thổi qua bộ trao đổi nhiệt của thiết bị trên máy bay”.

Cũng có những yêu cầu để giảm khả năng hiển thị quang học. Điều này được thực hiện nhờ vào các sơn màu sắc đặc biệt lên vỏ máy bay. Lãnh đạo Tập đoàn Sukhoi giải thích: “Cũng có những yêu cầu để giảm các đặc tính âm thanh. Ví dụ, nếu chúng ta so sánh các chuyến bay của Su-30SM, Su-35 và Su-57, thì Su-35 và Su-57 bay im lặng hơn nhiều”.

3 trong 1

Su-57 là máy bay chiến đấu chức năng. Việc tăng số lượng nhiệm vụ dẫn tới tăng thao tác và nhận biết tình huống cho phi công. Khi bắt đầu thực hiện dự án, Sukhoi đã tính toán đùa rằng ít nhất ba người ở trên máy bay chiến đấu một chỗ ngồi thế hệ thứ 5: Một người là phi công, người thứ hai là người hoa tiêu, và người thứ ba phải là kỹ sư hàng không, nhưng điều đó đã không xảy ra.

Alexander Kornev, nhà thiết kế chính về công nghệ siêu máy tính, Tập đoàn Sukhoi cho biết: “Để hoàn thành nhiệm vụ chính, phi công cần phải được giải phóng khỏi các nhiệm vụ phụ hay thứ cấp. Sự kết hợp của tất cả các mô hình toán học cho phép chúng tôi xây dựng một hệ thống điều khiển kỹ thuật số theo cách giảm thiểu thao tác của phi công. Tuy nhiên, quyết định cuối cùng vẫn thuộc về phi công".

Hệ thống hỗ trợ điều khiển kỹ thuật số đã xuất hiện trên máy quân sự của Liên Xô và Nga từ lâu. Nó là một trong những hệ thống con nằm trên khoang máy bay. Nhưng mức độ và chiều sâu của các nhiệm vụ hệ thống điều khiển mới giải quyết tại mỗi thế hệ máy bay đều tăng dần lên và trở nên phức tạp hơn.

Vladimir Beketov, nhà thiết kế các hệ thống giải quyết nhiệm vụ của Sukhoi cho biết: “Khi chúng tôi tính toán tạo ra một chiếc máy bay đa chức năng một chỗ ngồi, nhiệm vụ tạo ra hệ thống điều khiển luôn được đặt lên hàng đầu. Chúng tôi đã thử nghiệm một số giải pháp này trên máy bay Su-30MKI và Su-35. Nhưng Su-57 đã trở thành đỉnh cao mà chúng ta có thể đạt được trong những năm gần đây. Hiển thị trước mặt phi công là các bảng, biểu kỹ thuật số. Mặc dù các cảm biến của chúng tôi là dạng analog, nhưng tín hiệu của chúng cũng được chuyển đổi thành kỹ thuật số. Và tất cả quá trình xử lý dữ liệu đều được số hóa”.

Do Su-57 là máy bay đa chức năng nên nó được trang bị một số lượng lớn các hệ thống chính và hệ thống phụ hoạt động ở nhiều dải tần số khác nhau. Các nhà phát triển phải giải quyết bài toán là quản lý toàn bộ các hệ thống này trên một hệ thống hợp nhất.

Ông Vladimir Beketov cho biết: “Rõ ràng là một người không thể nhận diện và thao tác với toàn bộ các hệ thống phức tạp như vậy. Một tay phải xử lý đa nhiệm, tay còn lại phải xử lý đa chế độ và đa hệ thống. Chúng tôi ngay lập tức quyết định rằng phi công trên Su-57 không nên là một phi công thông thường hay là một người điều khiển phương tiện chiến đấu. Anh ấy phải xử lý tình huống ở cấp độ đơn giản nhất”.

Tất nhiên, các nhà thiết kế có thể tự động hóa bất kỳ thành phần nào trong hành trình bay của Su-57. Nhưng đó sẽ là tất cả các giải pháp đã được lập trình sẵn. Một kẻ thù thông minh sẽ nhanh chóng nhận ra những giải pháp như vậy và tìm ra biện pháp đối phó hiệu quả nhanh chóng. Do đó, trong bất kỳ hệ thống trí tuệ nào được đưa vào dự án Su-57, luôn tồn tại yếu tố con người có thể đưa ra những quyết định bất ngờ để giành chiến thắng.

Nhận diện các thế hệ máy bay chiến đấu trong tương lai thế nào? ảnh 3

Máy bay thế hệ 5 không chỉ mạnh ở khả năng tàng hình, mà còn khả năng tích hợp với phi công thành một thể điều khiển hợp nhất.

Máy bay thông minh

Đôi khi bạn có thể nghe ý kiến cho rằng Su-57 sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo. Ông Vladimir Beketov không đồng ý với điều này: “Trí tuệ nhân tạo theo nghĩa cổ điển là một hệ thống có khả năng tự học, nhưng không có bất kỳ quy chuẩn nào của không quân quân sự để cung cấp dự liệu cho sự phát triển của các hệ thống tự học. Trong tất cả các hướng dẫn kiểm tra thiết bị hàng không đều có quy định nghiêm ngặt: Phải có cái gì đó, kiểm tra xem nó được thực hiện như thế nào và làm thế nào? Làm sao hệ thống tự học có thể tích lũy trong điều kiện như vậy khó khăn thứ hai là quá trình sản xuất hàng loạt. Chúng tôi sẽ đào tạo một hệ thống hoạt động có hiệu quả. Nhưng làm thế nào để đưa nó vào sản xuất hàng loạt? Do đó, chúng tôi không nói rằng Su-57 có trí thông minh nhân tạo, mà chúng tôi đang nói về khả năng trí tuệ hóa cao của cả hệ thống”.

Nhận diện các thế hệ máy bay chiến đấu trong tương lai thế nào? ảnh 4
Máy bay thế hệ thứ 5 không chỉ mạnh ở khả năng tàng hình, mà còn có khả năng "tích hợp" với phi công thành một thể điều khiển hợp nhất.

Mỗi phi công đều có Su-57 của riêng mình

Một mặt, máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 là một cỗ máy khá phức tạp. Nhưng mặt khác, một phi công được đào tạo ở mức trung bình có thể làm chủ và điều khiển được. Do đó, một số cấp độ tự động hóa đã được triển khai trên Su-57. Đối với những phi công ít được đào tạo nhất, máy bay có thể tự giải quyết mọi vấn đề ở mức độ chất lượng trung bình. Đối với trình độ phi công được đào tạo chuyên sâu hơn, có thể thay đổi các hệ thống phù hợp với đặc điểm nhiệm vụ cần thực hiện.

Do đó, ngay cả một phi công trung bình cũng có thể vận hành chiếc máy bay này với mức độ hiệu quả vừa đủ. Theo thời gian, anh ta sẽ có thể tăng cấp độ của mình và bắt đầu sử dụng tất cả các khả năng của Su-57 trong mọi tình huống chiến đấu.

Cách tiếp cận này rất quan trọng đối với những phi công đã từng lái các loại máy bay khác. Ông Vladimir Beketov giải thích: “Ngày nay, hệ thống đào tạo phi công tập trung vào giải quyết một số nhiệm vụ cụ thể: Máy bay chiến đấu, tấn công, đánh chặn. Đối với các phi công được đào tạo theo hệ thống như vậy, giải pháp cho các nhiệm vụ cụ thể đã có sẵn trong đầu. Nhưng trên Su-57, một người phải giải quyết tất cả các loại nhiệm vụ như vậy. Do đó, chúng tôi quyết định nâng một người lên trên cấp độ của từng nhiệm vụ riêng lẻ. Phi công phải là một chiến binh quyết định phải làm gì trong một tình huống nhất định, dựa trên những thông tin hiển thị trên bảng điều khiển. Trên Su-57, phi công nhìn thấy toàn bộ tình huống và bảng điều khiển cung cấp cho anh ta manh mối xác định. Do đó, phi công có nhiều tùy chọn và căn cứ trên lựa chọn của phi công, máy bay sẽ đưa ra phương hướng giải quyết phù hợp".

Thoải mái và an toàn

Su-57 nổi bật bởi khả năng cơ động và tốc độ bay cao. Nhưng những đặc điểm này cũng mang lại những vấn đề cho phi công: Anh ta phải chịu đựng tình trạng quá tải trọng trường lớn. Để tạo thuận lợi cho hoạt động của phi công, các biện pháp đặc biệt đã được thực hiện. Ví dụ, ghế trong buồng lái của Su-57 được đặt ở góc 22 độ. Điều này cũng giúp phi công dễ dàng chịu đựng tình trạng quá tải.

Ngoài ra, trang bị của phi công, được phát triển tại doanh nghiệp Zvezda mang tên G. I. Severina, có khả năng thực hiện các chức năng chống lại việc thay đổi trọng trường lên cơ thể phi công. Bộ đồ phi công dưới tác động của quá tải, sẽ nén một số bộ phận của cơ thể, ngăn máu chảy vào hoặc chảy ra. Bộ đồ của thế hệ trước bắt đầu phản ứng vào thời điểm xảy ra tình trạng quá tải.

Stanislav Rubanov, cựu chuyên gia về hệ thống thoát hiểm khẩn cấp phức hợp, Tập đoàn Sukhoi cho biết: “Bộ đồ mới đi trước xu hướng. Khi phi công vừa bắt đầu hành động, ra lệnh cho các cơ quan điều khiển của máy bay, bộ phận bù độ cao ngay lập tức bắt đầu hành động một cách chủ động”.

Ghế phóng của máy bay cũng được sửa đổi. Nó cung cấp khả năng cứu hộ trong tất cả các chế độ: Từ khi máy bay đỗ trên mặt đất, đến hành trình siêu thanh, cũng như trong mọi thao tác cho phép. Trước khi phóng, ghế tạo thành một vị trí đặc biệt cho phi công để bảo vệ anh ta khỏi tác động bên ngoài và rời khỏi máy bay một cách an toàn.

Phát triển khả năng thiết kế ứng dụng số hóa

Số hóa trong chương trình điều khiển của máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 thể hiện theo nhiều hướng khác nhau. Quá trình phát triển máy bay Su-57 đã thúc đẩy đáng kể sự phát triển của các mô hình kỹ thuật số.

Ông Alexander Kornev cho biết: “Kể từ khi bắt đầu dự án, hầu hết công việc được thực hiện bằng mô hình tính toán trên máy tính. Ban đầu, chúng tôi sử dụng phương pháp này để giảm số lỗi thiết kế có thể xảy ra và sau đó chúng tôi đã sử dụng nó trong quá trình thử nghiệm”.

Các mô hình kỹ thuật số đã được sử dụng để giải quyết nhiều vấn đề thiết kế. Ví dụ, do yêu cầu đa năng của Su-57, cần phải tạo ra hình dạng khung máy bay ban đầu. Ông Alexander Kornev nhớ lại: “Các mô hình tính toán kỹ thuật số giúp thử nghiệm một loạt các biến thể khác nhau của hình dạng máy bay. Hơn nữa, nếu thử nghiệm trong hầm gió sẽ mất 1-2 năm, thì trên siêu máy tính, chúng tôi đã tính toán mô hình như vậy chỉ mất khoảng một tuần đến một tháng”.

Ngoài ra, mô hình tính toán số hóa còn mang lại một lợi thế quan trọng khác: Một bức tranh hoàn chỉnh được hiển thị tại mỗi điểm của không gian hoặc bề mặt được nghiên cứu. Dữ liệu này được chứng minh là tài liệu quý giá để các kỹ sư đưa ra quyết định.

Nhờ những tiến bộ trong lĩnh vực mô hình số hóa, người ta đã có thể lập mô hình cho tất cả các hệ thống của một chiếc máy bay. Do đó, có thể áp dụng khái niệm cặp song sinh kỹ thuật số cho Su-57 - để tạo ra một mô hình kỹ thuật số tích hợp của toàn bộ máy bay.

Ông Alexander Kornev giải thích: “Một khái niệm như vậy giúp chúng ta có thể dự đoán cách một chiếc máy bay sẽ làm gì trong các tình huống khác nhau. Hoặc tìm nguyên nhân của những thất bại, nghiên cứu quá trình đó và dự đoán hậu quả. Đây là những mô hình số hóa khá phức tạp.

Tất nhiên, bản sao kỹ thuật số hóa trước hết là cần thiết để giúp các kỹ sư hiểu các quy trình phức tạp theo cách dễ dàng hơn. Nhưng cũng có những khó khăn kèm theo, đó là trình độ nhân sự và hàng loạt vấn đề khác.

Nhận diện các thế hệ máy bay chiến đấu trong tương lai thế nào? ảnh 5
Su-57 thực tế là sản phẩm đầu tiên để thực nghiệm hàng loạt công nghệ hàng không mới áp dụng trên các dòng máy bay chiến đấu tương lai.

Định hướng hiện tại và trong tương lai

Câu chuyện về các công nghệ và giải pháp mới được sử dụng trong chương trình máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 có thể được tiếp tục không có điểm dừng. Tất cả đều không phát sinh từ đầu, mà dựa trên kinh nghiệm, những phát triển trước đây của cả Tập đoàn Sukhoi và các nhà thầu tham gia dự án.

Và tất cả những công nghệ và sự phát triển này cũng sẽ tạo thành nền tảng cho các dự án khác trong tương lai. Tất nhiên, các tổ hợp hàng không mang tính cách mạng đều được tạo ra trên cơ sở dự trữ khoa học và kỹ thuật.

Ông Mikhail Strelets nhấn mạnh: “Không thể tạo ra bước nhảy vọt nếu không có những phát triển về công nghệ cho phép chúng tôi thực hiện các yêu cầu kỹ thuật ở tầm cao mới. Tất cả các phẩm chất mới đều dựa trên các giải pháp kỹ thuật, dựa trên nền tảng khoa học và kỹ thuật hiện có”.

Theo Quân đội Nhân dân
MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.