Nhân đạo với một con sói là giết chết cả bầy cừu

Nhân đạo với một con sói là giết chết cả bầy cừu
TP- Sau hàng loạt sự việc về môi trường như: Vedan, Miwon xả nước thải ra các sông, vụ tuồn rác thải y tế chưa qua xử lý ra cộng đồng... dư luận càng có cái nhìn nghiêm khắc hơn trong việc bảo vệ môi trường.

Chương trình Đối thoại trẻ số 10 (VTV6- Đài truyền hình Việt Nam) chủ đề Bảo vệ môi trường từ ý thức đến trách nhiệm đã giúp bạn trẻ có cái nhìn rõ nét và vào cuộc vì môi trường qua cuộc đối thoại giữa các khách mời.

Khách mời chương trình là TS Nguyễn Hữu Ninh- Người Việt Nam đầu tiên được xướng tên trong lễ trao giải Nobel vì hòa bình 2007, Hoàng Thanh Thuỷ- Đại sứ môi trường Bayer với TS Lê Thế Sơn- Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tài nguyên Môi trường - Bộ Tài nguyên Môi trường (Bộ TNMT), TSKH Nghiêm Vũ Khải- Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và môi trường của Quốc hội ( UB KHCN &MTQH)

Hình phạt hành động phá hủy môi trường còn quá nhẹ

Đó là khẳng định của TS Lê Thế Sơn - đại diện Bộ Tài nguyên - Môi trường khi được bạn Thanh Thủy “đối thoại”: Những người sống trong khu Thị Vải bị bệnh tật thì ai chịu trách nhiệm? Có thiên vị về lợi ích kinh tế và lợi ích xã hội hay không?

TS Lê Thế Sơn khẳng định, không có sự thiên vị nào. Dòng sông gắn với đời sống, sức khỏe, công việc của hàng nghìn người. Các cơ quan chuyên môn không phải không quyết liệt, tuy nhiên cần nêu cao ý thức của các doanh nghiệp và sửa lại các điều luật, khung xử phạt.

Hình thức xử phạt hành động phá hủy môi trường hiện nay còn quá nhẹ. “Nhân đạo với một con sói là vô nhân đạo với cả một bầy cừu” - TS Sơn nhấn mạnh.

Vedan xả nước thải chưa qua xử lý xuống sông Thị Vải trong một thời gian dài nhưng phải đến 14 năm sau mới phát hiện và ngăn chặn, thời gian buông lỏng trước đó đã kịp phá hủy một dòng sông, trách nhiệm trong thời gian buông lỏng đó  thuộc về ai? (Câu hỏi của bạn Linh, Thanh Hóa)

TS Lê Thế Sơn: Sự việc kể trên là bài học lớn cho ngành môi trường cũng như cho các Cty. Hiện, Vedan phải ngừng 3 nhà máy , các nhà máy khác chỉ hoạt động khoảng 30%-40% công suất, Vedan đang phải trả giá cho hành động của mình.

Hoàng Thanh Thủy: Nhưng tính đến thời điểm này Vedan vẫn đang xả nước thải xuống dòng sông Thị Vải, ông có chắc rằng đó là nước thải đã qua xử lý hay không?

TS Lê Thế Sơn: Tôi không chắc vấn đề này, cần phải nhờ các cơ quan chức năng kiểm tra mới có sự khẳng định chắc chắn. Nếu vẫn xả nước thải bẩn chưa qua xử lý, Vedan sẽ bị xử lý nghiêm khắc.

Khán giả trường quay: Cơ quan kiểm tra, thanh tra còn chưa làm chặt nên để xảy ra tình trạng này?

TS Nghiêm Vũ Khải: Chúng tôi đã có 3 lần đi giám sát tình trạng ô nhiễm môi trường ở sông Thị Vải, biết đó là dòng sông chết. Chính quyền địa phương biết nhưng còn dùng dằng, thỏa hiệp vì còn nhiều vấn đề như thuế, lao động, tiêu thụ sản phẩm… khi đình chỉ phải đối diện với nhiều vấn đề. Việc dùng dằng cũng là khuyết điểm, trách cơ sở gây nhiễm một thì phải trách trách nhiệm của cơ quan quản lý nhiều hơn.

Các cơ quan về môi trường vừa là người thẩm định, cấp phép vừa là người xử phạt, thiếu cơ chế đối trọng trong quản lý môi trường, có phải đó là nguyên nhân làm gia tăng vi phạm về môi trường?

TS Lê Thế Sơn cho rằng, ý kiến này có phần đúng phần sai vì cơ quan chức năng về môi trường có phê duyệt, thẩm tra, kiểm định nhưng bên cạnh đó còn có Cảnh sát môi trường và nhân dân, ngành Tài nguyên môi trường. Ngành Tài nguyên môi trường không thể “vừa đá bóng vừa thổi còi”.

Hoàng Thanh Thủy: Việc thanh tra có vấn đề hay không?

TS Lê Thế Sơn: Bộ phận thanh tra thiếu về số lượng, yếu về chất lượng, điều kiện thanh tra hạn chế cộng với sự chủ quan là lý do để các doanh nghiệp vi phạm.

Hoàng Thanh Thủy: Thiếu nhân lực trong thanh tra nhưng lại đủ nhân lực trong cấp phép?

TS Lê Thế Sơn: Việc cấp phép và thanh tra là hai việc khác nhau, có những doanh nghiệp cố tình vi phạm, sẽ tìm mọi thủ đoạn, lợi dụng những yếu kém của ngành, trong khi ngành còn yếu kém về chuyên môn và không đủ thời gian bám sát từng hành động của họ. Đó là thực tế khó khăn.

Theo bạn Hoàng Thanh Thủy, để khắc phục tình trạng này nên đầu tư cho cán bộ thanh tra môi trường, đảm bảo đủ về lượng và chất. Đổi lại nếu họ không đảm bảo được khu vực mình theo dõi giám sát để xảy ra sai phạm có thể trừ lương, cách chức… nên đánh vào lợi ích của họ.

TS Nguyễn Hữu Ninh nhấn mạnh đến vai trò của người trẻ trong vấn đề bảo vệ môi trường: các bạn có quyền được lên tiếng, quyền bảo vệ môi trường, hãy là lực lượng đi đầu cùng với các nhà khoa học.

Xả rác vô tư, nhặt rác phải xin giấy phép!

Hiện, các bạn trẻ có những CLB tình nguyện về môi trường như CLB môi trường 360, C4E, Talking Green Club… nhưng những hoạt động còn nhỏ lẻ như đạp xe tuyên truyền nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của cộng đồng, vớt rác ven sông, hồ, phố… và phần lớn là hoạt động tự phát.

Theo Hoàng Thanh Thủy, các CLB nên tập trung lại cùng nhau tổ chức những sự kiện lớn về môi trường thu hút sự chú ý lớn đồng thời mang lại hiệu quả hơn.

Song các hoạt động đều có một trở ngại đó là phải xin giấy phép trước khi làm việc như muốn vớt rác dọc sông Tô Lịch (Hà Nội) phải xin giấy phép của Cty cấp thoát nước Hà Nội, muốn nhặt rác quanh khu vực Hồ Gươm phải xin giấy phép của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hà Nội…

Điều này đặt ra câu hỏi: “Tại sao vứt rác không cần phải xin phép mà dọn rác lại phải xin phép?”. Trả lời câu hỏi này, TS Lê Thế Sơn cho biết: Hành động của các bạn đã thổi lên ngọn lửa nhỏ trong việc bảo vệ môi trường. Tôi sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các bạn trong điều kiện có thể. Hãy liên hệ trực tiếp với tôi khi phải xin giấy phép hoạt động.

Thông điệp mà hai khách mời gửi tới chương trình đó là các bạn trẻ hãy lên tiếng hãy thể hiện quyền bảo vệ môi trường của mình, tương lai đất nước và một môi trường trong sạch lành mạnh đang nằm trong tay các bạn. Đừng để đến khi môi trường bị phá hủy mới lên tiếng. Hãy thay đổi từ hôm nay trước khi quá muộn.

MỚI - NÓNG
Lai Châu bổ sung hơn 250 biên chế sự nghiệp giáo dục
Lai Châu bổ sung hơn 250 biên chế sự nghiệp giáo dục
TPO - Tại Kỳ họp thứ hai mươi (Kỳ họp chuyên đề) HĐND tỉnh Lai Châu khóa XV thông qua 13 nghị quyết có ý nghĩa quan trọng, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong đó, tỉnh có Nghị quyết phê duyệt bổ sung hơn 250 biên chế sự nghiệp giáo dục năm 2024.