Nhân dân mong chờ Đảng đổi mới

Ông Lê Truyền
Ông Lê Truyền
TP - Ngày 5-10, Đoàn Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam tổ chức hội nghị lần thứ tư để góp ý kiến vào dự thảo các văn kiện trình Đại hội XI của Đảng.

Đồng chí Tô Huy Rứa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư đến dự và giới thiệu những nội dung khái quát mà Đảng mong muốn nhận những ý kiến đóng góp, hiến kế.

Cần nhìn thẳng vào khuyết điểm

Ông Lê Truyền, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam cho rằng, trong dự thảo cương lĩnh, phần nói về những sai lầm, khuyết điểm chỉ đề cập đến những khuyết điểm cũ, thậm chí còn rút gọn hơn so với Cương lĩnh 1991. Trong 20 năm Đảng ta lãnh đạo công cuộc đổi mới đất nước, thành công đạt được nhiều nhưng khuyết điểm trong thời kỳ đổi mới là không thể tránh khỏi.

Ông Lê Truyền
Ông Lê Truyền.

“Nếu viết về những khuyết điểm như dự thảo Cương lĩnh 2011 là chưa thỏa đáng, chưa thực hiện nghiêm túc tinh thần tự phê bình của Đảng ta”- Ông Truyền nói.

Bởi, trong 20 năm đổi mới, không ít vấn đề về nhận thức lý luận còn chưa rõ, cụ thể như giải quyết mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với tiến bộ và công bằng xã hội; giữa đổi mới kinh tế và đổi mới hệ thống chính trị… Dẫn đến kinh tế phát triển chưa tương xứng với khả năng và yêu cầu, sức cạnh tranh còn yếu và vẫn tồn tại nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế so với các nước trong khu vực và thế giới.

Ngoài ra, nhiều vấn đề văn hóa xã hội bức xúc chậm được giải quyết. Đặc biệt, nạn quan liêu, tham nhũng, suy thoái về tư tưởng chính trị và phẩm chất đạo đức, lối sống của không ít cán bộ, đảng viên vẫn nghiêm trọng.

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng cho rằng, trong tình hình hiện nay nhân dân mong đợi một bản báo cáo ngắn gọn hơn, súc tích hơn nhưng dám nhìn thẳng vào sự thật và từ đó có những quyết sách để đổi mới Đảng và chỉ có đổi mới Đảng thì mới có thể có những bước bứt phá đưa đất nước sớm đạt đến mục tiêu cao cả Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Người đứng đầu phải là tấm gương sáng

Ông Nguyễn Túc cho rằng, trong mấy đại hội gần đây chúng ta đều nhận định “một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên thoái hóa biến chất”. Vậy phải chăng các biện pháp chúng ta thực hiện để ngăn chặn ở các kỳ đại hội qua là không hiệu quả.

Ông Nguyễn Túc
Ông Nguyễn Túc.

Ông Túc lấy kinh nghiệm năm 1974, khi đó đất nước tổng động viên ra chiến trường, Bộ Chính trị có nghị quyết, để nhân dân tin thì động viên trước hết là con các đồng chí trong Bộ Chính trị đi trước. Và tất cả các đồng chí Bộ Chính trị thực hiện. Sau đó con các đồng chí trong T.Ư cũng đi ra chiến trường. Do vậy, muốn làm nghiêm thì phải thực hiện từ trên xuống.

“Chúng ta phải làm từ trên xuống chứ không phải làm từ vai, từ tai trở xuống” - Ông Túc cho rằng, cần công khai minh bạch từ trên trở xuống. Cấp trên phải gương mẫu, mẫu mực.

Ông Nguyễn Tiến Võ, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam cho rằng, phải tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu, uy tín của Đảng. Trong đó, uy tín của Đảng phải đặt lên làm mục tiêu của toàn Đảng, toàn dân xây dựng và củng cố trong thời kỳ mới. Bởi, Đảng có uy tín thì “tiền hô” mới “hậu ủng" được, Đảng nói dân làm theo, Đảng nói dân tin.

Ngoài ra, phải làm rõ khái niệm “cán bộ, công chức thực sự là công bộc của nhân dân” phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội của đất nước ta hiện nay. Muốn như vậy phải đổi mới triệt để công tác tổ chức cán bộ, theo hướng trọng dụng người hiền tài. Thực hiện nhất quán nguyên tắc tin dùng, dùng đúng chỗ, đúng nơi. Ông Võ kiến nghị, kiên quyết đấu tranh khắc phục tình trạng hư danh, thoái hóa của đội ngũ cán bộ.

Nhân dân làm chủ thế nào?

Ông Đỗ Duy Thường, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn dân chủ pháp luật (Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam) cho rằng, văn kiện nói nhân dân làm chủ chưa rõ, chưa đầy đủ. Chúng ta chưa thể chế bằng pháp luật nội dung này. Ngoài ra, dự thảo văn kiện cũng không nói cụ thể các lĩnh vực cần mở rộng quyền dân chủ. Nội dung làm chủ là cái gì, phương thức làm chủ như thế nào đều chưa rõ.

Ông Thường cho rằng, phải quy định trách nhiệm của cơ quan nhà nước, đảm bảo để nhân dân làm chủ. Muốn vậy phải xây dựng hàng loạt các luật có liên quan như: Luật Tiếp cận thông tin, Luật Trưng cầu ý dân, Luật Giám sát của nhân dân, Luật Phản biện xã hội, Luật Hội họp, Luật Đình công, Luật Biểu tình…

Giáo sư Lưu Văn Đạt, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn dân chủ pháp luật cho rằng, muốn thực hiện dân chủ cần nhìn lại Hiến pháp 1946. Tư tưởng Hồ Chí Minh rất rõ ràng, dân chủ là dân làm chủ, tất cả quyền lực thuộc về nhân dân. Cái gì có lợi cho dân thì hết sức làm, cái gì có hại cho dân thì hết sức tránh. Cán bộ cứ đối chiếu thế mà làm.

Giáo sư Đạt cho rằng, phải kết hợp chặt chẽ thể chế nhà nước pháp quyền và nền dân chủ XHCN. Không có dân chủ thì không có điều kiện để xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân, vì dân. Do vậy, cần sớm xây dựng cơ chế đầy đủ để bảo đảm quyền lực thuộc về nhân dân; mở rộng quy chế dân chủ, không chỉ ở cơ sở xã, phường mà trên phạm vi cả nước.

Giáo sư Đạt cho biết, cố Chủ tịch Quốc hội Lê Quang Đạo coi vấn đề thể chế hóa sự lãnh đạo của Đảng có tính chất đột phá trong vận hành của hệ thống chính trị. Do vậy cần luật hóa sự lãnh đạo của Đảng bằng một đạo luật.

Đồng chí Tô Huy Rứa khẳng định, MTTQ là tập hợp đông đảo quần chúng nhân dân, có nhiều nhân sỹ trí thức, là một kênh rất quan trọng để Đảng ghi nhận những đóng góp cho văn kiện trình Đại hội Đảng, Ban soạn thảo văn kiện sẽ ghi nhận trung thực, đầy đủ và nghiêm túc tiếp thu ý kiến của các đại biểu…

Chống tham nhũng, lãng phí phải là khâu đột phá

Giáo sư Hoàng Xuân Sính cho rằng, người đứng đầu khi nhận nhiệm vụ thì phải cam kết trong nhiệm kỳ này xác định nhiệm vụ đột phá là gì. Giáo sư Sính kiến nghị, coi đẩy lùi tham nhũng và lãng phí là một khâu đột phá chiến lược. Bởi, “tham nhũng đã làm xói mòn lòng tin của nhân dân, tham nhũng ở khắp mọi nơi”. Một người dân ra phường xin giấy là “vấp” ngay, đi đâu người ta cũng đòi tiền. 

MỚI - NÓNG
Lai Châu bổ sung hơn 250 biên chế sự nghiệp giáo dục
Lai Châu bổ sung hơn 250 biên chế sự nghiệp giáo dục
TPO - Tại Kỳ họp thứ hai mươi (Kỳ họp chuyên đề) HĐND tỉnh Lai Châu khóa XV thông qua 13 nghị quyết có ý nghĩa quan trọng, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong đó, tỉnh có Nghị quyết phê duyệt bổ sung hơn 250 biên chế sự nghiệp giáo dục năm 2024.