Nhân bản thành công phôi người từ tế bào da

Nhân bản thành công phôi người từ tế bào da
TPO - Lần đầu tiên các nhà khoa học Mỹ đã nhân bản thành công phôi người từ một tế bào da của người đã trưởng thành. Đây là một thành tựu có tính đột phá về tế bào gốc, mở ra một chương mới trong cuộc chiến chống lại căn bệnh tim mạch, tiểu đường hay Parkinson… 
Nhân bản thành công phôi người từ tế bào da ảnh 1

Một bào thai trong bụng mẹ – ảnh minh họa (Bild).

Thông tin làm ngây ngất cả thế giới nói trên đã được các nhà khoa học thuộc Hãng “Stemagen” ở California – Hoa Kỳ công bố vào hôm qua (17/1) trên một tạp chí chuyên ngành mang tên “Stem Cells”.

Các nhà khoa học đã lập nên kỳ tích ấy bằng cách nào? Họ đã sử dụng 25 tế bào trứng của 3 phụ nữ trong độ tuổi từ 20 đến 24. Sau đó tách nhân ra khỏi các tế bào trứng này rồi thay vào đó là một tế bào da của một người đàn ông. Và sau 7 ngày, có 3 tế bào đã phát triển thành các phôi thai nhỏ xíu (kích thước 0,1 mm), chúng đều mang mã Gene của người “cha”. 

Nghiên cứu này có gì đặc biệt? “Đây là một bước đột phá quan trọng” – theo đánh giá của Giáo sư Juergen Hescheler (48 tuổi), chuyên gia hàng đầu của Đức trong lĩnh vực nghiên cứu tế bào gốc. Tại sao?

Vì đây là những phôi thai đầu tiên được phát triển từ các tế bào của người đã trưởng thành. Trong tương lai, người ta có thể sẽ lấy tế bào của một người bị bệnh tim chẳng hạn rồi tạo ra một phôi thai để phát triển các tế bào gốc nhằm cứu sống người bệnh này.

Nhân bản thành công phôi người từ tế bào da ảnh 2
Phôi thai nhân bản đã đạt kích thước 0,1 mm sau 7 ngày. (Bild)

Vậy người ta có thể sẽ nhân bản thành công một con người? Giáo sư Juergen Hescheler nói: “Điều này là hoàn toàn có thể xảy ra”. Vì các nhà khoa học Mỹ đã sử dụng kỹ thuật cũng na ná như việc nhân bản thành công con cừu Dolly vào năm 1996. Về lý thuyết mà nói thì chỉ cần cấy các phôi này vào tử cung của phụ nữ là được nhưng các cuộc thí nghiệm kiểu này là bị cấm trên toàn thế giới và luôn bị giám sát chặt chẽ.

Tiếp theo sẽ như thế nào? Cái đích phía trước là nhân bản để phục vụ cho việc chữa trị các bệnh hiểm nghèo. Các nhà y học hy vọng rằng, bằng cách này sẽ tạo được “phụ tùng” thay thế cho các tế bào hay các cơ quan nội tạng của người bệnh. Vì các tế bào ấy có nguồn gốc từ chính người bệnh nên nó sẽ không gặp vấn đề từ hệ miễn dịch.

Giáo sư Juergen Hescheler đã hoàn toàn bị thuyết phục, ông nói: “Trong khoảng chục năm tới, người ta có thể sẽ cứu được các bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim”. 

Lê Quân
Theo Bild

MỚI - NÓNG