Sau khi bị “ném đá” thì cô lên tiếng: “Đây là quan điểm của cá nhân tôi, tôi được hỏi và tôi trả lời đúng những gì tôi nghĩ, không biết thì bảo là không biết, chán thì bảo là chán”. Nhưng có độc giả nghi ngờ: Không biết thật hay giả vờ không biết? Câu hỏi này có lẽ chỉ người trong cuộc và… trời mới biết.
Chuyện người nọ phát ngôn không biết người kia, người nọ chê người kia kém chuyên môn, ca sỹ theo dòng nhạc này chê dòng nhạc kia… vốn là chuyện “cơm bữa” ở ta những năm gần đây. Một bộ phận dư luận vừa “ném đá” chán chê phát ngôn của Tùng Dương về bolero, lại tiếp tục chứng kiến Đàm Vĩnh Hưng “xù lông” đáp trả Thanh Lam về “tội” dám nói nhiều ca sỹ miền nam vẫn nổi dù không học hành…
Xem ra, kẻ mạnh dạn phát ngôn thường thua thiệt ít nhiều (nếu người ấy không định lấy ồn ào làm thắng lợi). Thí dụ trường hợp nhạc sỹ Dương Cầm sau những nhận xét về giọng hát Miu Lê, ngoài gạch đá của dư luận, còn bị chính cô này phản ứng: “Anh không xem tôi là ca sỹ thì tùy, còn tôi google anh Dương Cầm chỉ ra toàn ảnh piano”. Thế có phải thành trò cười đãi dư luận không? Tương tự, ca sỹ Ngọc Anh sau khi có phát ngôn gây bão, nhiều khán giả trẻ lại đặt câu hỏi: Ngọc Anh là ai? Người khác đặt nghi vấn nghiêm túc: Các tài năng Sao Mai điểm hẹn thời Ngọc Anh, chìm dần vào quên lãng?
Vừa rồi, danh ca Khánh Ly bày tỏ: Sự thành hay bại của mỗi nghệ sỹ phụ thuộc nhiều vào sự yêu mến và công nhận của khán giả. Vì thế, cũng nên đặt câu hỏi: Khi nghệ sỹ phê bình đồng nghiệp hoặc phản ứng với nhận xét của đồng nghiệp, liệu có khi nào họ thoáng nghĩ đến sự tiếp nhận của khán giả hay chỉ thỏa mãn nhu cầu được tự do phát ngôn của mình?