Nhạc sỹ Nguyễn Lân Tuất và giấc mơ “Thiên thai”

Nhạc sỹ Nguyễn Lân Tuất và giấc mơ “Thiên thai”
TPO - Về nước vào những ngày giáp Tết Bính Tuất, nhạc sỹ Nguyễn Lân Tuất không tranh thủ đi mua sắm Tết, ra đường đón gió xuân, mà đóng cửa ngồi lì trong phòng viết vở ballet Thiên thai.
Nhạc sỹ Nguyễn Lân Tuất và giấc mơ “Thiên thai” ảnh 1
Nhạc sĩ Nguyễn Lân Tuất (phải) đang đón nhận danh hiệu "Vinh danh nước Việt"

Bạn bè ở Việt Nam giận, trách: “Cha này về chẳng đến thăm ai cả”. Ông cười hiền: “Thực ra, năm nay tôi về Việt Nam để lấy cảm hứng viết vở ballet Thiên thai trong không khí rộn ràng của mùa Xuân này.

Thiên thai bây giờ mà viết ở nước Nga trong thời tiết – 40oC không thể gọi là Thiên thai được. Mỗi ngày tôi phải làm việc 6 - 7 tiếng đồng hồ liên tục để cố gắng hoàn thành trong 2 tháng nữa”.

Vở Thiên thai của ông sẽ như thế nào?

Nó sẽ là sự kết hợp của kỹ thuật, truyền thống cổ điển và tính dân tộc Việt. Đây sẽ là vở múa có độ dài khoảng 40 phút. Hiện tôi đã viết được khoảng 20 phút và sẽ về Nga viết tiếp phần còn lại.

Ông nhận được đơn đặt hàng của Nhà hát Ca vũ kịch Việt Nam cho vở múa này?

Người nghệ sỹ chân chính không bao giờ nhận đơn đặt hàng, mà viết theo lòng mình thôi. Nhà hát Ca vũ kịch Novosibirsk - Nhà hát ca vũ kịch lớn thứ ba - của Nga rất quan tâm tới tác phẩm này và chắc chắn trước sau họ sẽ dàn dựng nó.

Tôi cũng đã gặp gỡ ông Nguyễn Công Nhạc - Giám đốc Nhà hát Ca vũ kịch Việt Nam. Ông Nhạc cũng rất quan tâm tới vở múa này và yêu cầu tôi khi nào viết xong thì gửi bản tổng phổ về cho Nhà hát.

Tôi cố gắng hoàn thành sớm để gửi cho nhạc sỹ Nguyễn Thiện Đạo hiện đang ở Pháp dàn dựng vì chúng tôi, hai nhạc sỹ Việt Nam ở nước ngoài, một ở Tây Âu, một ở Đông Âu đều đang ấp ủ giấc mơ sẽ được công diễn tác phẩm của mình ngay trên quê hương.

Nếu không có gì thay đổi, cuối năm nay, nhạc sỹ Nguyễn Thiện Đạo sẽ về ra mắt vở Trương Chi của ông ấy và vở Thiên thai của tôi.

Nhưng hình như nhạc sỹ về còn vì những lý do nào khác?

Nói chính xác là tranh thủ về ăn Tết để viết và về nhận giải Vinh danh nước Việt (vừa diễn ra vào tối 5/2 tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội). Đây là vinh quang không phải cho mình tôi, mà cho gia đình, cho cộng đồng Việt kiều ở Nga vì trong số 15 người được vinh danh nước Việt lần này có 2 nhạc sỹ là Nguyễn Thiện Đạo - Việt kiều Pháp và tôi - Việt kiều Nga.

Tất nhiên là tôi cũng phải cố gắng vì ngày 5/2 trao giải, nhưng ngày 3/2, trường Đại học Âm nhạc Novosibirsk - Nơi tôi giảng dạy - đã bắt đầu học.

Chuyến đi của ông có được tài trợ?

Không, mình phải cố gắng thôi. Tôi quan niệm rằng, vấn đề không phải là mình làm việc ở đâu: trong nước hay ngoài nước, mà vấn đề là mình làm gì để góp phần làm rạng danh Tổ quốc.

Tôi cũng thấy tự hào vì đã nghỉ hưu  5 năm nay rồi, bây giờ người ta lại mời tôi trở lại làm Chủ nhiệm khoa sáng tác của một trường đại học danh tiếng của nước Nga.

Trong gia đình ông, cái danh hiệu giáo sư âm nhạc không được coi trọng cho lắm?

Câu hỏi này làm tôi nhớ lại câu chuyện vui thế này. Ông cụ thân sinh ra  tôi (Nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân) lúc còn sống, vẫn luôn tự hào rằng: “Nhà tôi có 7 người con, đều là giáo sư cả, nhưng lại có một thằng làm giáo sư âm nhạc”. Bao giờ cũng có chữ “nhưng”  nặng trình trịch đấy.

Đến năm 2001 khi Tổng thống Nga Putin trao tặng cho tôi danh hiệu Nghệ sỹ công huân Nga, cụ mới bỏ cái vế sau đó đi. Bởi thực tế, trước đây, âm nhạc không được coi trọng lắm, ngay cả trong gia đình tôi cũng vậy.

Xin nhạc sỹ, giáo sư cho biết dự định của mình trong năm 2006?

Tôi đang cố gắng phải viết xong ballet Thiên thai trong mùa xuân này. Sau đó tôi cũng phải hoàn thành chương thứ 3 của bản giao hưởng số 5 Đời nghệ sỹ.

MỚI - NÓNG