Nhắc sớm chẳng thừa, 2k4 cần chuẩn bị gì cho mùa tuyển sinh sắp tới?

0:00 / 0:00
0:00
Nhắc sớm chẳng thừa, 2k4 cần chuẩn bị gì cho mùa tuyển sinh sắp tới?
Hiện nay chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT tại một số trường đại học đang có xu hướng giảm, học sinh 2004 nên lưu ý những gì.

Giảm chỉ tiêu xét tuyển dựa trên điểm tốt nghiệp THPT

Hiện nay, một số trường đại học đã đa dạng hóa các phương thức tuyển sinh, đưa ra một số giải pháp nhằm phân loại, đánh giá và tuyển chọn thí sinh, đồng thời đảm bảo ngưỡng đầu vào như tổ chức kì thi riêng.

“Việc các trường tổ chức kì thi riêng phần nào đó nằm trong lộ trình tự chủ của các trường cũng như xu hướng giáo dục đại học của các nước có nền giáo dục tiên tiến - vừa để thu hút những học sinh “có chất lượng”, bước đầu tự chủ trong khâu tổ chức thi tuyển, xét tuyển; vừa để đảm bảo chất lượng đầu vào”, thầy Lưu Huy Thưởng, giáo viên môn Toán tại HOCMAI cho biết.

Bên cạnh đó, nhiều trường vẫn sử dụng các phương thức xét tuyển khác như xét tuyển thẳng, xét tuyển ưu tiên, xét tuyển dựa trên kết quả học bạ THPT. Sự đa dạng này đã tạo thêm sự lựa chọn cho thí sinh.

Cụ thể, theo số liệu thống kê từ HOCMAI, tổng chỉ tiêu tuyển sinh năm 2020 tại trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội là 1590. Trong đó, tỉ lệ xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT là 71%, còn lại là các phương thức khác. Đến năm 2021, nhà trường tăng tổng chỉ tiêu lên mức 1820 nhưng tỉ lệ xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT giảm xuống còn 50%, xét tuyển dựa trên kết quả các kì thi Đánh giá năng lực là 20% và 30% dành cho các phương thức khác.

Tương tự tại trường Đại học Bách khoa Hà Nội, năm 2020, tổng chỉ tiêu xét tuyển của nhà trường là 6930 với 60% chỉ tiêu dành cho phương thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT, 35% dành cho phương thức xét tuyển dựa trên kết quả các kì thi Đánh giá năng lực và các phương thức khác là 5%. Đến năm 2021, với tổng chỉ tiêu tăng lên mức 7000, tỉ lệ xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT giảm xuống còn 55%, tỉ lệ xét tuyển dựa trên kết quả các kì thi Đánh giá năng lực vẫn giữ nguyên 35% và các phương thức khác tăng lên là 10%.

Khảo sát của HOCMAI tại 30 trường đại học trên cả nước giai đoạn 2020 - 2021 cũng cho thấy có đến 18 trường giảm tỉ lệ xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT. Chia sẻ về nguyên nhân, thầy Thưởng cho biết, khi một trường đa dạng hóa phương thức xét tuyển thì chỉ tiêu tuyển sinh sẽ được phân bổ cho mỗi phương thức. Như vậy, chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT có nhiều khả năng sẽ giảm xuống.

Đồng quan điểm trên, thầy Trần Văn Năng, giáo viên trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam cho rằng các trường đại học top đầu có xu hướng tổ chức các kì thi riêng, đồng thời có thể sẽ tăng điểm chuẩn và giảm chỉ tiêu xét tuyển dựa trên điểm thi tốt nghiệp THPT.

Ví dụ, trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội có tỉ lệ xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT giảm từ 91,67% (năm 2020) xuống 72,06% (năm 2021). Năm 2018, mức điểm chuẩn dao động từ 21,7 đến 27,05. Năm 2019, con số này đã nằm trong khoảng từ 23,5 đến 31,06 và đến năm 2020 thì tăng lên trong khoảng từ 30,57 đến 34,5.

Trường Đại học Ngoại thương cũng có tỉ lệ xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT giảm từ 48,9% (năm 2020) xuống 30% (năm 2021). Mức điểm chuẩn thấp nhất tại trường cũng tăng từ 22,65 (năm 2018) lên 25,75 (năm 2019) và 27 điểm (năm 2020).

Lời khuyên của giáo viên dành cho học sinh 2004

Theo thầy Trần Văn Năng, sở dĩ có xu hướng trên là do kì thi Tốt nghiệp THPT hiện nay được thực hiện theo Luật Giáo dục sửa đổi bổ sung 2019, có hiệu lực từ tháng 7/2020. Theo đó, kì thi THPT Quốc gia đã được đổi tên thành kì thi Tốt nghiệp THPT với mục tiêu chính là xét tốt nghiệp THPT và đánh giá hiệu quả của chương trình giáo dục phổ thông, thay vì kết hợp với mục tiêu xét tuyển đại học, cao đẳng như trước đây.

“Phạm vi thi và nội dung thi đã có nhiều thay đổi với độ khó được giảm bớt. Cụ thể, với môn GDCD, ma trận đề thi đã thay đổi khi năm 2020, tỉ lệ các câu hỏi vận dụng cao là 12,5% nhưng sang năm 2021 giảm xuống chỉ còn 10%”, thầy Năng cho hay.

Theo đó, học sinh 2004 nên cân nhắc lựa chọn phương thức xét tuyển phù hợp với khả năng của mình. Sau đó thiết lập mục tiêu, xây dựng lộ trình học tập cụ thể và kiên trì thực hiện.

Với những thí sinh quan tâm đến phương thức xét tuyển thẳng, xét tuyển ưu tiên hay xét tuyển dựa trên kết quả học bạ THPT tại các trường đại học top đầu, các em cần lưu ý rằng đối tượng ưu tiên của những phương thức này thường là học sinh giỏi, học sinh trường chuyên, trong khi những học sinh bình thường lại là đối tượng ưu tiên cuối cùng. Do đó, cơ hội đỗ vào trường top đầu theo phương thức này sẽ không cao đối với những em có học lực không giỏi.

Nếu muốn sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển tại những trường đại học top đầu có tính cạnh tranh cao, học sinh cần nỗ lực nhiều hơn. Các em nên bắt đầu ôn luyện từ ngay bây giờ bằng cách lập kế hoạch học tập theo 3 bước: nắm chắc kiến thức toàn diện; luyện thuần thục mọi dạng bài; ôn tập chọn lọc trọng tâm.

“Nếu đủ điều kiện, các em có thể tham gia kì thi riêng do một số trường đại học tổ chức”, thầy Năng nhấn mạnh. Tuy nhiên, muốn đạt điểm cao trong kì thi này, học sinh lứa 2004 nên học bao trùm toàn bộ kiến thức, vừa nắm vững những kiến thức cốt lõi, vừa biết cách vận dụng và liên hệ thực tế.

MỚI - NÓNG
Ngừng phiên tòa tranh chấp liên quan đến Hoa hậu Lê Hoàng Phương
Ngừng phiên tòa tranh chấp liên quan đến Hoa hậu Lê Hoàng Phương
TPO - Sau khi xuất hiện bằng chứng mới, Hội đồng xét xử quyết định tạm dừng phiên tòa  tranh chấp Hợp đồng quảng bá thương hiệu giữa Ban tổ chức cuộc thi Miss Grand Vietnam 2023 (BTC) và Công ty Cổ phần Bệnh viện Phẫu thuật thẩm mỹ Nam An (Bệnh viện Nam An), trong đó Hoa hậu Lê Hoàng Phương tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.