Nhạc sĩ tuổi 85 và điệu hò kéo pháo

Nhạc sĩ Hoàng Vân. Ảnh: Nguyễn Đình Toán
Nhạc sĩ Hoàng Vân. Ảnh: Nguyễn Đình Toán
TP - Âm nhạc thời kháng Pháp khá nhiều bài hát nghe như những điệu hò mới: “Hò dân cày” (Văn Chung), “Hò đi trận” (Huy Du), “Hò Bắc” (Trần Ngọc Xương), “A li hò lờ” (Nguyễn Xuân Khoát) ... 

Có bài không ghi là hò nhưng lại chất ngất giọng hò như “Lên ngàn”, “Mùa lúa chín” (Hoàng Việt), “Đánh giặc tăng gia” (Văn Cận)... Hình như tất cả đều được khơi ra để chuẩn bị cho một điệu hò mới, đấy là “Hò kéo pháo” của Hoàng Vân sáng tác tại chiến dịch Điện Biên Phủ.

Điệu hò cuối cùng

Ngày ấy, dọc những con đường cheo leo từ nhiều phía đi tới Điện Biên Phủ, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến và bộ đội hành quân thường cất lên điệu Hò Bắc của Trần Ngọc Xương giữa giờ giải lao: “Hò ơi! Ơ hò - tình tính tang, tang tính tình hò lên cho đời lính ta tươi, hò lên - Tình bằng ai ơi ơ - Đã hát thì hát cho vang - Tang tính tình - Hò ơi!...”.

Hò Bắc khiến mọi người thư giãn sau chặng hành quân, gánh gồng, xe thồ nhọc mệt. Với người lính pháo binh đang lầm lì đêm ngày kéo những khẩu trọng pháo nặng nề vượt đèo, vượt dốc vào trận địa, kéo vào rồi lại kéo ra, rồi lại kéo vào hướng khác phù hợp phương châm “đánh chắc, tiến chắc” thay cho “đánh nhanh, thắng nhanh”, thì chưa có điệu hò nào thúc giục tâm hồn họ. Dọc con đường kéo pháo, người ta chỉ nghe tiếng hô vang, chắc gọn và đanh thép: “Dô ta nào - hai ba - dô ta nào”.

Chính những tiếng “dô ta” ấy đã đập vào tâm trí nhạc sĩ trẻ Hoàng Vân, khiến anh xúc cảm viết ra điệu hò mới - điệu hò sau cùng của cuộc trường kỳ kháng chiến - Hò kéo pháo.

Hoàng Vân tên khai sinh là Lê Văn Ngọ, con cháu họ Lê dòng dõi tại phố Cầu Gỗ - Hà Nội. Tuổi 15 đã đam mê hội họa, theo học dự thính Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, nhưng còn đam mê hơn, đó là cách mạng những ngày đầu. 16 tuổi chàng là đội viên đội cứu quốc Mai Hắc Đế, rồi liên lạc tự vệ khu Đông Kinh Nghĩa Thục vào ngày toàn quốc kháng chiến.

Kháng chiến đã khiến Hoàng Vân và lứa tuổi thiếu niên trưởng thành không ngờ. Khi chiến dịch Điện Biên Phủ mở ra, Hoàng Vân đã là nhạc sĩ phụ trách nghệ thuật Đoàn văn công sư đoàn 312. Lúc đó, ông đã được biết đến qua bài hát Tin chiến thắng: “Tin chiến thắng vang vang ... chiều xuống trên cánh đồng vui hát trên phố phường vang vang tiếng hát...”. Sự thăng hoa của toàn dân tộc đang trong kháng chiến qua cảm xúc Hoàng Vân luôn được dựng lên bằng âm nhạc của khoảng tám đúng căng vọt. Hò kéo pháo cũng vậy.

Ngay sau câu hò đầu: “Hò dô ta nào”, khoảng tám đúng đã xuất hiện: “kéo pháo ta vượt qua đèo” và được nhắc lại như găm vào ta: “Hò dô ta nào - kéo pháo ta vượt qua núi”.

Dựa vào câu ca dao: “Đèo cao thì mặc đèo cao - Tinh thần yêu nước còn cao hơn đèo”, Hoàng Vân tiếp tục triển khai khí thế kéo pháo trên một cung bậc cao, với tiết tấu ngắn chắc: “Dốc núi - cao cao - nhưng lòng quyết tâm còn cao hơn núi - vực sâu - thăm thẳm - vực nào sâu bằng chí căm thù”. Giai điệu lại quay trở về điệu hò, nhưng sau đó là dồn dập hình ảnh đội quân kéo pháo hùng dũng kiên gan: “Gà rừng gáy trên nương rồi - Dấn bước ta đi lên nào - Kéo pháo ta sang qua đèo trước khi trời hừng sáng”.

Cao trào dâng cuồn cuộn như cơ thể săn gân của người lính: “Sắp tới rồi còn một đợt nữa thôi - Vai ướt đẫm sương đêm cùng mồ hôi - Tới đích rồi đồng chí pháo binh ơi - Vinh quang thay sức người lao động hò dô ta pháo ta vượt đèo - Lòng quyết tâm sắt gang nào bằng”. Ca từ cuối cùng được xây dựng từ một ý trong bài hát Kết đoàn rất thịnh hành thời ấy: “Mà sắt với gang còn kém bền vững”.

Cuộc làm mới sau 60 năm và nhạc sĩ tuổi 85

Trong chương trình Giai điệu tự hào kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên mang tên “Ăn no, đánh thắng” phát VTV1 tối 26/4, một tốp ca nam trẻ đã hát Hò kéo pháo rất hay bằng phong cách rock. Chất rock cũng là chất Hoàng Vân mà cụ thể là luôn luôn, trong giai điệu xuất hiện những khoảng tám đúng căng vọt, rồi dần dà theo năm tháng là việc sử dụng những tiết tấu nhanh mang hơi thở nhạc nhẹ. 

Nhạc sĩ tuổi 85 và điệu hò kéo pháo ảnh 1

Ba rocker Nông Tiến Bắc, Hoàng Hiệp, Minh Trí thể hiện bài “Hò kéo pháo” trong chương trình “Giai điệu tự hào”. Tiết mục được nhạc sĩ Thanh Phương phối theo phong cách rock. Trên sân khấu là mô hình khẩu pháo 105 ly theo tỷ lệ 1:1

Ta có thể nhận thấy điều này trong những sáng tạo thời chống Mỹ như Bài ca sau tay lái, Bài ca pháo kích, Tiếng cồng giải phóng tiếng cồng chiến thắng (bút danh Yna) và đặc biệt Chào anh giải phóng quân, mừng mùa xuân đại thắng nức lòng dân tộc những ngày Tết Mậu Thân 1968 qua giọng hát Bích Liên với phần đệm piano của nghệ sĩ Hoàng Mãnh.

Chất rock còn được Hoàng Vân đưa vào những đoạn lĩnh xướng ở hợp xướng Vượt núi rất nổi tiếng qua giọng vàng Trần Khánh: “Đi ta đi - Nào ngựa nào xe - Nào súng nào đạn - Nào gồng nào gánh - Người Kinh người Thượng - Người Dao người Mèo - Người Tày người Nùng - Băng ngàn băng dốc - Tất cả lên đường...” và cả đoạn hợp xướng kết thúc: “Đường qua Trường Sơn - Đường Mã Pì Lèng - Khó mấy cũng vượt - Nhìn về phía xa - núi vẫn tiếp núi - Ta vẫn còn đi - Lên những đỉnh cao...”. 

Cái chất rock đã tạo nên sự khác biệt trong cá tính sáng tạo của Hoàng Vân từ Hò kéo pháo - một điệu hò mới mẻ giữa các điệu hò dân gian truyền thống như hò sông Mã, hò xứ Nghệ, hò hụi, hò giã gạo, hò Quảng...

Thống nhất đất nước, Hoàng Vân có thời gian để ngẫm ngợi lại chặng đường đã đi qua những tác phẩm khí nhạc như Giao hưởng số 1, tổ khúc hợp xướng về Điện Biên... Nhưng phong cách luôn tìm đến sự mới mẻ đưa Hoàng Vân đến những sáng tạo mới đầy lôi cuốn như Bài ca xây dựng, Tình ca Tây Nguyên, Tình yêu Hà Nội...

Trong làng nhạc, anh em thường thấy một Hoàng Vân tài năng và lịch lãm, luôn tươi cười. Tôi lần đầu tiếp xúc với ông là khi ông nói về nhạc nhẹ thế giới ở Hội văn nghệ Hà Nội sau khi đi CH Séc về, lúc Việt Nam bắt đầu mở cửa. Một lối trình giải khúc chiết khiến người nghe đồng cảm. Hoàng Vân lúc nào cũng trìu mến và thân thiện. Sự tự tin luôn ẩn khuất sau những nhận định ngắn gọn.

Tôi vinh dự được ông tặng bức thủ pháp viết chữ “Nhã”, ở dưới là một tứ tuyệt trong Kinh Thi: “Xuân lang thang hương cỏ/Thương sen xanh vào hè/Thu nhắp ly rượu cúc/Đông bay tuyết trắng thơ”. Hoàng Vân nay vẫn ung dung tự tại hưởng nhàn ở tuổi 85. Vẫn “tĩnh trong động” của thời cuộc, cũng như của điệu Hò kéo pháo năm xưa.

Bây giờ, khi chiến thắng đã lùi xa một vận hội (60 năm), lớp trẻ hát Hò kéo pháo vang lừng, nhưng lại bằng cách hát rock trẻ trung sôi động. Nếu thuở đó và nhiều năm qua, các thế hệ hát Hò kéo pháo bằng việc diễn tả sự nặng nhọc bên ngoài của người lính pháo binh, thì lớp trẻ hôm nay lại khai thác sự thăng hoa trong tâm hồn người lính pháo binh. Thực sự là rất biện chứng. Nếu không có sự thăng hoa trong tâm hồn thì người lính pháo binh làm sao đủ sức tạo nên sự phi thường trong những ngày dốc đèo kéo pháo.

Hò kéo pháo ngay lập tức được hát vang ở các trận địa pháo Điện Biên Phủ, dọc các chiến hào ẩm ướt và sũng nước những ngày vây lấn. Nó đã cùng bộ ba Hành quân ca, Trên đồi Him Lam và Chiến thắng Điện Biên của Đỗ Nhuận tạo thành bộ tứ bình bằng âm thanh ngợi ca chiến thắng Điện Biên “chấn động địa cầu”. Trong liên hoan toàn quân cuối 1954 tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Hò kéo pháo của Hoàng Vân cùng Mùa lúa chín của Hoàng Việt đã đoạt giải nhất về sáng tác ca khúc. Hai điệu hò mới mẻ của hai miền Bắc - Nam.

MỚI - NÓNG