30-4-2021

Nhạc sĩ Trần Long Ẩn: Ðứa con 'mất tích' trở về nhà

0:00 / 0:00
0:00
Phong trào Hát cho đồng bào tôi nghe trước năm 1975. Ảnh: Tư liệu
Phong trào Hát cho đồng bào tôi nghe trước năm 1975. Ảnh: Tư liệu
TP - Nhạc sĩ Trần Long Ẩn được biết tới như một “triết gia” trong âm nhạc cách mạng với những ca khúc đậm chất suy tư về cuộc đời, về con người. Ông nói: “Tôi vốn học triết học, một công việc tưởng chẳng liên quan gì tới âm nhạc, nhưng rồi đam mê âm nhạc khiến tôi viết nên những tác phẩm chất vấn và suy nghĩ về bản thân mình, về cuộc đời”.

Bắt đầu từ “Người mẹ Bàn Cờ”

Trò chuyện với phóng viên tại trụ sở của Liên hiệp các Hội văn học Nghệ thuật TPHCM, nơi nhạc sĩ Trần Long Ẩn đang giữ vị trí chủ tịch. Trong căn phòng giản dị, nhiều sách vở, ông nói: “Tôi không nghĩ mình sẽ là một nhạc sĩ. Từ miền Trung, tôi vào Sài Gòn học đại học và tham gia phong trào sinh viên tranh đấu. Chúng tôi in ấn các tài liệu tuyên truyền, sáng tác thơ văn, âm nhạc khích lệ anh chị em và thế là tôi đi vào con đường sáng tác nhạc lúc nào không biết”.

Theo nhạc sĩ, sức hấp dẫn của âm nhạc cách mạng ngay tại đô thị Sài Gòn lúc đó rất lớn: “Trong một không khí âm nhạc buồn bã đến thê lương của Sài Gòn lúc ấy, âm hưởng những bài hát cách mạng mạnh mẽ, sôi động, đầy sức sống lôi cuốn rất nhiều sinh viên thanh niên”.

Một hôm, Trần Long Ẩn đọc thấy bài thơ “Người mẹ Bàn Cờ” của người bạn sinh viên Nguyễn Kim Ngân in trên tạp chí của giới sinh viên tranh đấu, cảm xúc, anh liền phổ nhạc. Bài hát ca ngợi những người mẹ, người chị ở khu vực “vùng lõm” cách mạng Bàn Cờ ngay tại trung tâm Sài Gòn.

Bài hát được phát liên tục trên đài phát thanh trong vùng giải phóng và được giới sinh viên, lớp trẻ của thành phố yêu thích.

Nhạc sĩ Trần Long Ẩn kể: “Tôi và anh Trương Quốc Khánh (Tác giả ca khúc “Tự Nguyện”) từ Sài Gòn xuống đồng bằng sông Cửu Long để vào chiến khu nhận chỉ thị. Trên đường đi, chúng tôi được bố trí nghỉ đêm tại nhà một viên cảnh sát có cảm tình với cách mạng tại Cần Thơ. Thật bất ngờ, con trai của viên cảnh sát biết chúng tôi là sinh viên Sài Gòn nên bắt chúng tôi dạy cho hát bài Người mẹ Bàn Cờ!”.

Nhạc sĩ Trần Long Ẩn: Ðứa con 'mất tích' trở về nhà ảnh 1

Nhạc sĩ Trần Long Ẩn và các nghệ sĩ. Ảnh: Tư liệu

Trần Long Ẩn và Trương Quốc Khánh rất bối rối, nếu dạy hát nhạc tranh đấu thì sợ bị lộ, mà từ chối anh bạn trẻ tuổi lại không nỡ. Thế là trong đêm ấy, ngay trong nhà của viên cảnh sát, hai anh đã dạy cho người bạn trẻ bài hát: Người mẹ Bàn Cờ”.

“Cụm lan mọc tựa giữa cành cổ thụ”

Những tháng ngày sinh viên tranh đấu cam go nhiều bạn sinh viên đã ngã xuống ngay trước mắt Trần Long Ẩn. Anh cũng bị truy bắt, thân mình gầy gò, phải cuốn chiếu nằm dưới gầm giường để qua mắt cảnh sát.

“Những kẻ chiêu hồi, chỉ điểm ngồi trong xe và họ nhận diện đám sinh viên chúng tôi từ xa. Những ai bị họ chỉ vào, nghĩa là thành phần cốt cán, từng vào chiến khu và ngay sau đó anh em bị bắt, bị tra tấn, tù đày. Chúng tôi biết đấu tranh là nguy hiểm, nhưng chúng tôi không sợ hãi. Tuổi trẻ chúng tôi đã nguyện hiến dâng cho cuộc đấu tranh thống nhất đất nước”.

Nhạc sĩ Trần Long Ẩn sinh ngày 29/9/1944. Hiện ông là Phó Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Chủ tịch Hội Âm nhạc TPHCM, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học, Nghệ thuật TPHCM. Tác phẩm tiêu biểu: Người mẹ Bàn Cờ, Trên mảnh đất tình người, Đi qua vùng cỏ non, Một đời người một rừng cây, Đàn sáo Hậu Giang, Đêm thành phố đầy sao, Xin làm người hát rong… Nhạc sĩ đã nhận Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2007 và Huân chương Lao động hạng nhì.

Ca khúc “Tự Nguyện” của Trương Quốc Khánh có những câu: “Là người xin một lần khi nằm xuống, nhìn anh em đứng lên cắm cao ngọn cờ”.

Nhạc sĩ Trần Long Ẩn nhớ lại: “Năm 1972, cấp trên chủ trương rút anh em sinh viên cốt cán ra khỏi nội thành, trong đó có các anh em tham gia phong trào Hát cho đồng bào tôi nghe, để bảo toàn lực lượng tránh địch khủng bố tàn bạo. Tôi và Trương Quốc Khánh tập kết ra Bắc. Tôi đi mà không dám nói cho mẹ biết, sợ mẹ tôi buồn. Tôi chỉ nói với ông ngoại, nhờ nhắn lại với mẹ”.

Trần Long Ẩn nói với ông ngoại: “Ông ngoại cứ yên tâm, con đi ô tô sang Campuchia rồi ra Hà Nội bằng máy bay”. Kỳ thực, nhạc sĩ mất mấy tháng vượt Trường Sơn.

Nhạc sĩ bảo: “Khi đi trên đường Trường Sơn, gian khổ hy sinh, nhưng đó là lần đầu tiên tôi cảm nhận được đất nước chúng ta đẹp như thế nào. Lần đầu tiên tôi nhìn thấy những cành lan dài mấy mét, mọc trên những thân cây cổ thụ bị bom. Hình ảnh ấy đã giúp tôi viết bài hát “Một đời người một rừng cây”.

Cây có hiểu vì sao chim thường kéo về làm tổ/Và em như cụm lan mọc tựa giữa cành cổ thụ già kia.

Ðứa con “mất tích” trở về nhà

Trưa 30/4/1975, trong căn phòng dành cho sinh viên miền Nam ra học âm nhạc tại Hà Nội, Trần Long Ẩn và Trương Quốc Khánh, hai nhạc sĩ của phong trào sinh viên tranh đấu nghe đài đưa tin quân ta tiến vào Dinh Độc Lập.

“Chúng tôi luôn tin rằng ngày đất nước thống nhất sẽ đến - Tác giả “Người mẹ Bàn Cờ” nhớ lại - Nhưng, cảm giác của trưa 30/4/1975 thật khó tả. Chúng tôi mừng quá, lặng đi, không biết nói gì, chỉ ngồi lại với nhau và nghe đài. Điều đầu tiên tôi nghĩ tới là tôi sẽ sớm được về với mẹ”.

Như một câu chuyện có hậu, Trần Long Ẩn trở về nhà sau nhiều năm “biệt tích” không một dòng thư, không một dòng địa chỉ, chẳng rõ sống chết thế nào.

Người mẹ thấy con trai về, không tin vào mắt mình. Bà ngẩng lên, con đứng trước khung cửa tươi cười, bà chỉ nói được một câu: “Con đã về đó hả!”.

Trong bài hát “Mừng tuổi mẹ”, nhạc sĩ Trần Long Ẩn đã viết về buổi chiều của đất nước thống nhất ấy:

“Rồi một chiều kia, tóc trắng mẹ bay/Như gió, như mây bay qua đời con,/Như gió, như mây bay qua trần gian./Ôimẹ của con!”.

“Có một cây là có rừng”

“Tôi vẫn thích đưa những suy tư của mình về cuộc sống vào trong âm nhạc. Đến bây giờ tôi vẫn nghiên cứu, đọc về triết học từ phương Đông sang phương Tây” - Nhạc sĩ Trần Long Ẩn tâm sự.

Theo nhạc sĩ, bài “Một đời người một rừng cây” khi mới viết ra đã có nhiều người hát, nhưng tới khi ca sĩ Lê Hành thể hiện thì nó mới có chỗ đứng vững vàng trong lòng người nghe. Đó là vì “Lê Hành hiểu tác giả, anh hát khiến người ta phải suy tư”.

Những năm 1980, đất nước gặp vô vàn khó khăn trong phát triển kinh tế vì bị cấm vận, đồng thời chiến tranh biên giới phía Bắc, phía Nam nổ ra. Tuổi trẻ thành phố có mặt ở các điểm nóng.

“Tôi muốn viết một bài hát tặng tuổi trẻ, những người đang chiến đấu, lao động vì một đất nước thống nhất, nhưng chưa biết viết thế nào- Nhạc sĩ Trần Long Ẩn nhớ lại - Một lần tôi theo lãnh đạo thành phố là ông Võ Văn Kiệt xuống huyện Cần Giờ xem thanh niên trồng rừng. Ông Võ Văn Kiệt thấy mọi người trồng đước thưa quá, tự ông xuống trồng và nói: Cây đước phải trồng gần nhau, khi mọc lên cây mới thẳng và rừng cây không bị gió bão làm gãy đổ”. Tôi bước lên bờ, lấy giấy ra ghi chép những dòng nhạc đầu tiên”.

“Và tôi vẫn nhớ hoài một loài cây, sống gần nhau thân mới thẳng. Có một cây là có rừng, và rừng sẽ lên xanh, rừng giữ đất quê hương” (“Một đời người một rừng cây”).

Bài hát “Một đời người một rừng cây”, điển hình cho thủ pháp sáng tác của Trần Long Ẩn, đó là ông thường đưa những “phản đề” mang tính phản biện của triết học vào ca khúc. Đó là những câu hỏi vang lên trong ca khúc, như: “Ai cũng một thời trẻ trai, cũng thường nghĩ về đời mình. Phải đâu may nhờ, rủi chịu, phải đâu trong đục cũng đành. Phải không em? Phải không anh?”.

Có lẽ câu hát “để đời” của Trần Long Ẩn chính là câu: “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ biết nhường phần ai?”.

Nhạc sĩ bảo: “Nhiều người nghe giới thiệu nhạc sĩ Trần Long Ẩn, bèn bảo: À! Cái ông nhạc sĩ: Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ biết nhường phần ai!”.

Người nhạc sĩ chăm chút từng câu từ, nhưng đôi khi vẫn gặp phải “tai nạn nghề nghiệp”. Ông kể: “Tôi viết bài “Đi qua vùng cỏ non” có tờ báo viết hàm ý nói rằng tôi ca ngợi giai cấp tư sản. Vì trong bài có hình ảnh: “Đường rộng nào em đi, đóa hồng nào trên tay”. Một số người còn quy tác phẩm của tôi ca ngợi người vượt biên. Vì trong bài hát ấy có những câu: “Em đi về những nơi, bạn bè đang ở đó, còn vượt đèo băng sông, giữa biển trời mênh mông”.

MỚI - NÓNG