Chung cảm xúc với nhiều thành viên M6, nhạc sĩ Nguyễn Lê Tâm tiếc xót cho tài năng âm nhạc của Tuấn "gà". Nhạc sĩ "Tiếng gáy thời gian" vừa qua đời sáng 23/2.
“Trong bức tranh chung về tác giả ca khúc thì Nguyễn Tuấn một mình một đường. Tuấn không thích những con đường có sẵn cùng các mẫu thức đẹp sẵn. Tuấn bỏ đường mòn mà phát quang rừng rậm, đi một mình. Bài hát mà Tuấn viết là những suy tưởng về những không gian ảo đi cùng với chất liệu cuộc sống thô nhám. Ai nghe cũng rùng mình cảm thấy những câu chuyện, nhân vật ấy mình đã gặp ở đâu đó”, nhạc sĩ Nguyễn Lê Tâm nhận định.
Anh nói, Tuấn “gà” có một tuổi thơ lưu lạc và thời trẻ tự do nay đây mai đó nên cũng nếm đủ đắng cay. Câu chuyện trong bài hát của Tuấn thoạt nghe như là những mảnh cắt dán của đời sống không cần biên tập. Nhưng trật tự sắp xếp mảng miếng cho thấy những câu chuyện rất đời. Những mảnh thô nhám ấy nghe kỹ thì có thể thấy đó là hương vị của thi ca.
Câu chuyện của Tuấn có thân phận con gà trong dịch cúm, có ông già mù bên bờ sông, có cậu bé học dốt, có con chim lợn của ngoại ô, có chiếc xe đòn đưa người về an nghỉ cuối cùng…
Nhạc sĩ Lê Tâm nhận định "Tuấn gà" luôn một mình một đường. |
“Từ con gà tới cái áo cũ với Tuấn đều biến thành nhân vật. Cái tên Tuấn ‘gà’ được đính kèm vào đời Tuấn là từ bài hát “Tiếng gáy thời gian”. Chỉ một con gà, lúc gáy, lúc nằm trên mâm xôi hay khi chết trong dịch cúm nói được rất nhiều kỷ niệm đời sống người Việt”, nhạc sĩ Lê Tâm nói.
Lê Tâm phân tích, về cấu trúc thì Tuấn cũng không mặn mà với cấu trúc gọn gàng 2 đoạn thông thường “bùi tai” ăn khách mà có xu hướng tiện đâu viết đấy, không câu nệ đúng sai, chẵn lẻ. Miễn viết được ra cái mình muốn “gáy” là vui. Thế nhưng đó mới bộc lộ cái tài chỉ đá hóa vàng. Cũng từ đó có một Nguyễn Tuấn phá cách.
Khán giả đại chúng không biết nhiều đến Tuấn "gà", nhưng giới âm nhạc luôn đánh giá anh là cá tính đáng trân trọng. “Nói nhạc Tuấn kén khán giả thì không hẳn. Bởi một khán giả bình thường khi nghe Tuấn thì cũng rung lên ngay ở bài thứ nhất. Thậm chí ở đoạn thứ nhất, câu thứ nhất. Sau khi nghe rồi thì nhiều người đã trở nên nghiện nhạc Tuấn gà”, Lê Tâm nêu.
Hội tụ rất nhiều yếu tố làm nên một tác giả ăn khách nhưng Tuấn “gà” vẫn thích một mình một đường, giữ cá tính riêng. “Thật tiếc cho Tuấn, thiếu một nhà sản xuất có đôi mắt xanh, thiếu ca sĩ thực sự hiểu và nối dài được ý tưởng của Tuấn. Nếu có thì nhạc của Tuấn sẽ luôn chiếm các top đầu. Cả đời Tuấn chỉ “gáy” một mình” Lê Tâm cảm thán.
Nhạc sĩ Tuấn “gà” tên thật Nguyễn Tuấn, sinh năm 1977 tại Hải Phòng. Anh mất lúc 3h15 ngày 23/2 ở tuổi 45. Một số tác phẩm nổi bật của anh: "Tiếng gáy thời gian", "5 hồi chuông ký ức", "Áo cũ dây phơi", "Bồ câu hạt thóc".