Nhạc sĩ An Thuyên đột ngột qua đời

Nhạc sĩ An Thuyên
Nhạc sĩ An Thuyên
Ca sĩ Thái Bảo vừa cho biết, nhạc sĩ An Thuyên đã qua đời lúc 17h45' phút tại Bệnh viện 108. "Nhạc sĩ An Hiếu vừa gọi điện thông báo cho tôi bố cậu ấy nhạc sĩ An Thuyên vừa qua đời".

Nhạc sĩ An Thuyên sinh năm 1949 tại xã Quỳnh Thắng, Quỳnh Lưu, Nghệ An. Năm 11 tuổi đã đàn hay, sáo giỏi và là người chơi các nhạc cụ dân tộc rất có duyên cho "gánh hát" của gia đình. Ca khúc đầu tiên đó chính là bài hát "Nối gót anh hùng", nhân dịp vài người dân quê đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Năm 1967, An Thuyên bắt đầu công tác ở Ty Văn hoá Nghệ An. Năm 1975, ông vào bộ đội. Năm 1977, ông trở thành nhạc công của Đoàn Văn công Quân khu IV. Năm 1981, ông được cử đi học ở Nhạc viện Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp, ông về Phòng Văn nghệ Quân đội, nay là Trường Đại học Văn hóa - Nghệ thuật Quân đội, công tác ở đó cho đến tận lúc về hưu.

An Thuyên sáng tác khá sung sức và đều tay. Công chúng biết và yêu mến ông với rất nhiều bài hát như: Em chọn lối này, Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác, Hành quân lên Tây Bắc, Khi xe tăng qua miền quan họ, Thơ tình của núi, Chín bậc tình yêu, Huế thương, Neo đậu bến quê, Mẹ Việt Nam anh hùng, Ca dao em và tôi...

Tuy nhiên, An Thuyên chiếm trọn được trái tim của mọi người yêu nhạc Việt Nam là nhờ vào những bài viết nặng lòng với quê hương như Neo đậu bến quê, Ca dao em và tôi. Tình yêu quê hương đập rộn ràng trong các ca khúc của ông, và dường như nó cũng hóa thân vào những xúc cảm thẩm mỹ khi ông viết về những vùng quê khác, những đề tài khác.

"Tôi đã được lớn lên trong dòng sữa âm nhạc dân gian. Nhưng điều đấy không có nghĩa là chất liệu đó sẽ vào trong sáng tác của mình. Ðiều cốt lõi là người nhạc sĩ phải biết nâng niu, gọt giũa, kết hợp cái thuần tuý thắm đượm của âm nhạc dân gian, cái tri thức âm nhạc dân gian với tri thức âm nhạc bác học hiện đại. Có như vậy mới tạo ra được những tác phẩm tân thời hiện đại mà đậm đà chất liệu dân ca" - nhạc sĩ An Thuyên từng trải lòng.

Ngoài sáng tác ca khúc, nhạc sĩ An Thuyên còn viết một số kịch hát đã được dàn dựng ở nhiều đoàn văn công như Trương Chi, Đôi đũa kim giao, Biển tình cay đắng, sáng tác cho khí nhạc như Concerto cho flute và dàn nhạc giao hưởng. Ông còn viết nhạc cho phim, nhạc cho múa và viết phần âm nhạc cho khoảng 60 vở kịch nói, tuồng, chèo...

Với những sáng tác đi vào lòng người, nhạc sĩ An Thuyên vinh dự nhận được nhiều giải thưởng: Giải Nhất cuộc thi ca khúc toàn quốc năm 1985: Tiếng đàn balalaica trên sông Đà (phỏng thơ Quang Huy); Giải thưởng chính thức của Bộ Quốc phòng: Hành quân lên Tây Bắc (1984), Thơ tình của núi (1994). Giải Nhất của Bộ Văn hoá - Thông tin và Hội Nhạc sĩ Việt Nam: Khi xe tăng qua miền Quan họ (1985), Mẹ Việt Nam anh hùng (1995).

Ông đoạt nhiều giải của Hội Nhạc sĩ Việt Nam: Giải Nhì với bài Chín bậc tình yêu (1992), giải Nhất với bài Bài ca người tình báo (2000), Giải Nhất với bài Đi tìm bóng núi (2004), giải Nhì hợp xướng Chào Việt Nam thênh thang mùa xuân (2004). Đặc biệt, năm 2007 ông được trao Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật với chùm tác phẩm: Em chọn lối này, Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác, Hành quân lên Tây Bắc.

Về đời riêng, An Thuyên là ông bố hạnh phúc của hai người con cũng khá nổi tiếng là nhạc sĩ An Hiếu và ca sĩ, BTV Bông Mai cùng người vợ tuyệt vời - đạo diễn, nghệ sĩ Ngô Huyền Lâm. Chính từ người vợ này mà người nhạc sĩ tài hoa đầy lãng mạn dám dũng cảm nói trước công chúng: "Cả đời tôi mê đắm phụ nữ, vì không yêu, không bay bổng sao viết hay được?".

Theo Theo Vietnamnet
MỚI - NÓNG