Nhắc như nhắc tuồng

TP - Những năm 1990, khi tôi còn chơi trong ban nhạc sinh viên đại học và được nghỉ hè thì có một đoàn cải lương từ miền Nam ra mời đi cùng đoàn để biểu diễn tại các tỉnh phía Bắc, cũng nhờ đó mà tôi biết được nghề nhắc tuồng.

Đoàn chúng tôi đông đảo, ban nhạc cả hàng người, diễn viên già trẻ trai gái đủ cả và rất sung sức. Chúng tôi ngày đi, đêm diễn. Vé bán hết sạch, tiền thu hàng bao tải. Tiền thù lao một đêm chơi nhạc cho đoàn của tôi bằng học bổng cả tháng. Cái thời đất nước mới mở cửa, các đoàn nghệ thuật diễn nhiều vở hút khách, và thời thượng, cái gì khán giả thích thì diễn cái ấy. Ngoài những vở truyền thống thì những vở mới ra đang ăn khách, chúng tôi đều diễn.

Với lối vừa di chuyển vừa tập, vừa diễn, chúng tôi thường tập vở mới vào buổi chiều. Việc đầu tiên là mở băng cát sét ra cho mọi người nghe, phân vai, phân cảnh. Có một người giỏi chữ nghĩa sẽ chép lại kịch bản, lời thoại, lời hát. Chúng tôi tập suốt buổi chiều và có khi vì khán giả quá yêu thích những vở ấy quá, ngay buổi tối chúng tôi đã đem vở mới ra diễn luôn!

Chắc chắn sẽ không thể có bộ óc nào có thể thuộc nổi chính xác kịch bản và lời ca chỉ sau một buổi tập. Những đào kép chính thường thuộc lời hát của họ, vì lời hát liền mạch và phải hợp với làn hơi. Rất nhiều diễn viên khác không thuộc kịch bản. Cứ yên tâm! Đã có một anh nhắc tuồng núp sau cánh gà.

Diễn viên bước ra, mắt nhìn khán giả, tai hướng vào cánh gà. Anh nhắc tuồng bắt đầu gào lên, đủ cho diễn viên nghe: “Như ta đây…” thì diễn viên cũng quay một vòng rồi ra bộ, nói: “Như ta đây…”.

Người nhắc tuồng bảo tôi: “Bạn thông cảm, đoàn mình nhiều người theo cha mẹ lang thang nay đây mai đó, không đi học, nên chẳng biết chữ. Những vở diễn lâu thì thuộc lòng, còn vở mới phải nhắc dần cho đến khi thuộc”. Lắm hôm, diễn viên bước ra loay hoay mãi không mở miệng được, là do anh nhắc tuồng bị rớt kính.

Nghề nhắc tuồng có tự xa xưa, giờ đây nó được hiện đại hóa rất tinh vi.

Có nhiều bài báo đã “bật mí” công nghệ nhắc tuồng hiện đại bằng tai nghe không dây, khá phổ biến. Người ta cũng nói công nghệ này “kịch học lỏm từ ca nhạc” khi nhiều ca sĩ đeo tai nghe chỉ để hát nhép cho khớp hình, khớp tiếng.

Một nghệ sĩ tên tuổi gạo cội của ngành cải lương nói rằng: “Thế hệ tôi yêu nghề, sớm tối cố học thuộc kịch bản, tự diễn trước gương, khi nào thuộc mới thôi. Bây giờ nhiều em tập vở mà tay vẫn cầm điện thoại, đang tập vẫn nhắn tin chát chít, thì làm sao mà thuộc được tuồng! Đến lời thoại còn chưa thuộc thì làm sao diễn đạt được vở cho hay, hấp dẫn, tình cảm?”.

Mới đây, tôi đi xem một chương trình ca nhạc ở phòng trà và thấy nhiều ca sĩ trẻ khi hát đều mở điện thoại để trên giá, nhìn lời trên mạng để hát. Họ không thuộc lời các ca khúc. Khi được hỏi, các bạn trẻ “bật” lại: “Các chị lớn, khi ra sân khấu còn có màn hình để ở góc, chạy lời, nhìn vào hát thì đã sao!”.

Rất nhiều khán giả than phiền rằng họ buồn lòng khi thấy một số ca sĩ hát nhạc Văn Cao, Trịnh Công Sơn, Đoàn Chuẩn… nhưng không thuộc lời và vẫn cứ phải nhờ công nghệ “nhắc tuồng” hiện đại bằng tai nghe không dây, bằng màn hình, điện thoại…

Công nghệ hiện đại giúp con người rất nhiều, nhưng không nên sử dụng chúng để thay thế hoàn toàn trí nhớ của con người, nhất là trong lĩnh vực lao động nghệ thuật.