Nhà vô địch Olympia chia sẻ kinh nghiệm học tập
Bạn Đặng Thái Hoàng (vô địch Olympia 2012) và bạn Phan Minh Đức (vô địch Olympia 2010, hiện học năm 2 cử nhân tài chính kế toán tại Swinburne, Australia), cùng chia sẻ kinh nghiệm học hành.
Anh Phan Minh Đức có học thêm không? Em đang học phổ thông tại Quảng Trị, học cũng giỏi. Nếu em học tại trường, không đi học thêm có học giỏi được như anh không? Anh chia sẻ cách học thêm tại nước ngoài cho em với?
Bạn Phan Minh Đức: Theo mình, quan trọng không phải đi học thêm hay không mà mình tự học như thế nào. Quan trọng không phải đáp số mà là các phương pháp để giải quyết bài như thế nào.
Bạn nên tìm tòi cách giải nào hay hơn, như thế sẽ nhớ và hiểu bài sâu hơn. Khi bằng tuổi bạn, mình không đi học thêm mà chỉ học trên lớp. Thời gian ở nhà, mình làm tất cả bài tập thầy cô cho và còn đọc, làm thêm các bài tập mở rộng và nâng cao.
Ngoài học từ thầy cô, sách vở, mình còn học thêm từ bạn bè cũng như mọi điều trong cuộc sống như tin tức từ tivi hay trên Internet. Tuy nhiên cần phải biết lựa chọn thông tin nào bổ ích, tránh mất thời gian vào những trò chơi vô bổ. Chúc bạn học tập tốt. Mình tin rằng nếu bạn học tập tốt sẽ đạt được kết quả mong muốn.
Cho em hỏi các anh về phương pháp để có một trí nhớ tốt và khoa học?
Bạn Đặng Thái Hoàng: Anh hi vọng những chia sẻ sau có thể giúp em sở hữu một phương pháp học tập hiệu quả. Muốn có trí nhớ tốt, nguyên tắc cơ bản nhất là lặp đi lặp lại lúc đó ta sẽ nhớ dù vô thức hay hữu ý.
Ví dụ: nghe nhiều lần một bài hát dù không có chủ đích ta vẫn thuộc lời và nhạc. Mình sẽ sử dụng khả năng ghi nhớ tiềm thức này bằng cách tăng tần suất xuất hiện của mục tiêu cần ghi nhớ cụ thể như: dùng giấy nhớ dán khắp nơi để nhìn đâu cũng bắt gặp từ tiếng Anh, công thức vật lý... cần nhớ hoặc khi nhận bài kiểm tra bị sai câu nào thì sau khi sửa chỉ cần viết lại một lần sẽ khiến việc sai lần nữa ít xảy ra.
Khi cần nhớ cấp tốc thì nên gạch đầu dòng, nghĩa là phải tập tóm tắt nội dung cần nhớ. Khi đọc hay xem tivi nếu thấy chi tiết gì hay thì nên ghi lại ngay, ghi bài trên lớp cũng tương tự, không cần ghi nhiều, chỉ cần ghi từ khóa (quan trọng) và ý chính.
Trí nhớ tức thời đôi khi cũng rất hiệu quả. Ví dụ: khi đã lên giường đi ngủ anh chợt nhớ ra một từ tiếng Anh không biết nghĩa liền bật dậy tra từ điển ngay thì sẽ nhớ rất lâu từ đó. Cuối cùng, khi thật sự yêu thích vấn đề gì em sẽ dễ dàng ghi nhớ nó nhất.
Theo em, việc lựa chọn nghề nghiệp rất quan trọng. Anh đã chọn lựa nghề nghiệp căn cứ trên những tiêu chí nào? Anh nhận thấy ĐH Swinburne sẽ hỗ trợ được anh những gì? Vì sao anh chọn ĐH Swinburne hay chỉ vì đây là nơi anh được cấp học bổng?
Đặng Thái Hoàng. Ảnh: Tuổi Trẻ |
Bạn Đặng Thái Hoàng: Anh đồng ý với em rằng việc lựa chọn nghề nghiệp là cực kỳ quan trọng, nó quyết định cả tương lai sau này. Việc định hướng nghề nghiệp hiện nay cho học sinh phổ thông chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế, vì vậy mỗi chúng ta phải tự quyết định hướng đi phù hợp nhất cho mình.
Anh lựa chọn nghề nghiệp dựa theo 3 tiêu chí: sở thích, gia đình, xu hướng xã hội. Trước hết phải xác định mình thích gì, có khả năng và quyết tâm để theo đuổi sở thích đó không. Tiếp theo phải có sự thống nhất giữa gia đình và bản thân, như anh quyết định theo nghề của bố là kỹ sư xây dựng.
Không kém phần quan trọng là xu hướng việc làm trong tương lai. Không nhất thiết là chọn nghề thời thượng, chạy đua theo mọi người nhưng nên chọn những ngành đang phát triển mạnh, những ngành có khả năng phát triển khi đất nước hội nhập.
ĐH Swinburne hỗ trợ anh phần học phí. Anh chọn ĐH Swinburne vì nhiều lý do. Anh muốn theo ngành kỹ thuật mà ĐH Swinburne lại là một trường hàng đầu về đào tạo kỹ sư tại Úc.
Các anh chị vô địch Olympia những năm trước đều chọn ĐH Swinburne và đã tư vấn cho anh về môi trường học tập, cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên ở đây rất tốt. Anh cũng đã tìm thêm thông tin trên mạng và tin tưởng mình sẽ có kết quả tốt nhất khi học tập tại đây.
Theo Tuổi Trẻ