Nhà văn trẻ Phan Việt : Từ Mỹ, tôi nhìn về Hà Nội...

Nhà văn trẻ Phan Việt : Từ Mỹ, tôi nhìn về Hà Nội...
30 tuổi, tác giả của những Tiếng Người (tiểu thuyết), Phù phiếm truyện (tập truyện ngắn giành giải Nhì cuộc thi Văn học tuổi 20 năm 2005), Phan Việt tên thật là Nguyễn Ngọc Hường, hiện sống và làm việc tại Mỹ - lại bắt tay vào một tập truyện ngắn mới.
Nhà văn trẻ Phan Việt : Từ Mỹ, tôi nhìn về Hà Nội... ảnh 1

Nhà văn Phan Việt. Ảnh : TT&VH 

Phan Việt cho biết, để viết được 18 truyện ngắn cho tập truyện này, chị đã phải trải qua cuộc sống tại nước Mỹ trong 8 năm trời".

Con đường đến nước Mỹ của chị được bắt đầu thế nào?

- Năm 1998, khi đang học năm thứ ba ở ĐH Ngoại thương, tôi bắt đầu nghĩ tới chuyện đi học tiếp tại nước ngoài. Khi đó, duy nhất tại Mỹ, học sinh có thể tự làm hồ sơ xin học thẳng với các trường; còn các diện học bổng của những nước khác đều chủ yếu thông qua con đường hợp tác giữa các chính phủ và dành cho người có giải thưởng quốc gia, quốc tế hay thủ khoa, mà tôi thì không có cơ hội với loại học bổng này.

Công việc chuẩn bị và xin theo học của tôi diễn ra khá lâu. Khi ấy Internet tại Hà Nội hiếm vô cùng, và cũng chẳng có mấy học sinh đi học tại Mỹ nên rất ít thông tin. Cuối cùng, mọi chuyện cũng suôn sẻ.

Đầu năm 2000 tôi tốt nghiệp ĐH thì đến tháng 8/2000 tôi lên đường. Lúc đầu, tôi theo học thạc sĩ về truyền thông tại Omaha (bang Nebraska). Từ năm 2002 đến nay, tôi là nghiên cứu sinh chương trình tiến sĩ về công tác xã hội tại ĐH Chicago, Mỹ.

Phải chăng, quãng thời gian xa xứ cũng là cơ duyên để chị đến với nghề văn?

- Khi còn ở trong nước, tôi cũng có sáng tác một số truyện ngắn và thơ bằng tiếng Anh hoặc tiếng Việt. Nhưng khi ấy, việc trở thành nhà văn chuyên nghiệp là một lựa chọn không tưởng với tôi, bởi ấn tượng chung mà tôi nhận thấy từ xung quanh: nhà văn đồng nghĩa với một hình ảnh không lấy gì làm sáng sủa. Họ là những người mơ mộng viển vông, thiếu thực tế, thường đi ngược xã hội và dĩ nhiên là nghèo (cười).

Nhưng khi sang đây, những cuốn sách văn học tôi được đọc tại Mỹ, cùng với bầu không khí học thuật tại Mỹ đã cho tôi một ý nghĩ khác. Tôi nhận ra rằng không có một khái niệm nhà văn chung chung nào, nếu viết thì tôi có thể trở thành bất cứ dạng nhà văn nào mình muốn, tùy theo năng lực. Năm 2005, việc Phù phiếm truyện được giải cũng giống như một thử nghiệm thành công của tôi với con đường này.

Vậy, khi theo dõi những thông tin về VN, chị quan tâm tới những vấn đề gì nhất, và lí do của sự quan tâm ấy?

- Các tin về chính trị, xã hội, kinh tế. Mục đích đọc thì chủ yếu là để biết tình hình của VN; và quan sát những việc này cũng giúp cho tôi - với tư cách người viết - hiểu thêm rất nhiều về tâm lý con người, ví dụ như tâm lý một xã hội, nền tảng giá trị một xã hội, rồi tâm lý cá nhân.

Nhưng phải nói thật là gần đây tôi ít đọc hơn nhiều bởi vì báo chí bây giờ nhấn mạnh vào tin giật gân một cách quá mức; mở trang báo ra toàn thấy sinh viên tự tử, tai nạn đâm xe, công an ăn hối lộ, vân vân… đọc nhiều cũng thấy mệt mỏi, có lúc thấy phẫn nộ, bất lực; những cảm xúc này rất mất sức.

Vậy, thời gian 8 năm tại Mỹ giúp chị có sự thay đổi thế nào về cách nhìn cuộc sống của mình?

- Nói chung, từ Mỹ nhìn về Hà Nội và quan sát đời sống ở Hà Nội bằng con mắt một người đứng từ xa và muốn tìm “truyện” từ đó, tôi thấy mình “bắt” những chi tiết khác hẳn so với hồi mình còn ở nhà.

Chẳng hạn, ví dụ cụ thể là những hoạt động thu hút giới trẻ trong nước. Từ Mỹ nhìn về, chuyện này khiến tôi suy nghĩ đến nhiều thứ mà trước đây tôi không mấy khi nghĩ đến một cách cụ thể, như cái gì có thể tập hợp được một đám đông người, cái gì có thể duy trì được đám đông đó, cái gì phá vỡ nó, và rộng ra là đặc tính của người VN cũ và mới…

Có điều này vì một phần chương trình tiến sỹ của tôi có học về các lý thuyết phát triển cộng đồng và phong trào xã hội; khi tôi nhìn thấy những chuyện hoạt động xã hội thì tôi hiểu rõ hơn một chút.

Nhưng nếu để viết văn thì lại còn phải đi sâu vào các cá thể người, vì văn chương thì cần hướng đến các số phận cụ thể hơn là chung chung.Văn chương giúp tôi nhìn thế giới cụ thể hơn, kỹ lưỡng hơn, không quan sát lướt lướt cảm tính; tôi cũng có ý thức nhìn mọi thứ từ nhiều phía và nhìn kỹ những thứ không ở trong tâm điểm quan sát chính của xã hội.

Một ngày bình thường của chị bây giờ diễn ra như thế nào?

- Hơn một năm nay tôi chuyển về sống ở một thị trấn nhỏ bên bờ Đông nước Mỹ. Cuộc sống ở đây rất thanh bình chứ không giống như lúc tôi ở Chicago hay ở gần New York.

Sáng ngủ dậy, tôi thường rời khỏi nhà, lái xe ra chuỗi cửa hàng bánh mỳ Panera ăn một bữa cho cả ngày - thường là salad hoặc súp với một nửa cái sandwich; ngày nào cũng thế, đến nỗi nhân viên ở đây biết trước thực đơn của tôi.

Chiều tối, tôi về ngang qua siêu thị mua thức ăn, rồi về nhà nấu cơm. Buổi tối, có hôm tôi viết, có hôm đọc sách, đi nghe nhạc, đi xem phim. Hầu như cuối tuần nào tôi cũng đi đâu đó, có thể ra biển, có thể đi một lễ hội nhạc, đi thăm bảo tàng, thăm một thị trấn nhỏ xem cho biết. Đến mùa đông thì về cơ bản là ở trong nhà tránh rét vì tôi không thích lạnh (cười).

Còn chuyện viết văn, chị dành thời gian cho nó thế nào?

- Ngày nào tôi cũng lên thư viện đọc sách nghiên cứu hoặc viết từ 8h sáng đến 5h chiều. Trưa ăn một chút rồi làm việc tiếp. Tại đây, không khí tôn trọng học thuật làm người ta cảm thấy luôn luôn có hứng nghiên cứu, tìm tòi, suy nghĩ và cảm thấy tự do tuyệt đối trong công việc của mình.

Nói chung, với tôi, viết lách là công việc đòi hỏi sự tập trung cao độ và trách nhiệm cực kỳ lớn, chứ không đơn thuần chỉ phụ thuộc vào cảm hứng

Xin cảm ơn chị về cuộc trò chuyện này!

Theo Cúc Đường
TT&VH

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.