Nhà văn Sơn Tùng với Đại tướng Võ Nguyên Giáp

0:00 / 0:00
0:00
Đại tướng Võ Nguyên Giáp xúc động trong một lần nhà văn Sơn Tùng (bìa phải) và các cựu chiến binh đến thăm
Đại tướng Võ Nguyên Giáp xúc động trong một lần nhà văn Sơn Tùng (bìa phải) và các cựu chiến binh đến thăm
TP - Trong căn hộ nhỏ của nhà văn Sơn Tùng có treo ba bức ảnh ở vị trí trang trọng nhất. Bức thứ nhất lớn hơn cả được treo phía trên, chụp hình phóng viên báo Tiền Phong Sơn Tùng được vinh dự gặp Bác Hồ trong một lần ông đi tác nghiệp cách đây gần 60 năm. Còn hai bức phía dưới treo cạnh nhau, mỗi bức là hình ảnh nhà văn chụp với Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Cuộc gặp ý nghĩa

Nhà văn Sơn Tùng mới mất cách đây hơn một tháng. Nhớ lại những lần đến nhà ông, tôi đều lặng ngắm những bức ảnh này. Chuyện nhà văn Sơn Tùng được gặp Bác Hồ và Thủ tướng Phạm Văn Đồng, tôi đã từng đề cập trong các bài viết về ông. Còn kỷ niệm của nhà văn với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tôi mới được anh Bùi Sơn Định, con trai nhà văn kể trong lần gần nhất tôi đến thăm ông, trước khi nhà văn Sơn Tùng mất một thời gian.

Anh Bùi Sơn Định cho biết, năm 1993, đại tá Nguyễn Huyên, thư ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp gọi điện cho nhà văn Sơn Tùng, nói đại ý: “Nếu sức khỏe cho phép, anh thu xếp để đến gặp Đại tướng. Anh Văn muốn hỏi anh một số vấn đề trước khi chuẩn bị tư liệu để viết về Tư tưởng Hồ Chí Minh”.

Nghe vậy, nhà văn Sơn Tùng nhận lời ngay, vì đây là dịp hiếm để ông có dịp ngồi nói chuyện lâu với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhằm bồi đắp thêm tư liệu cho dự kiến sau này sẽ viết về vị tướng tài, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sáng hôm sau, nhà văn Sơn Tùng đi từ sớm, tới chiều muộn mới về nhà. Buổi tối, ông thuật lại cuộc gặp cho vợ con nghe: “Đại tướng nay đã bước sang tuổi 83 mà trí tuệ vẫn minh mẫn, sáng suốt lạ thường. Mở đầu câu chuyện, Đại tướng nói những tác phẩm của Sơn Tùng gửi biếu tôi đều đọc hết, đặc biệt là cuốn “Búp sen xanh”.

Nhưng có nhiều chi tiết tôi muốn hỏi lại Sơn Tùng cho rõ về các mối thâm giao giữa cụ Nguyễn Sinh Sắc, thân phụ Bác Hồ với các bậc nhà nho, khoa bảng nổi tiếng thời đó như cụ Phan Bội Châu, Vương Thúc Quý, Ngô Đức Kế, Hồ Tá Bang, Cao Xuân Dục… Hay chuyện về bài thơ của bé Côn (tên Bác Hồ thuở nhỏ) ứng khẩu đọc cho cha nghe khi đi qua đèo Ngang, trên đường vào kinh đô Huế, được in trong tiểu thuyết “Búp sen xanh”. Chuyện về bà Thanh và ông cả Khiêm, chị và anh ruột của Bác. Rồi chuyện Bác từ bến cảng Nhà Rồng đi tìm đường cứu nước và nhiều vấn đề khác hình thành nên tư tưởng, nhân cách Hồ Chí Minh sau này. Những chuyện đó có kết cấu, hình thành thế nào giữa tiểu thuyết và cứ liệu lịch sử…”.

Nhà văn Sơn Tùng với Đại tướng Võ Nguyên Giáp ảnh 1

Đại tướng Võ Nguyên Giáp thân mật ôm nhà văn Sơn Tùng (Ảnh chụp lại từ tư liệu của nhà văn Sơn Tùng)

Hôm đó, nhà văn Sơn Tùng đã trả lời những điều Đại tướng quan tâm. Đại tướng chăm chú lắng nghe, ghi chép lại cẩn thận. Đến gần trưa, Đại tướng nói: “Chúng mình tạm nghỉ nhé, chiều làm việc tiếp. Hôm nay ta ăn với nhau bữa cơm gia đình nhé”. Bữa cơm hôm đó tại nhà Đại tướng có đĩa cá kho thơm mùi gừng, bát cà muối ướp mắm tỏi, đĩa đậu đũa thái vát xào thịt bò, bát nước mắm nguyên chất không pha, bát canh nhỏ. Nhìn mâm cơm, Đại tướng vui vẻ nói: “Thực sự là bữa cơm gia đình nhé, mọi thứ do nhà tôi tự nấu lấy”. Nghe vậy, bà Đặng Bích Hà, phu nhân Đại tướng cười, nói thêm: “Hôm nay có khách nên mới có thêm đĩa thịt bò xào. Bình thường, anh Văn rất ít ăn thịt”.

Anh Bùi Sơn Định cho biết: “Kể lại câu chuyện đó, ba tôi không nén được xúc động. Tác phong, sinh hoạt của Đại tướng thật giản dị và gần gũi, giống như người thầy của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh”.

Bức trướng mừng sinh nhật Đại tướng

Câu chuyện gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhà văn Sơn Tùng cũng kể lại cho các bạn trong một cuộc gặp sau đó tại Chiếu văn của gia đình. Chiếu văn này có từ lâu tại nhà ông, là nơi quy tụ, đàm đạo của các nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ, giáo sư, cựu chiến binh, nhà ngoại giao, nhà giáo… “Hằng năm, mỗi khi vào dịp sinh nhật Đại tướng, các thành viên của Chiếu văn lại tập hợp để đến tư gia của Đại tướng chúc mừng”- anh Bùi Sơn Định cho biết.

Cũng trong năm 1993, nhân dịp sinh nhật Đại tướng, các thành viên Chiếu văn lại tổ chức đến chúc mừng người anh Cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Hôm đó, trong đoàn Chiếu văn đến chúc mừng sinh nhật Đại tướng, nhà thơ Hồ Khải Đại (quê Nghệ An, hội viên sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam) có đem theo món quà mừng là một bài thơ tứ tuyệt bằng chữ quốc ngữ viết trên giấy hồng điều. Bài thơ rằng: “Chung thân bằng hữu thị nhân dân/Vi tướng vi sư vi nghĩa nhân/Văn võ song toàn Nguyên Giáp giả/Tâm tri thiên hạ sự như thần”.

Nhà văn Sơn Tùng với Đại tướng Võ Nguyên Giáp ảnh 2

Nhiều năm qua, anh Bùi Sơn Định (đứng sau, bên trái) luôn chăm sóc nhà văn Sơn Tùng

Ảnh: KIẾN NGHĨA

Anh Bùi Sơn Định cho biết, lần đó, sau khi tặng xong, mọi người lại nghĩ bức trướng viết bằng giấy hồng điều để lâu sợ rách, nếu được thêu trên vải điều thì mới bền được. Bài thơ cũng cần dịch nghĩa để ai đọc cũng hiểu. Sau khi thống nhất, mọi người đề xuất cử bà Phan Hồng Mai (vợ nhà văn Sơn Tùng) và anh Bùi Sơn Định đến nhà Đại tướng Võ Nguyên Giáp xin lại bài thơ để mang về thêu.

Viết bài này vào những ngày cuối tháng Tám, tôi nhớ đây là dịp kỷ niệm 110 năm ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Tháng 8 cũng là tháng sinh của nhà văn Sơn Tùng, nay nhà văn vừa mới đi xa ở tuổi 93…

Gia đình nhà văn Sơn Tùng đã liên lạc để xin ý kiến Đại tướng về ý tưởng trên và được Đại tướng đồng ý. Chiều hôm đó, khi bà Mai và anh Định tới nơi đã thấy Đại tướng ngồi đợi ở phòng khách, trên bàn là bài thơ của nhà thơ Hồ Khải Đại. Trong câu chuyện, Đại tướng hỏi thăm sức khỏe của nhà văn Sơn Tùng, rồi hỏi: “Tôi nghe nói có nơi muốn xây nhà tình nghĩa cho anh Sơn Tùng, sao anh chị lại không nhận?”. Khi đó bà Mai có ý để anh Định thưa chuyện nên ngần ngừ không nói. Biết ý, anh Định thưa: “Thưa bác, ba cháu rất cảm động khi biết Thành Đoàn Hà Nội khởi xướng việc này, đã đề xuất bỏ tiền và quận Đống Đa cũng đồng ý cấp đất gần nơi ở cũ để gia đình xây nhà. Nhưng ba cháu nghĩ, nhà cũ tuy chưa được rộng rãi, nhưng nhiều người khác còn chưa có nhà, vì vậy ngôi nhà tình nghĩa kia xin được nhường cho gia đình khác còn khó khăn hơn”. Nghe xong, Đại tướng xúc động, nhè nhẹ gật đầu.

“Tình cảm giữa Đại tướng và ba tôi càng thêm gần gũi, ấm áp. Sau này, ba tôi luôn nhắc đến lần gặp gỡ trên với Đại tướng là một kỷ niệm đẹp của đời mình”.

Anh Bùi Sơn Định

Khi bức trướng được mang về, nhà văn Sơn Tùng đã dịch nghĩa bài thơ: “Trọn đời vì nước vì dân/Là thầy, là tướng, nghĩa nhân làm đầu/Võ văn Nguyên Giáp song toàn/Như thần thấu suốt nhân gian lòng người”. Sau khi thêu xong, nhà văn Sơn Tùng đã đến nhà Đại tướng để tặng lại bức trướng. Tại đây, nhà văn Sơn Tùng lại có dịp trò chuyện thêm với Đại tướng Võ Nguyên Giáp về Chủ tịch Hồ Chí Minh, về quá trình hình thành nhân cách của Người, để từ đó kết tinh thành tư tưởng Hồ Chí Minh. “Từ dạo ấy, tình cảm giữa Đại tướng và ba tôi càng thêm gần gũi, ấm áp. Sau này, ba tôi luôn nhắc đến lần gặp gỡ trên với Đại tướng là một kỷ niệm đẹp của đời mình”- anh Bùi Sơn Định cho biết.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.