Người ta nói nhiều tới bất cập trong lĩnh vực văn hóa, vậy còn sự đóng góp của văn hóa vào sự phát triển chung thì sao thưa ông? Dường như văn hóa trong nhận thức của một vài cấp, ngành được xem là “cờ đèn kèn trống”?
Tôi muốn nói lại một lần nữa nhận thức của người Mỹ về Việt Nam sau chiến tranh: Việt Nam là một đất nước, không phải là một cuộc chiến tranh. Sau năm 1975, người Mỹ tổng kết: Phát hiện lớn nhất của người Mỹ về Việt Nam là phát hiện về văn hóa.
Một minh chứng thuyết phục nhất về sức mạnh của văn hóa Việt Nam vừa qua chính là hai cuộc kháng chiến chống ngoại xâm. Nếu không có tình yêu dân tộc, không có lòng tự trọng dân tộc, không có khát vọng hòa bình và những hành động cho khát vọng đó, người Việt Nam đã thất bại trước những đội quân xâm lược hùng mạnh nhất thế giới ở những giai đoạn lịch sử đó. Tất cả những điều kỳ diệu đó được sinh ra từ văn hóa.
“Các quốc gia đang sống trong một thế giới phẳng và những “biên giới” đang dần bị xóa nhòa. Nhưng biên giới (hay) lãnh thổ văn hóa của mỗi quốc gia phải được bảo vệ và được xác lập rõ ràng. Nếu lãnh thổ văn hóa bị xóa nhòa thì nền độc lập của bất cứ quốc gia nào cũng bị đe dọa”.
Nhà văn Nguyễn Quang Thiều
Nhưng sau khi đất nước thống nhất, đặc biệt trong vài chục năm trở lại đây, nhận thức về văn hóa của không ít người Việt đặc biệt là những nhà quản lý văn hóa ở nhiều cấp rất sai lệch. Họ nghĩ rằng văn hóa là giải trí, vui chơi. Nhiều hoạt động trên một số phương tiện thông tin đại chúng và trong đời sống đã rời xa sứ mệnh giáo dục thẩm mỹ, hun đúc ý thức lịch sử… mà rơi vào những thỏa mãn thời thượng. Chính vì quan niệm và cách điều hành đó mà xã hội đang chuyển dịch (cho dù rất chậm) về sự hưởng thụ tầm thường, rời xa cội gốc của nền tảng đức hạnh xã hội.
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi văn nghệ sĩ cũng là chiến sĩ trong suốt cuộc đấu tranh, bảo vệ và xây dựng Tổ quốc. Vậy trong thời kỳ đổi mới, chúng ta nên nhìn nhận vai trò của văn nghệ sĩ ra sao?
Văn nghệ sĩ tạo ra các tác phẩm nghệ thuật để bảo tồn và lan tỏa những vẻ đẹp, giá trị của văn hóa. Họ làm cho văn hóa được đời sống hóa một cách sống động. Chúng ta phải nhận thức rõ ràng rằng: văn hóa không bất động, không phải những thứ để ngắm nhìn hay thờ cúng mà nó là một đời sống. Và văn hóa luôn luôn được cộng vào những vẻ đẹp, những giá trị mới của các thời đại.
Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần này mang một sứ mệnh vô cùng hệ trọng-xác lập ở một chiều kích sâu rộng hơn về sứ mệnh của văn hóa, đồng thời cảnh báo những mối đe dọa tới nền văn hóa dân tộc. Chính vì vậy, văn nghệ sĩ phải trở thành những hạt nhân, tiên phong trong chiến lược văn hóa. Việc nhận thức chính xác vai trò của văn nghệ sĩ, việc tạo điều kiện mọi mặt và điều quan trọng nhất là giải phóng tiềm năng sáng tạo của văn nghệ sĩ sẽ là yếu tố then chốt trong việc bảo tồn và thúc đẩy những giá trị văn hóa truyền thống hòa vào đời sống đương đại và phát triển đất nước. Nếu không có các văn nghệ sĩ với những tác phẩm chất lượng thì mọi chiến lược văn hóa mãi mãi ở trong phạm vi của văn bản.
Với tư cách một người cầm bút, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, điều gì khiến ông trăn trở nhất trước bối cảnh hiện nay?
Thế giới đã thay đổi rất lớn về mọi mặt. Các quốc gia đang sống trong một thế giới phẳng và những “biên giới” đang dần bị xóa nhòa. Nhưng biên giới (hay) lãnh thổ văn hóa của mỗi quốc gia phải được bảo vệ và được xác lập rõ ràng. Nếu lãnh thổ văn hóa bị xóa nhòa thì nền độc lập của bất cứ quốc gia nào cũng bị đe dọa. Người ta có thể đòi lại lãnh thổ địa lý trong một đêm, nhưng khi đã đánh mất lãnh thổ văn hóa thì có thể hàng trăm năm sau mới giành lại được.
Một hiện thực cho thấy những vẻ đẹp làm nên văn hóa Việt như khát vọng hòa bình, ý chí độc lập, sự đùm bọc yêu thương, lòng vị tha, hiếu thảo, sự khiêm nhường… đang bị chủ nghĩa thực dụng tấn công.
Cách con người ứng xử với thiên nhiên và đồng loại đang ở trong tình trạng báo động rất cao. Bởi thế, Hội nghị văn hóa lần này là sự đòi hỏi cấp bách của đất nước. Và chỉ văn hóa mới có thể chữa được những căn bệnh tinh thần và đạo đức cho một xã hội.
Cảm ơn ông!