Nhà văn Nguyễn Khải gặp nguyên mẫu nhân vật

Nhà văn Nguyễn Khải
Nhà văn Nguyễn Khải
TP - Ba mươi năm sau khi xuất bản tiểu thuyết nổi tiếng Xung đột, Nguyễn Khải trở lại vùng đất xưa kia ông đã từng lăn lộn, gặp lại các nguyên mẫu cho các nhân vật của mình, cả “chính diện” lẫn “phản diện”. Rất nhiều bất ngờ đã xảy ra.
Nhà văn Nguyễn Khải
Nhà văn Nguyễn Khải.

Buổi sáng ấy, gần cuối đông năm 1995, vào tiết đại hàn và lễ Giáng sinh, nhưng không rét lắm. Một chiếc xe Uoát màu xanh lá mạ, biển số màu đỏ quân đội từ con đường trục của huyện rẽ vào khu phố chợ thị trấn Liễu Đề, đỗ xịch trước cửa nhà tôi.

Cửa xe mở, nhà văn Nguyễn Khải bước ra. Đi sau ông còn có các nhà văn Lê Lựu, Nguyễn Khắc Trường, Nguyễn Đức Mậu. Nguyễn Khải nói, ông về quê tôi hôm nay là muốn xuống xứ đạo Quỹ Nhất tìm thăm lại những nguyên mẫu nhân vật trong cuốn tiểu thuyết Xung đột của ông.

Nỗi lo của địa phương

Thời điểm ấy Nguyễn Khải đang là một nghị sĩ Quốc hội, “nghĩ mình phương diện quốc gia”, nên khi đi ngang qua thành phố Nam Định, ông bảo lái xe ghé vào Ủy ban tỉnh “trình diện” cho phải phép.

Sự cẩn trọng của nhà văn đã được các nhà lãnh đạo tỉnh đáp lễ bằng một sự cẩn trọng không kém. Họ cho rằng nguyên mẫu nhân vật trong tiểu thuyết Xung đột có dạng “chính diện” và cả dạng “phản diện”, nên để “giữ an toàn tuyệt đối sinh mạng của nhà văn nổi tiếng”, họ cử hẳn chuyên viên đi tháp tùng.

Ngày ấy thôn Quỹ Nhất và thị tứ Quỹ Nhất đều thuộc xã Nghĩa Hòa. Còn bây giờ tất cả những địa danh ấy gộp lại, nâng cấp lên thành thị trấn Quỹ Nhất.

Thị trấn Quỹ Nhất có số người theo đạo Thiên Chúa chiếm 82,5% dân số. Vào thời kỳ “27 tháng” của những năm 1951 – 1953, xã Nghĩa Hòa gần như một vùng Thiên Chúa giáo tự trị. Đã có những bi hài kịch, những “xung đột” diễn ra rất khốc liệt, có cả máu đổ, vào cái thời đoạn “27 tháng” ấy. Ẩn chìm và xuyên suốt tác phẩm Xung đột, Nguyễn Khải viết về vấn đề này.

Nguyễn Khải từng tâm sự ông viết theo kiểu hư cấu rất khó. Tiểu thuyết và truyện ngắn được hư cấu thoải mái, nhưng cái tạng của ông, vẫn cứ phải bám riết người thực việc thực thì mới viết được. Cái phần hư cấu trong các tác phẩm của ông nói chung là không đáng kể.

Để viết được tiểu thuyết Xung đột, năm 1956, Nguyễn Khải phải đội mũ đeo sao, vai khoác ba lô, hông đeo súng lục về Nghĩa Hòa “nằm vùng” nhiều đợt, có đợt “ba cùng” với nhân dân vài ba tháng. Cưu mang, giúp đỡ nhà văn thâm nhập thực tế chính là những người dân theo đạo Thiên Chúa và yêu nước.

Năm 1957, Xung đột được xuất bản, trở thành một tác phẩm khá nổi tiếng thời kì ấy. Với dân Nghĩa Hòa và xứ đạo Quỹ Nhất thì Xung đột trở thành sự kiện đặc biệt. Từ cán bộ xã đến người dân thường, từ vị linh mục quản hạt đến các con chiên sùng đạo đều chuyền tay nhau đọc. Người yêu quý tác giả không phải là ít. Người có chút ác cảm với ông cũng có.

Nguyễn Khải coi huyện Nghĩa Hưng như là nơi sinh thứ hai của ông vậy. Chẳng thế mà nhiều năm sau, viết tiểu thuyết Chiến sĩ, ông vẫn dành những trang cho một nhân vật quê Nghĩa Hưng với tình cảm trìu mến đặc biệt.

“Phản diện” cũng quý

Tuy vậy, cuộc sống của nhà văn quân đội thời chiến, và vì những lẽ khác nữa, mà phải hơn ba mươi năm sau, Nguyễn Khải mới có dịp trở lại Nghĩa Hưng, chính là cái chuyến đi mà tôi đang nhắc đến.

Những nguyên mẫu nhân vật mà ông tìm gặp hầu như hãy còn sống cả. Anh chủ tịch xã tên là Đoàn Ngọc Hà đích thân đưa nhà văn đi tìm gặp từng người. Ông Tỉnh, một nguyên mẫu nhân vật “chính diện” cứ ôm lấy Nguyễn Khải xúc động trào nước mắt.

Rồi ông Tỉnh xung phong cùng với chủ tịch Hà dẫn nhà văn đi tìm cả những nguyên mẫu nhân vật “phản diện” nữa. Có người là ông trùm, có người là bà quản, ông bõ... Cũng có những người khi biết tin Nguyễn Khải về, họ chủ động tìm gặp.

Ảnh chụp trong chuyến nhà văn Nguyễn Khải về Quỹ Nhất thăm nguyên mẫu nhân vật tiểu thuyết Xung đột. Hàng trước, người thứ 3: nhà văn Lê Lựu; người thứ 5: ông Đỗ Trọng Khanh, chủ tịch UBND huyện Nghĩa Hưng; người thứ 6: nhà văn Nguyễn Khải; người thứ 7: nhà thơ Nguyễn Đức Mậu; người thứ 8: ông Đoàn Ngọc Hà, chủ tịch UBND xã Nghĩa Hòa. Hàng sau: người thứ nhất: ông Phạm Văn Tý, trưởng ban tuyên giáo Huyện ủy Nghĩa Hưng; người thứ 2: ông Phạm Văn Trạc, chuyên viên văn phòng UBND tỉnh Nam Hà; người thứ 3: nhà văn Nguyễn Khắc Trường; người thứ 4: nhà văn Lê Hoài Nam.
Ảnh chụp trong chuyến nhà văn Nguyễn Khải về Quỹ Nhất thăm nguyên mẫu nhân vật tiểu thuyết Xung đột. Hàng trước, người thứ 3: nhà văn Lê Lựu; người thứ 5: ông Đỗ Trọng Khanh, chủ tịch UBND huyện Nghĩa Hưng; người thứ 6: nhà văn Nguyễn Khải; người thứ 7: nhà thơ Nguyễn Đức Mậu; người thứ 8: ông Đoàn Ngọc Hà, chủ tịch UBND xã Nghĩa Hòa. Hàng sau: người thứ nhất: ông Phạm Văn Tý, trưởng ban tuyên giáo Huyện ủy Nghĩa Hưng; người thứ 2: ông Phạm Văn Trạc, chuyên viên văn phòng UBND tỉnh Nam Hà; người thứ 3: nhà văn Nguyễn Khắc Trường; người thứ 4: nhà văn Lê Hoài Nam. .

Nhưng lạ thay, chẳng ai trong số nguyên mẫu nhân vật “phản diện” còn tỏ ra giận dỗi, thù hận nhà văn và đương nhiên không có gì là “nguy hiểm” hay “thiếu an toàn” như các nhà lãnh đạo tỉnh lo xa. Họ đón tiếp Nguyễn Khải rất cởi mở, chân thành. Có người còn bảo, mình chỉ là kẻ vô danh tiểu tốt ở cái xó quê đất phèn nước mặn, nhờ cuốn Xung đột mà cả nước biết đến tên tuổi, thế là ‘oách’ lắm chứ!

Trong số những nguyên mẫu nhân vật “phản diện” thì Nguyễn Khải muốn gặp nhất là bà Quảng, nhân vật này trong tiểu thuyết có tình tiết hô hoán vu vạ cho bộ đội đánh, phải nằm lên võng cho người ta khiêng vào nhà thờ nằm giả chết, nhưng người nhà ở bên ngoài vẫn bí mật tiếp tế thức ăn vào nuôi sống... Nguyễn Khải ngỏ ý muốn gặp con người “thú vị” này, nhiều người bổ đi tìm, nhưng chẳng hiểu bà đi đâu.

Nguyễn Khải càng tiếc nuối khi không gặp được một nguyên mẫu nhân vật “chính diện” quan trọng nhất tác phẩm, đó là bà Nhan, một người khi đưa vào tiểu thuyết ông không cần phải hư cấu chi tiết nào nhưng đã trở thành một nhân vật đặc sắc, đầy sức sống. Nguyễn Khải chỉ đổi tên Nhan ngoài đời của bà chệch đi một chút thành tên nhân vật là Nhàn.

Trong số những nguyên mẫu nhân vật “phản diện” thì Nguyễn Khải muốn gặp nhất là bà Quảng, nhân vật này trong tiểu thuyết có tình tiết hô hoán vu vạ cho bộ đội đánh, phải nằm lên võng cho người ta khiêng vào nhà thờ nằm giả chết, nhưng người nhà ở bên ngoài vẫn bí mật tiếp tế thức ăn vào nuôi sống...

Nhàn là thiếu nữ sinh ra trong gia đình mộ đạo, nhưng sớm giác ngộ đi theo cách mạng, trở thành chủ tịch xã ở tuổi hai mươi, xinh đẹp nức tiếng và cũng giỏi giang nức tiếng. Không ít lúc tâm can cô giằng xé giữa một bên là nhà thờ, họ mạc, gia đình, một bên là cách mạng, kháng chiến. Hôm nhà văn Nguyễn Khải và chúng tôi về Quỹ Nhất thì bà Nhan đã theo chồng về Nam.

Chủ tịch xã Đoàn Ngọc Hà tiếp tục dẫn chúng tôi đi thăm lại ngôi nhà thờ xứ Quỹ Nhất, một địa danh được in đậm trong tiểu thuyết. Nguyễn Khải đứng lặng hồi lâu bên tháp chuông, rồi nói:

- Có thể mình sẽ trở lại đây viết cuốn Hậu Xung đột. Cuốn Xung đột đã xuất bản là viết bằng cái nhìn của một gã nhà văn hai mươi sáu tuổi, một sĩ quan dự bị tên là Nguyễn Khải. Còn Hậu Xung đột sẽ được viết bằng cái nhìn của lão nhà văn cựu đại tá, nghị viên quốc hội Nguyễn Khải...

Nhưng chúng tôi chờ mãi, Nguyễn Khải vẫn chưa về được. Từ thành phố Hồ Chí Minh ra đây dặm đường dằng dặc, lại là người ham viết nhiều đề tài, ông không dứt ra nổi. Rồi tuổi già và bệnh tật sầm sập kéo đến. Vào thời điểm ốm nặng, Nguyễn Khải còn điện cho tôi nói trong hơi thở ngắt quãng. Ông nói rằng, không trở lại Nghĩa Hưng để viết Hậu Xung đột là một việc lỡ dở lớn nhất, đáng tiếc nhất trong cuộc đời của ông.

Tôi cũng quên hỏi Nguyễn Khải rằng, ông đã gặp được bà Nhan chưa. Riêng với gia đình tôi, người viết bài báo này, cũng có chút kỷ niệm với bà. Sau khi nghỉ hưu từ mặt trận tổ quốc huyện, không về Quỹ Nhất, vợ chồng bà mua một miếng đất làm một ngôi nhà nhỏ ven sông Đại Tám, cuối thị trấn Liễu Đề, gần nhà bố mẹ tôi.

Không có con, lại ở xa những người ruột thịt, ông Ẩn và bà Nhan coi bố mẹ tôi như bố mẹ nuôi, mặc dù hai người chỉ kém bố mẹ tôi trên dưới chục tuổi. Ngày giỗ, ngày tết, đình đám, ông bà đều có mặt. Rồi ông bà giã biệt thị trấn Liễu Đề vào miền Nam sinh sống...

Cách đây mấy hôm tôi về Quỹ Nhất thì được biết, bà Nhan mới gửi từ trong Nam ra tài trợ cho thị trấn gần một trăm triệu đồng để nâng cấp nghĩa trang liệt sĩ. Bà cũng gửi tài trợ cho xứ đạo một khoản tiền tương tự để chỉnh trang lại ngôi nhà thờ Quỹ Nhất, nơi dung dưỡng tuổi thơ với biết bao kỷ niệm khi êm đềm, khi sóng gió của bà.

Hà Nội, tiết Nô-en 2010

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG