Nhà văn Nam Cao và cái sự tương đối

Nhà văn Nam Cao và cái sự tương đối
TP - ...Bấy giờ là tháng 7 năm 1950, nhà văn Nam Cao cùng cha tôi  - nhà văn Nguyễn Huy Tưởng đang trên đường đi chiến dịch Biên giới.
Nhà văn Nam Cao và cái sự tương đối ảnh 1
Từ trái sang phải: Tô Hoài, Xuân Thủy, Nguyễn Huy Tưởng, Nam Cao

Lúc này, Nam Cao đã là tác giả của nào là Chí Phèo, Sống mòn, Đôi mắt, Ở rừng... những tác phẩm đóng đinh vào văn học Việt Nam.

Nhưng đó là chuyện về sau, còn lúc đó, cả bác Nam Cao, cả cha tôi còn đang bị mặc cảm lắm với những cái tếu, cái bốc mà cánh văn nghệ sĩ các ông vừa trải qua.

Không biết từ đâu ra mà vào cuối những năm 1940, xuất hiện “phong trào” chuẩn bị Tổng phản công. Từ trên xuống dưới, từ bộ đội đến nhân dân, người ta háo hức chờ lệnh Tổng phản công để giành thắng lợi cuối cùng.

Tất nhiên, văn nghệ sĩ không nằm ngoài cuộc. Nhiều sáng tác văn thơ nhạc họa say sưa với viễn cảnh này. Bài hát Tiến về Hà Nội với hình ảnh “trùng trùng quân đi như sóng” của nhạc sĩ Văn Cao chính là được sáng tác vào thời điểm đó; mặc dù giờ đây được coi là nhạc hiệu của ngày Giải phóng Thủ đô, bấy giờ nó đã bị phê tóe khói là “lạc quan tếu”.

Nhà văn Nam Cao vốn nhũn nhặn nhưng cũng rất đáo để. Những cái sai của cánh văn nghệ sĩ các ông - thì cứ cho là sai đi - so với thiên hạ nào đã thấm gì, nhưng chết nỗi chính vì thế mà lại càng thành sai!

Lối so sánh này, bản thân nó không có gì lạ. Nhưng phát hiện thấy vấn đề, nói nó ra một cách hài hước mà cũng rất chi là chua chát theo cách như thế, tôi thiết nghĩ, chỉ có nhà văn Nam Cao của chúng ta!...

Tiếp tục cuộc hành quân, mấy ngày sau đoàn văn nghệ sĩ các ông lên đến Bắc Kạn. Sau mấy năm kháng chiến, hết bị Pháp ném bom lại đến ta tiêu thổ kháng chiến, Bắc Kạn hẳn phải tiêu điều lắm. Nhưng với cha tôi và bác Nam Cao, Bắc Kạn vẫn là nơi đầy kỷ niệm.

Kỷ niệm của những ngày đầu kháng chiến bỡ ngỡ mà vui. Kỷ niệm của trận Việt Bắc các ông suýt chút nữa bị địch nhảy dù tóm gọn ở gần Bắc Kạn. Lại thêm sau những ngày lữ thứ toàn đi đường rừng, thị xã Bắc Kạn với những gì còn sót lại của cuộc sống đô thị, chắc chắn đã đem đến cho các ông rất nhiều phấn hứng.

Và cha tôi đã vắn tắt ghi lại trong nhật ký: “Dạo chơi Bắc Kạn đêm trăng. Nam Cao nói: Chúng mình bây giờ có tiến, và gần như độc tôn, đã thay thế cho Tự lực văn đoàn rồi” (22/7/1950)

Ở đây, như chúng ta có thể nhận thấy, lại là những nét tính cách khác của nhà văn Nam Cao: khiêm tốn và sòng phẳng. Tự hào về sự tiến bộ của lớp nhà văn các ông, với những tác phẩm ban đầu đóng góp vào nền văn học mới, tuy còn thưa thớt nhưng đã sớm khẳng định được vị thế và xu thế tất yếu, bác chỉ nhận cánh mình là “gần như độc tôn”.

Nếu như bác có nói “đã thay thế cho Tự lực văn đoàn rồi”, thì cũng chỉ là ở tính vấn đề thời cuộc và hình ảnh con người mới đương nhiên đang cần được thay cho những hình tượng cũ đã lỗi thời.

Đây vừa là sứ mạng, vừa đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của các ông. Nếu như đã có giai thoại bác Nam Cao lúc hăng lên thì “coi trời bằng vung”, thậm chí đến Gorki bác cũng chả ngán, thì tôi lại biết một Nam Cao khác, cũng qua nhật ký của cha tôi.

Nửa tháng sau buổi hai ông “dạo chơi Bắc Kạn đêm trăng”, cha tôi ghi lại hình ảnh nhà văn, trong một lần uống rượu say đã nói lung tung, nhưng tin là có tác phẩm.

Vâng, chỉ dám tin thôi, chứ cái nghiệp cầm bút, biết thế nào mà nói trước được!

Gần năm mươi năm sau, cũng là những năm cuối cùng của thế kỷ 20, nhật ký của cha tôi dần dần được công bố. Đương nhiên trong đó có những ghi chép về Nam Cao.

Là người chuẩn bị văn bản nhật ký của cha mình, tôi còn nhớ đến đoạn văn ghi ngày 22-7-1950 được trích dẫn ở trên, tôi đã lưỡng lự không ít trước hai chữ viết tắt BK.

Cha tôi thường hay viết tắt trong nhật ký để cho kịp những suy nghĩ của mình. Những chữ viết tắt ấy, khi công bố, rõ ràng là nên được biên tập lại cho bạn đọc dễ theo dõi, như BK chuyển thành Bắc Kạn.

Nhưng bấy giờ là chiến thời, riêng trong trường hợp này tôi muốn để nguyên BK để tái hiện không khí chiến dịch, các văn nghệ sĩ trong ghi chép của mình thường viết tắt các địa danh, vừa để ghi nhanh, vừa để đảm bảo nguyên tắc bí mật.

Vậy là trong văn bản chuyển nhà xuất bản, tôi đã để nguyên đoạn “Dạo chơi BK đêm trăng”. Khi bản in thử được chuyển đến tôi để xem lại, tôi thật không biết nên cười hay nên khóc nữa lúc đọc đến mấy chữ này. Nó đã được biến thành “Dạo chơi Trường đại học Bách khoa đêm trăng”!

Ai đó đã luận hai chữ BK viết tắt thành “bách khoa”, và, tiếp tục, đã bách khoa thì phải là “Trường đại học Bách khoa” để cho có đầu có cuối (hay để có chỗ cho hai ông... đi dạo!).

Một bi hài kịch rất chi là Nam Cao!

Dẫu sao qua đây, tôi cũng rút được ít nhiều kinh nghiệm. Tới khi có tác giả  nọ xin được sử dụng các trích đoạn nhật ký của cha tôi về nhà văn Nam Cao cho một cuốn sách biên khảo, trong đó có đoạn nói trên, tôi đã chọn một cách làm khác.

Để cho an toàn, tôi không để nguyên những chữ viết tắt nữa mà đánh đầy đủ hết, kèm theo chú giải. Trong trường hợp này, đoạn ghi ngày 22/7/1950 được biên tập lại thành: “Dạo chơi BK [Bắc Kạn] đêm trăng. Nam Cao nói: Chúng mình bây giờ có tiến, và gần như độc tôn, đã thay thế cho Tự lực văn đoàn rồi”.

Mong mãi rồi cũng đến ngày tôi nhận được sách biếu. Lần giở nhanh đến đoạn văn ám ảnh kia, tôi suýt chút nữa thì té xỉu. Tất cả đều đúng hết, chỉ sai có một chữ, không, chỉ một dấu thôi, nhưng là cái sai chết người.

Lời tâm sự của bác Nam Cao với cha tôi được mở đầu bằng câu: “Chúng mình bây giờ có tiền” (tôi nhấn mạnh – NHT). Ai đó đã không hiểu chữ “tiến” có nghĩa là tiến bộ, nên đã sửa lại thành “tiền”! Để ông Nam Cao đã khoe với ông Tưởng về chuyện tiền nong.

Một sự dung tục đến như thế, tôi dám cá, đến tác giả Sống mòn cũng khó có thể nghĩ ra!

Để kết thúc bài viết nhỏ này về nhà văn đáng kính Nam Cao, người bạn khiêm nhường lặng lẽ mà cũng rất đỗi quyết liệt của cha tôi, tôi xin được chia sẻ với gia đình nhà văn về những bức xúc mà gần đây báo chí có nói nhiều. Đó là nạn in sai tràn lan trong các tác phẩm của Nam Cao.

Không nghi ngờ gì nữa, Nam Cao thuộc số nhà văn Việt Nam được yêu thích nhất, có tác phẩm được in nhiều nhất. Nhưng như một nghịch lý không biết liệu có phải chỉ có ở xứ ta, càng in nhiều thì lại càng sai nhiều.

Mỗi lần in sau không những không hiệu đính lỗi của lần in trước, mà thường khi lại góp thêm cái sai mới!

Là nhà văn, ai chả muốn tác phẩm của mình được phổ biến rộng rãi. Nhưng chắc chắn không phải theo lối như thế này. Nhân đây xin được nhắc đến trường hợp của một tác giả khác cũng rất đáng kính, đó là nhà thơ Thế Lữ.

Đầu thập kỷ tám mươi của thế kỷ trước, một tuyển tập bề thế của ông được xuất bản. Sách in ra ai nấy đều phấn khởi - nhà xuất bản phấn khởi, giới phát hành phấn khởi, bạn đọc phấn khởi vì lâu lắm rồi người yêu văn học mới được dịp thưởng thức một cách tương đối đầy đủ những tác phẩm thơ, văn, kịch đặc sắc của ông.

Nhưng khi hỏi đến ông có phấn khởi không, tác giả Vàng và máu chỉ buồn bã trả lời: “Cám ơn đã in cho tôi, nhưng giá không in thì tốt hơn, vì sai nhiều quá”...

Nhà văn Nam Cao nếu còn sống và được hỏi, không biết có phản ứng giống như Thế Lữ không. Nhưng có điều chắc chắn, nỗi đau của nhà văn bị in sai thì không lời nào nói cho hết được.

Vậy nên tôi thật mừng khi biết rằng, gần đây gia đình nhà văn Nam Cao đang ráo riết yêu cầu, thậm chí tự nhận lãnh trách nhiệm, hiệu đính lại tổng thể văn bản của ông. Khỏi cần phải nói, việc làm này là cần kíp và đáng hoan nghênh đến thế nào.

Là một người làm việc trong lĩnh vực xuất bản, cá nhân tôi đã có dịp được tiếp cận một tác phẩm của Nam Cao mà một nhà xuất bản nọ xin phép được tái bản.

Rất may, nhà xuất bản đã đủ thận trọng đề nghị gia đình tác giả hiệu đính lại văn bản. Trên mỗi trang sách ấy, chi chít đỏ lòe đỏ loẹt những chỗ in sai mà gia đình phát hiện ra và sửa lại - thôi thì đủ kiểu, chữ thừa, chữ thiếu, chữ vô lý, chữ sai, thậm chí không phải chỉ chữ nữa mà còn cả nguyên câu, nguyên đoạn!...

Nam Cao đấy ư?! Tôi tự hỏi và giật mình nghĩ đến một kết cục khác. Nếu như gia đình tác giả không được biết mà tham gia. Nếu như sách cứ thế được in ra. Tất nhiên khi đó người ta vẫn mua, vẫn đọc, vẫn thích truyện Nam Cao, vẫn thích văn Nam Cao.

Tóm lại, dường như chẳng hề có chuyện chết người gì ở đây cả. Nhưng thứ mà người ta đọc đó, liệu có đích thực là Nam Cao. Hay chỉ là tương đối Nam Cao?! 

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.