Nhà văn Trần Trà My chụp ảnh nude để truyền thông điệp yêu thương |
Táo bạo
Trà My kể gần đến ngày Quốc tế Người khuyết tật (3/12), cô nảy ra ý định chụp ảnh nude. “Tôi chỉ có mong muốn đơn giản là thông qua bộ ảnh của tôi, mọi người bớt kỳ thị những ai không may mang trong mình thân hình khác biệt. Tôi đã tìm đến với nhiếp ảnh gia Thái Phiên, người có tiếng bởi những bộ ảnh nude mang nhiều thông điệp có ý nghĩa”, Trà My giãi bày.
Nhiếp ảnh gia Thái Phiên cho hay, một ngày đầu đông, anh nhận được lời đề nghị chụp ảnh nude từ Trà My. Là người có hơn 30 năm chụp ảnh nude nhưng đây là lần đầu nhiếp ảnh gia Thái Phiên nhận được đề nghị từ một cô gái khuyết tật và điều đó khiến anh rất bất ngờ. “Hẹn gặp Trà My ở quán cà phê, tôi càng thêm bất ngờ khi trước mặt tôi là cô gái có nét mặt tươi sáng. Trà My chỉ cao khoảng 1,3m, thân hình nhỏ nhắn, bàn tay chỉ có một ngón tay cử động được. Tôi không dám nhận lời liền bởi đắn đo, một cơ thể khuyết tật, thể trạng yếu ớt thì tìm đâu ra những đường cong để tôn vinh? Nếu nhận lời, tôi rất dễ bị quy là thiếu văn hóa, xúc phạm, bôi nhọ… Nhưng từ chối, tôi lại tự thấy mình ích kỷ, hèn hạ vì chỉ biết nghĩ cho mình mà vô tình làm tổn thương Trà My, làm cho cô ấy đánh mất lòng tự tin, niềm hy vọng… Và cuối cùng tôi đã nhận lời”, Thái Phiên tâm sự.
Bộ ảnh nude của Trà My đã hoàn tất sau những cố gắng của cả hai. Đây cũng là lần đầu tiên, mẫu ảnh khoả thân của Thái Phiên được chụp rõ mặt và công khai luôn danh tính. “Tôi gửi tặng Trà My bộ ảnh sau khi đã xử lý và thầm đoán cô gái sẽ không hài lòng cho lắm, vì tôi biết ý của Trà My muốn bộ ảnh táo bạo hơn, phù hợp với tính cách nổi loạn đang âm ỉ cháy trong cô. Nhưng biết sao được khi tôi đã cố gắng hết mình…”, nghệ sĩ Thái Phiên chia sẻ. Anh cũng bày tỏ: “Qua bộ ảnh này, tôi muốn gửi đi một thông điệp: Hãy tự tin và yêu thương cơ thể của chính ta, cho dù nó khiếm khuyết. Trà My đã truyền cảm hứng cho tôi, để tôi thấy mình đang hạnh phúc khi được là người bình thường”.
Còn Trà My thì trải lòng: “Qua những bức ảnh nude, tôi muốn nói rằng mỗi phụ nữ hãy luôn yêu thương thân thể của mình, để sau này cuộc đời sẽ cho mình gặp được người đàn ông thương được những khiếm khuyết trên đó. Vẻ đẹp của người phụ nữ là do chính họ tạo dựng mỗi ngày, chứ không phải tự nhiên mà có. Khi bạn nâng niu được con người của mình, bạn sẽ tìm ra được người đàn ông nâng niu cuộc đời của bạn. Và tôi mong rằng bộ ảnh nude nghệ thuật này sẽ truyền cảm hứng cho mọi phụ nữ sống đẹp hơn và tốt hơn mỗi ngày”.
“Những bức ảnh đã truyền tải cả một câu chuyện sống động hơn ngàn lời nói. Ý nghĩa của bộ ảnh đã vượt ra ngoài đời sống và hướng tới vẻ đẹp của nghệ thuật nhân sinh”.
Nhiếp ảnh gia Nguyễn Văn Thương
Khát vọng
Trà My sinh ra ở Đông Hà (tỉnh Quảng Trị), nơi có nhiều di chứng của chiến tranh. Khi mới 3 tháng tuổi, trên người cô xuất hiện những chấm nhỏ li ti và phải trải qua nhiều lần phẫu thuật, điều trị. Đã có lúc các bác sỹ phải đưa cô bé vào nhà xác vì tưởng đã chết. Rồi như một phép lạ, Trà My dần bình phục, nhưng đôi chân và một cánh tay rất yếu, chỉ có mỗi 1 ngón tay có thể cử động theo ý muốn. Không được đến trường và cuộc sống gắn với chiếc xe lăn, nhưng với nghị lực mạnh mẽ, Trà My đã tự học và tiếp cận với thế giới bên ngoài từ chiếc máy tính. Cũng từ đó, cô bắt đầu tập gõ những đoạn tản văn, những câu chuyện thú vị để nói lên cảm xúc, tâm tư tình cảm mà cô nắm bắt được trong thế giới xung quanh. Những bài viết của Trà My được đưa lên trang cá nhân, gửi các báo với mong muốn được mọi người chia sẻ. Từ những đồng nhuận bút đầu tiên, Trà My đã đi đến một quyết định táo bạo: Rời quê vào TPHCM lập nghiệp, tự đi lên với ước mơ của mình. Đó là năm 2007, khi Trà My vừa tròn 20 tuổi.
Nhà văn Trần Trà My được vinh danh là một trong 10 bạn trẻ khuyết tật tài năng của Việt Nam do Hội bảo trợ Người khuyết tật và trẻ mồ côi trao tặng vào tháng 10/2013. Cô cũng là một trong trong 12 Gương mặt khuyết tật tiêu biểu của Việt Nam vào tháng 12/2013 và có tên trong 64 gương mặt thanh niên khuyết tật tiêu biểu được Trung ương Hội LHTNVN khen thưởng trong chương trình “Tỏa sáng nghị lực Việt Nam” năm 2020.
Tại TPHCM, Trà My làm nhiều công việc như viết văn, viết báo, làm truyền thông để mưu sinh. Tâm sự về bản thân, Trà My cho biết với một người bình thường để mưu sinh bằng công việc viết lách giữa TPHCM đã là việc khó, với một người khuyết tật còn khó khăn gấp bội. 14 năm sống tại TPHCM, không biết bao lần Trà My phải chuyển chỗ trọ vì chủ nhà không muốn nhận người khuyết tật, đi xe buýt thì không có chỗ để xe lăn, đi taxi thì nhiều tài xế không dám chở. “Thậm chí, có lần tôi đi máy bay, nhân viên hàng không cũng từ chối và yêu cầu tôi phải có người đi cùng”- Trà My kể. Nhưng những điều đó không làm cho Trà My chùn bước và cô vẫn tiếp tục viết.
Ngoài cộng tác với các báo, Trà My còn làm PR cho một số quán cà phê sách, làm Đại sứ cho một số hoạt động thiện nguyện. Trà My cũng đã ra được 4 cuốn sách là Giấc mơ đôi chân thiên thần (2009), Chúng ta chính là mùa xuân (2010), Yêu trên từng ngón tay (2013) và Tin vào điều tử tế (2019)… Trong đó cuốn Tin vào điều tử tế đã được tái bản tới lần thứ 5 với trên 11 nghìn bản in. Trà My cho biết, đây là cuốn sách nằm trong dự án “Lan toả những điều tử tế”, một dự án từ thiện để đưa nhân ái, khát vọng hoàn lương tới với những phạm nhân. Để làm cuốn sách, Trà My mất 4 năm đi khắp Việt Nam, tìm gặp hơn 20 người có ảnh hưởng tới cô để tìm hiểu. Cuốn sách đã được chuyển tới các trại giam trong khắp cả nước để gieo mầm hy vọng cho những con người từng lầm lỡ.