Nhà văn địa đạo

Văn nghệ sĩ trong Hội nghị Văn học năm 1973 tại Tà Leng: Ngồi hàng đầu là Hà Phương, Trần Thị Thắng, Trần Ấm, hàng sau là Phan An, Nguyễn Khắc Thuần, Phan Xuân Biên, Nguyễn Văn Sơn.
Văn nghệ sĩ trong Hội nghị Văn học năm 1973 tại Tà Leng: Ngồi hàng đầu là Hà Phương, Trần Thị Thắng, Trần Ấm, hàng sau là Phan An, Nguyễn Khắc Thuần, Phan Xuân Biên, Nguyễn Văn Sơn.
TP - Trong cuộc chiến tranh một mất một còn, trong tầm đạn pháo và những cuộc truy càn khốc liệt, có những nhà văn chuyên nghiệp nằm địa đạo để viết, để sáng tác những tác phẩm văn học để lại cho đời sau. Họ luôn tin tưởng vào đồng đội vào bạn đọc và vào ngày chiến thắng.

Dưới làn đạn pháo

Năm 1973 tại địa đạo Củ Chi xuất hiện một nữ nhà văn tuổi đôi mươi, đó là nhà văn Trần Thị Thắng. Việc một nhà văn trẻ từ Hà Nội được tăng cường cho Củ Chi có thể nói là một điều rất đặc biệt và đem lại không khí tươi mới trong giai đoạn chiến trường miền Đông đang chuyển biến khác thường.

Cô sinh viên văn khoa từ Hà Nội vượt Trường Sơn vào đến Củ Chi, ban đầu được Ban Tổ chức Thành ủy Sài Gòn Gia Định cử phụ trách mảng nhà tù. Cô nhận được báo cáo từ các nhà tù, thậm chí từ Côn Đảo, những bản viết tay ký tên. Cô đánh máy làm nhiều bản để chuyển cấp trên. Đúng ngày 26/1/1973, Hội nhà văn Sài Gòn Gia Định xin nhà văn Trần Thị Thắng về đơn vị mình. Ăn Tết ông Công ông Táo xong, sau đó nhà văn Trần Thị Thắng cùng đoàn văn công ở Củ Chi đi biểu diễn.

Cô và các nhà văn Phan An, Tư Lợi đưa đoàn văn công xuống xã Nhuận Đức, Củ Chi. Xã này chia đôi, ta và địch cùng kiểm soát. Xã đón tiếp long trọng đoàn văn công và 3 nhà văn. Nghe tin có đoàn văn công diễn ở vùng giải phóng, hàng nghìn người từ ấp chiến lược quanh đó vào vùng giải phóng để xem, nhân thể gặp bà con họ hàng trong vùng giải phóng. Chương trình biểu diễn được bà con rất thích, mọi người đang ngồi xem thì địch từ căn cứ Đồng Dù bắn pháo lên như mưa, lúc này văn công mới diễn 30 phút. Người nằm xuống ruộng, người chui xuống hầm, nửa tiếng sau, không nghe pháo bắn, văn công lại diễn tiếp. Bà con xem xong, về lại ấp chiến lược. Đó cũng là lần đầu tiên các nhà văn tận mắt nhìn thấy đồng bào ta từ ấp chiến lược qua với số lượng rất đông. Khi chia tay ai nấy đều rơm rớm nước mắt.

Chui hầm bí mật

Đại hội chiến sĩ thi đua Sài Gòn Gia Định tổ chức vào tháng 5/1973, các nhà văn nhà thơ Hoài Vũ, Giang Nam, Phan An, Trần Thị Thắng, Phan Xuân Biên được cử đi dự. Mỗi người được phân công theo một nhân vật điển hình để lấy tư liệu sáng tác. Nhà văn Trần Thị Thắng đi theo bà Sáu Trong, một chiến sĩ kiên cường phụ trách đại đội nữ du kích Củ Chi.

Các nhà văn ghi chép gặp gỡ các nhân vật, nhưng được lệnh: “Đi theo để nắm nhân vật, không tuyên truyền rộng rãi. Vì còn chiến đấu ác liệt, nên không công khai về danh tính và thành tích”.

Thực hiện chủ trương chống kế hoạch bình định của địch, các nhà văn tham gia viết nhiều tác phẩm. Trong năm 1973 nhà văn Trần Thị Thắng đăng truyện “Tiếng gà và cánh diều”, phản ánh sự phấn khởi của người dân khi có hòa bình.

Thế nhưng hiệp định Paris chưa ráo mực, tháng 6, tháng 7 địch tổ chức càn lớn. Các nhà văn lúc ấy đang ở xóm Thuốc, xã An Phú, Củ Chi. Xã này tiếng là căn cứ của ta nhưng cũng chỉ cách địch đường chim bay chỉ 2 cây số, chưa kể các căn cứ địch đều bắn được vào bất kỳ lúc nào.

Cô Nguyễn Thị Xuân người Nghệ An bên kế toán đi lĩnh tiền về gặp địch càn vào căn cứ cô chạy về cơ quan bảo: “Nó càn vào rồi”.

Nhà văn địa đạo ảnh 1 Nhà văn Trần Thị Thắng ở cứ văn học.

Mọi người xuống hầm bí mật. Hầm bí mật của ai người ấy biết. Nhà văn Trần Thị Thắng kể: “Cô chạy ra hầm bí mật của mình thì thấy có Thạch Cương bí thư chi bộ, Giang Nam (tác giả bài thơ Quê Hương) Chủ tịch Hội văn nghệ Sài Gòn Gia Định, Hoài Vũ phó chủ tịch. Hóa ra cái hầm này là hầm cán bộ”.

Tiếng là hầm cán bộ của Hội văn nghệ, nhưng miệng hầm bé, phải óp người lại mới xuống được. Hầm ngồi đủ 4 người, có lỗ thông hơi. Nhà thơ Giang Nam cầm cái que, lâu lâu lại đẩy cái nắp hầm bí mật lên một chút cho không khí vào, rồi lại sập xuống. Mỗi lần nhấc nắp hầm lên là nghe tiếng địch la hét, tiếng súng bắn như vãi trấu của địch và tiếng AK của ta điềm tĩnh đáp trả.

Chị Thắng nhớ lại: Hai tiếng đồng hồ dưới hầm bí mật, mồ hôi ướt như nằm đáy ao. Tôi bảo: “Đẩy nắp hầm lên”. Nhà thơ Giang Nam bảo: “Nó sắp hết càn rồi, cố gắng chút nữa”.

Có kẻng báo an vào khoảng 4 giờ chiều. Tất cả lên hầm mới thấy địch càn vào chỉ cách hầm bí mật của các nhà văn mấy chục mét.

Các nhà văn ở Củ Chi, ban ngày ở dưới hầm, chỉ khi ăn cơm sáng thì lên mặt đất. Cứ 4 người một hầm.

Hầm các nhà văn là do đội bảo vệ căn cứ đào cho. Hầm dài hơn 1 m, rộng 80cm, nhưng các nhà văn ai cũng đào thêm ngách để tránh lựu đạn. Địch đi càn, gặp hầm, thường ném lựu đạn xuống nên nếu có ngách thì sẽ tránh được. Những cái ngách ấy ngắn dài tùy sức người đào, cũng thành những địa đạo cá nhân.

Ban đầu Hội văn nghệ chỉ có một mình nhà văn Trần Thị Thắng là nữ, sau một thời gian, nhà thơ Hà Phương, cũng sinh viên văn từ Hà Nội vào, được tăng cường về ở hầm bên cạnh.

Tháng 7/1973, địch mở trận càn lớn, “tuyên bố bắt sống Thành ủy Sài Gòn Gia Định để làm triển lãm”. Sáng sớm trực thăng địch bay như chuồn chuồn. Các nhà văn vẫn bình tĩnh ăn cơm. Ăn xong, được lệnh rút xuống địa đạo.

Trận càn này, địch dùng đủ mọi phương tiện hiện đại tấn công hủy diệt, ngay cả bảo vệ của căn cứ cũngđược lệnh rút xuống địa đạo, chỉ đánh địch ở các ngách. Bù lại, lúc này tiểu đoàn quân chủ lực của ta được tung ra để chống càn. Nhà văn Trần Thị Thắng kể: “Quân chủ lực ta đánh rất cừ, khiến địch hoảng loạn. Cách mấy chục mét chỗ địa đạo của các nhà văn lại chính là điểm đổ quân của địch, cho nên mọi người nghe rõ tiếng địch la hét vì bị thương”.

Cuộc sống của các nhà văn ở cứ văn nghệ cực kỳ thiếu thốn. Có hôm họ chỉ ăn vài nhúm gạo, chủ yếu ăn củ nâu băm ngâm dưới suối cho hết độc, ăn cho no bụng. Ăn nhiều củ nâu nên da bủng beo.

Gạo ở đâu ra? Du kích vào ấp chiến lược mua ít gạo ra. Giáp hạt thì chưa có lúa, 6 tháng mới có một vụ. Địch quản các ấp chiến lược, chỉ cho mỗi nhà 2 người ra gặt, và chỉ cho gặt một xe lúa.

Ta cho người cải trang đi gặt, mua lúa ngay ngoài đồng, mang về phơi xay xát ăn. Có thời điểm liên hệ mua đậu xanh của Campuchia. Lúc đầu các nhà văn bảo: “Ăn đậu xanh suốt đời được”, nhưng hóa ra ăn mãi cũng chán, không thay cơm được. Vào ấp mua được 1 bao gạo, có có khi bị phục kích, du kích hy sinh.

In tác phẩm “bắn” vào nội thành

Địch càn quét dữ dội nên trên chủ trương cho anh em văn nghệ rút khỏi Củ Chi, ra vùng Tà Leng ở Bình Dương.

Về Tà Leng, họ tổ chức đại hội văn học nghệ thuật gồm nhiều chuyên ngành như văn học, nghệ thuật, ca múa, điện ảnh, hội họa vào tháng 9/1973. Họ cũng tổ chức in sách, tung vào Sài Gòn. Tập thơ “Cơn Lốc” có thơ Hà Phương, Nguyễn Khắc Thuần… tập văn “Mầm Xanh” có tác phẩm của Phan An, Trần Thị Thắng, Phan Xuân Biên… Sách in xong, đưa ngay vào nội thành.

Sau đó, hội mở trại sáng tác, đưa sinh viên nội thành ra để đào tạo chuyên ngành sáng tác. Học viên lớp sáng tác tại căn cứ Tà Leng có Trương Quốc Khánh (tác giả bài Tự Nguyện), Đồng Tháp, Trần Long Ẩn. Lê Duy Hạnh… Lớp học diễn ra 1 tháng. Lớp sáng tác có 30 người, học xong tung lại Sài Gòn để hoạt động sáng tác. 

Số 50

Báo Văn Nghệ Giải Phóng lúc đó có Lê Quang Trang, Hà Phương, Phùng Đức Thắng, Dương Trọng Dật… tập trung bài vở để ra số đầu tiên in công khai tại Sài Gòn vào ngày 28/5.

Đến lúc này tờ Văn Nghệ Giải Phóng đã in được 49 số trong rừng. Văn nghệ Giải phóng, số 1 in ở Củ Chi vào tháng 2/1961. Không ai biết rằng số 50 sẽ in tại Sài Gòn khi nước nhà thống nhất. Cuộc kháng chiến thần thánh đã ca khúc khải hoàn và tờ báo văn nghệ cũng ra mắt số đặc biệt. Song, phần lớn các nhà văn nhà thơ nằm địa đạo lại không có tác phẩm trong số tạp chí ấy. Nhà văn Trần Thị Thắng kể: “Tôi và Hà Phương cùng nhiều anh em khác không hề đăng tác phẩm của mình trong số 50 ấy. Chúng tôi dành tất cả các trang để đăng sáng tác của mọi người, của anh em đồng nghiệp, đồng chí”.

Nhà văn Trần Thị Thắng và nhà văn Lê Quang Trang cùng hoạt động văn nghệ tại Sài Gòn Gia Định, nhưng không dám nghĩ chuyện lập gia đình. Nhà văn Trần Thị Thắng kể: “Lúc trong rừng, lấy nhau thì con cái lấy gì ăn? Giờ đất nước thống nhất rồi, có cái ăn rồi, chúng tôi mới đi đến quyết định sẽ sống cùng nhau”. Khi ấy, nhà văn Trần Thị Thắng mới nói với nhà văn Lê Quang Trang: “Bây giờ lấy nhau được rồi”. Nhà thơ Hà Phương sau đó cũng yêu và cưới nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn…

4/2018

Câu chuyện của các nhà văn ở Củ Chi là câu chuyện của một thế hệ các nhà văn, sinh viên khoa văn một thời khói lửa. Họ là sinh viên khóa K11 + K12 khoa Văn và khoa Sử Ðại học Tổng hợp, được đưa vào bổ sung cho chiến trường và đưa thẳng vào Sài Gòn Gia Ðịnh. Nhà văn Phan Xuân Biên học lớp K11 Sử, nhà văn Phạm Quang Nghị học K12 sử. Còn khóa K12 khoa Văn gồm Trần Thị Thắng, Hà Phương, Huynh Diệp, Hà Công Tài cùng đi vào Sài Gòn Gia Ðịnh. Ði khu 5 cùng khóa này có Nguyễn Bá Thâm, Vũ Thị Hồng, Nguyễn Bảo, vào khu 6 có Trần Văn Xuân, Trần Lộc…

MỚI - NÓNG