Nhà trắng, trưa ngày 24 tháng 6 năm 2008

Nhà trắng, trưa ngày 24 tháng 6 năm 2008
TP - …Đại lộ Pensylvanya trước Nhà Trắng tháng 6 này vẫn ngập thứ nắng hơi chói nhưng không hề gắt như bữa Thủ tướng Việt Nam đầu tiên làm quốc khách Hoa Kỳ ba năm trước.
Nhà trắng, trưa ngày 24 tháng 6 năm 2008 ảnh 1
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ

Rất hẹp là thứ cổng nách Nhà Trắng nhưng lách qua là tòa toang khung cảnh khu vườn mướt xanh bắt mắt. Đập ngay vào tầm nhìn là đám cảnh sát đặc biệt lỉnh kỉnh đồ nghề súng bắn tỉa, ống nhòm đang lố nhố tận trên nóc nhà.

Ngồi trong phòng báo chí Nhà Trắng ngó ra thứ quốc viên kia thoáng chút giật mình đã ba năm mà vẫn diễn lại cảnh mấy công nhân miệt mài xén cây, tỉa cỏ. Khác chăng là cái phòng báo chí này.

Hồi giữa năm 2006, người ta đã cho đập bỏ Phòng họp báo cũ tưởng xây mới ở đâu hoá ra lại vẫn chỗ cũ có điều được nâng cấp thêm lên... Sáu cái cửa vòm được trổ là phía vườn diện tích vẫn chừng ấy của phòng họp báo Nhà Trắng nhưng một nửa dành riêng cho các hãng CBC News, CNN, BBC, APTN, FOX, NBC... thuê cho các phóng viên chuyên cắm chốt bám sự kiện ở Nhà Trắng. Mỗi một nhà truyền thông như thế diện tích chỉ là một ngăn con con.

Tôi để ý trần nhà có nhỉnh hơn chứ không lè tè như trước chỉ ai đó chả may trong cơn cớ chi đó không kiềm chế được nhẩy dựng lên thì đầu chạm trần liền! Có trời mà hiểu được những toan tính lẫn thâm ý chi đó của những ông chủ lẫn đám hành chánh Nhà Trắng.

Hùng mạnh khéo đầu khéo tay ai bằng được ngài Hợp chủng quốc này nhưng theo thiển ý của tôi, cái phòng họp báo danh giá, bộ mặt của một cường quốc này nó khiêm tốn thế nào ấy bởi cung cách xây cất lẫn bố trí lẫn trần thiết như vậy?

Hay là đặt chân đến chốn này các ký giả đa phần máu nghề mải mốt tác nghiệp cho xong chứ hiếm người có cái máu tỷ mẩn này khác? Hay lại có sự chủ đích răn khuyên các nhà báo phải biết kiềm chế như tôi dẫn ra cái trần thấp ấy?

Vẫn hàng ghế thấp tịt ngồi hơi kích mông màu xanh. Vẫn cái bục của người phát ngôn nhưng có thêm dòng chữ cỡ nhỏ gắn mép trước nhưng giống hệt dòng chữ phía sau lưng người phát ngôn kia White Houte dưới là Washington mà thiên hạ đã quen thấy trên tivi mỗi dịp Toà Bạch Cung có sự kiện chi đó.

À kia rồi, nhà xây mới nhưng vẫn lưu lại biển bằng đồng màu gụ tôn vinh người phát ngôn James S.Barady cựu Thư ký báo chí Nhà Trắng, người được Tổng thống Bill Clinton năm 2000 đặt tên ông cho cái phòng họp báo này.

Bên cạnh tấm biển, trang trọng treo hai hộp kính nho nhỏ. Ấy là hai chiếc kéo một cái đã xỉn màu, một mới tinh màu vàng choé. Cái kéo cũ từng được Tổng thống R. Reagan cắt băng khánh thành phòng họp báo năm 1991. Còn cái mới tinh kia được chính TT Bush sử dụng trong dịp khánh thành nhà này tháng 7 năm 2007.

Tôi ngó quanh và nhận thấy số ghế không đủ cho người. Những tưởng các ký giả lưu lại vì bài vở vì mới cách đây mấy tiếng, Tổng thống Bush vừa tiếp người đẹp chính trường Gloria Arroyo Tổng thống Philippinnes, từng được đào tạo hệ thống tại những trường đại học hàng đầu của Mỹ và Philippines có bằng Thạc sĩ và Tiến sĩ về kinh tế học, là chuyên gia về kinh tế và người có tài ăn nói... Hóa ra họ nán lại để dự cuộc gặp báo chí sau buổi Tổng thống tiếp Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Tôi ngờ ngợ một anh ký giả người châu Á nhưng ông đã nhận ra tôi trước. Đó là ông Võ V., người giúp việc cho ông Bội Hoàn nhà ở phố hàng Gà, Hà Nội, định cư ở nước ngoài trên 50 năm và hơn 70 tuổi vẫn còn làm ở CBS News, chuyên đưa tin về Nhà Trắng của hãng mà tôi tình cờ gặp ba năm trước ở phòng này.

Qua ông Võ V. loáng thoáng biết về ông Bội Hoàn đã nghỉ hưu về Cali Quận Cam rồi. Chuyện về ông ký giả Võ V. chuyên làm tin truyền hình để mưu sinh đây, có lẽ chẳng dễ nói...

Như người ta vẫn than vãn cho những trường hợp trở đi mắc núi trở lại mắc sông, hoàn cảnh của ông cũng kẹt từa tựa vậy!

Trong câu chuyện, chắc ông Võ V. nói cho vui thôi rằng theo thuật phong thuỷ là cái nhà báo chí này có lắm sự trục trặc chứ chưa hẳn đã là bất tiện trong công năng sử dụng!?

Mấy đời phát ngôn Nhà Trắng có lẽ duy nhất hanh thông được chỉ có James S.Barady. Thư ký báo chí Nhà Trắng kiêm phát ngôn J. Barady bị một mảnh tạc đạn găm vào chân trong vụ mưu sát Tổng thống Ronald Reagan năm 1981.

Là người tận tuỵ sõi đời ứng đối mau lẹ, J. Barady liên tục được việc lẫn hanh thông ở xứ Bạch Cung khiến phòng báo chí Nhà Trắng này được mang tên James S. Barady.

Số còn lại nếu không từ chức giữa chừng thì cũng bị bệnh tật ung thư như Ari Fleischer. Tệ hơn như Scott McClellan là một trong những cộng sự trung thành nổi tiếng của G. Bush.

Ông ta đến làm việc cho G. Bush năm 1999 khi G. Bush còn là Thống đốc Texas, giúp G. Bush nắm Nhà Trắng năm 2000. Sau đó, McClellan chuyển đến Washington để bảo vệ Tổng thống trong liên tục sáu năm về những vấn đề như chiến tranh Iraq, bão Katrina...

Vậy mà gần đây trong quyển hồi ký đang làm chấn động Nhà Trắng, McClellan bỗng trở thành phản đồ! Ông ta tiết lộ chính quyền Bush đã chuẩn bị cho cuộc tấn công vào Iraq từ năm 2002.

Rằng cả bộ máy của G. Bush đã tiến hành một “chiến dịch sáng tạo”, nhờ đó mà năm 2003 việc Mỹ sử dụng vũ lực lật đổ chế độ Saddam Hussein được coi là khả năng duy nhất đúng trong hoàn cảnh đó. Cuộc chiến mà nay McClellan đánh giá là “một thất bại hoàn toàn về chiến lược”.

...Gần 50 phút hội đàm  giữa TT và Thủ tướng Việt Nam sao mà lâu? Rồi cả phòng rầm rập nhốn nháo khi một nhân viên xuất hiện thông báo đã đến lúc vào phòng Rousevelt còn gọi là phòng Bầu dục.

Ngó cánh báo chí tây ta hăm hở lẫn bồn chồn xếp thành ba  hàng bên cạnh Vườn Hồng, tôi có cảm tưởng cái máu nghề nghiệp có lẽ đeo bám lấy họ suốt đời không kể chủng tộc và bất cứ xó xỉnh nào trên hành tinh này?

Căn phòng Bầu dục cũng chả mấy chật bỗng chốc ken đặc người. Bởi ngăn cách một kiểu bàn dạng như salon nên cánh ký giả không thể áp sát vị trí ngồi của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Tổng thống Bush được nên những cần micro chĩa về hai ông chủ lẫn khách cứ tua tủa.

Tổng thống Bush và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ngồi trước cái lò sưởi. Bên cạnh chỗ ngồi của hai ông, tôi thoáng thấy chiếc thùng xếp sáu khúc gỗ đều chằn chặn chẳng biết thứ gỗ gì để dùng cho lò sưởi.

Trưa nay ngài Tổng thống chĩnh chiện trong bộ âu phục màu xám nhạt, cà vạt cũng là mầu dịu. Bởi đứng khá gần nên có điều tôi lấy làm lạ là đôi giầy của ông, tất nhiên là màu đen rồi nhưng nói như thế nào nhỉ, dưới cặp ống quần, nó gồ lên như kiểu người ta đi ghệt!

(Sau này, tôi có đem thắc mắc hỏi một đồng nghiệp Mỹ thì ông cười cho hay qua người phiên dịch rằng cũng không biết nữa! Ông nói chắc cho vui thôi, ông Bush là dân xứ Texas chính hiệu, có lẽ ông mới vừa đi ngựa đâu đó về!?).

Tổng thống Bush với phong thái cởi mở chìa tay về phía TT Nguyễn Tấn Dũng cho biết ông và TT vừa có một cuộc gặp thú vị và chất lượng. Các nhà báo có thể tham khảo kiểm tra chất lượng ấy trên bản Tuyên bố chung.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, như một vế đối với phong thái của TT Hoa Kỳ, với phong thái đĩnh đạc tự tin, bằng những dẫn chứng sinh động  nói thêm về một Việt Nam đổi mới phát triển về lợi ích tất yếu cùng có lợi về nhiều lĩnh vực mà hai nước đã và đang hợp tác sắp tới sẽ được đẩy mạnh khởi sắc thêm lên.

Nội dung ấy được gói gọn trong khoảng 6 phút và cũng từng ấy thời gian để người phiên dịch chuyển ngữ! Vừa nghe, tôi vừa thoáng thấy ngoài mấy bức chân dung sơn dầu những TT tiền nhiệm G. Washington những A. Lincon... có một bức sơn dầu vẽ mấy nhánh xương rồng ngó rất sống động.

Bên tường lại có hai bức khác vẽ tĩnh vật. Một bình hoa hồng chĩnh chiện trên chiếc bàn bên cạnh. Và trên đầu ông Bush là cái đồng hồ treo tường chiếc kim chỉ hai giờ chiều giờ Washington tức là ba giờ sáng của một ngày mới Hà Nội.

Một công đoạn chủ chốt đã qua của chuyến thăm. Chất lượng của cuộc gặp lẫn chuyến thăm có thể căn cứ vào vẻ tươi tắn của chủ và khách sau buổi gặp báo chí.

Ông ký giả Võ V. thì sau cái vỗ vai và cả cười, ông đã trích nguyên một câu của Tổng thống G. Bush vừa nói tại Nhà Trắng:  Hoa Kỳ tái khẳng định sự ủng hộ của Chính phủ Hoa Kỳ đối với chủ quyền quốc gia, an ninh, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.

Không hiểu sao ông cho câu ấy là chất lượng và ý nghĩa nhất trong những điều được nêu... Ông nói vậy thì tôi cũng biết vậy chứ chất lượng và ý nghĩa của cuộc thăm hữu nghị chính thức Hoa Kỳ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chắc còn có nhiều điều ý nghĩa khác nữa...

Washington DC lúc nửa đêm 24/6/2008 tức gần trưa 25/6/2008 Hà Nội

MỚI - NÓNG