Nhà thơ và Hoa hậu

Nhà thơ và Hoa hậu
Trong nghệ thuật thi ca của Aristos, các từ Nhà thơ, Cái đẹp, Hoa hậu... vốn thuộc về nhau, chan hòa trong nhau. Đó là những từ ngữ của vị thần Mỹ học, vị thần Cái đẹp.

Tôi chúc mừng Chủ khảo cuộc thi Hoa hậu Thế giới người Việt 2007, nhà thơ Dương Kỳ Anh, vừa từ vùng biển đẹp Nha Trang về - và nói vui: "Thắng lợi của cuộc thi Người đẹp này và thảy những cuộc trước đó đều từ lộ trình mỹ học của Aristos cả!". Thành công này chính là thành công của Thi ca và Cái đẹp sáng giá.

Với Cái đẹp, phải đi từ một lộ trình sâu thẳm như vậy mới mong đem lại kết quả, mới mong có sự thăng tiến bền bỉ từ cuộc này đến cuộc khác, năm này đến năm khác.

Có nghĩa là nếu chỉ chạy theo phong trào "đèm đẹp" thì chung cục chẳng phải như vậy. Có nghĩa là, muốn đi trên Con - đường - của - cái - Đẹp thì phải thực tâm, thực tài, thực say và khó biết bao nhiêu!

Tôi để ý nhiều năm qua, khi bước lên bục gắn vương miện cho Cái đẹp, người chủ khảo bền bỉ này, tác giả các cuộc thi Hoa hậu Việt Nam đã có tên trong Từ điển Danh nhân, chỉ muốn mang theo danh hiệu: Nhà thơ.

Kể ra khi bước lên bục cao như vậy trước biển cả, trong ánh đèn huyền diệu muôn màu, người ta choàng theo một "lô xích xông" các danh hiệu khác như Giáo sư, Tiến sĩ, Tổng này, Tổng nọ... thì hẳn Vòng nguyệt quế lung linh hơn.

Nhưng vì sao có người không làm như vậy, mà trước sau chỉ mang theo danh hiệu Nhà thơ. Dù sao hai từ này về lượng từ cũng là đơn độc, ở ta nghe nó chưa oai phong vang dội...

Nhưng đã là Nhà thơ đích thực, thì làm sao gạch đi hai tiếng đó được, để điền vào những từ cao sang khác. Hoặc điền thêm vào những danh hiệu khác.

Tôi cám ơn nhà thơ của chúng ta lần nữa, ở chính hai từ Nhà thơ. Các nhà thơ của chúng ta, ở khắp các phương trời châu lục, cũng cám ơn điều đó.

Khi bước lên những chiếc bục để làm công việc mà thần Thẩm mỹ giao cho, lẽ nào người trong cuộc chẳng hiểu và làm ngược lại như trước nay nhiều người từng làm.

Trước những tiếng vỗ tay tung hô rào rào như sóng, người trong cuộc dễ say sưa cao hứng, không biết hoặc dễ quên tính tri thức, gốc mỹ học của công việc này. Người ta dễ đuổi theo hào quang trong sự... "thành công rực rỡ".

Nhưng lộ trình của mỹ học và những tiếng "học" sẽ bật đèn cảnh báo: Đừng đi chệch, đừng mang vác vô ích mà dễ buồn cười. Khi bước lên trao vương miện, nếu anh là Nhà thơ đích thực, thì chỉ hai tiếng Nhà thơ là quá đủ.

Tôi chắc các Nhà thơ đích thực quanh tôi và nói vui... cả Hội Nhà văn Việt Nam của chúng ta cũng sẽ cám ơn và ghi công ở điều đó.

Những cuộc thi Hoa hậu Việt Nam, và mới đây, cuộc thi Hoa hậu Thế giới người Việt 2007, thực sự đã trở thành những bài thơ, thành bản trường ca về Cái đẹp.

Thi ca đã bước ra cùng Người đẹp, chan hòa vào nhau và nâng cao nhau, khiến người ta yêu Thi ca hơn, yêu hai tiếng Nhà thơ hơn.

Tôi nói vui trong ý tưởng đề xuất với Nhà thơ Dương Kỳ Anh: Bên cạnh các Hoa hậu và các Á hậu, còn có các danh hiệu dành cho người áo dài đẹp nhất, nước da ăn ảnh nhất... Phải chăng các cuộc thi Hoa hậu lần sau nên có danh hiệu "Người đẹp... Thơ nhất".

Xin để mọi người bàn luận, lí giải về danh hiệu độc đáo mà bình dị này. Và thú vị biết bao, ý nghĩa biết bao, việc trao danh hiệu này, không ai khác, lại chính là người mang danh hiệu Nhà thơ.

Theo Phan Cung Việt
Văn nghệ

MỚI - NÓNG